Chia sẻ:

PHÂN TÍCH CHỈ SỐ TÀI CHÍNH – Phần 4: Chỉ số hiệu suất hoạt động

Ở phần trước, ABS đã cùng bạn đi qua một loại chỉ số rất quan trọng trong phân tích tài chính: Chỉ số khả năng sinh lời, có ý nghĩa lớn trong cả công tác quản trị doanh nghiệp của ban lãnh đạo và việc ra quyết định mua cổ phiếu của các nhà đầu tư. Ở phần 4 trong sê-ri bài viết về phân tích chỉ số tài chính, chúng ta cùng tìm hiểu loại chỉ số tài chính thứ 3, cũng không kém phần quan trọng so với chỉ số khả năng sinh lời, đó là: Chỉ số hiệu suất hoạt động.

Chỉ số hiệu suất hoạt động là gì?

Chỉ số hiệu suất hoạt động (tiếng Anh: Efficiency Ratios) là công cụ tài chính đo lường mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản và quản lý nợ trong kỳ của một doanh nghiệp. Có một vài loại chỉ số hiệu suất hoạt động, tuy nhiên chúng đều có đặc điểm chung là trực tiếp hoặc gián tiếp đo lường khoảng thời gian cần thiết để doanh nghiệp chuyển đổi các nguồn lực (tài sản, vốn…) sang tiền mặt hoặc doanh thu. Nguồn thu của doanh nghiệp có thể đến từ việc bán sản phẩm dịch vụ cho khách hàng, hoặc thanh lý hàng tồn kho của chính nó.

 

 

Chắc hẳn các bạn đang cảm thấy bộ chỉ số này khá tương đồng với chỉ số khả năng sinh lời khi cả 2 đều đo lường hiệu quả sử dụng tài sản của một doanh nghiệp. Để dễ dàng phân biệt thì chỉ số khả năng sinh lời tập trung vào dòng cuối cùng trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: lợi nhuận sau thuế (lợi nhuận ròng), nó đo lường mức độ hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực để sinh lời. Trong khi đó chỉ số hiệu suất hoạt động lại tập trung nhiều hơn vào các dòng đầu tiên trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thugiá vốn hàng bán, bộ chỉ số này biểu thị mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản để tạo ra doanh thu của doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư thường kiểm tra chỉ số sinh lời trước khi quyết định mua cổ phiếu của một doanh nghiệp, phổ biến nhất là tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE/ROAE). Tuy nhiên nếu muốn nhìn sâu hơn vào tính hiệu quả trong hoạt động kinh doanh, hoạt động quản lý của doanh nghiệp thì chúng ta cần đến chỉ số hiệu suất hoạt động. Điều đáng mừng là, cả 2 đều không quá phức tạp để tìm hiểu và theo dõi. Dưới đây là một số ví dụ để các bạn có cái nhìn cụ thể hơn về bộ chỉ số này.

Chỉ số vòng quay hàng tồn kho

Vòng quay hàng tồn kho là chỉ số tài chính đo lường mức độ hiệu quả trong việc quản lý hàng tồn kho của một doanh nghiệp. Việc bán/thay thế hàng tồn kho trong một khoảng thời gian nhất định được phản ánh vào chi phí giá vốn hàng bán trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, vòng quay hàng tồn kho thể hiện số lần doanh nghiệp bán/thay thế (quay vòng) hàng tồn kho của mình để cân bằng tương ứng với chi phí giá vốn hàng bán trong một kỳ.

 

 

Ví dụ Công ty Cổ phần Vinhomes có giá vốn hàng bán năm 2022 là 32.125 tỷ đồng, hàng tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ lần lượt là 28.579 và 65.816 tỷ đồng (hàng tồn kho trung bình là 47.198 tỷ đồng ). Chỉ số vòng quay hàng tồn kho của CTCP Vinhome là 32.125/47.198=0,68 (Xem thêm bảng 1). Có thể thấy năm 2022, doanh thu bán nhà của Vinhomes giảm mạnh so với năm 2021 làm giá vốn hàng bán cũng giảm theo. Tuy nhiên như đã phân tích ở phần trước, trong năm 2022, Vinhomes triển khai nhiều dự án lớn khiến cả hàng tồn kho và tài sản BĐS dở dang đều tăng mạnh. Do đó, vòng quay hàng tồn kho của VHM giảm từ 1,01 năm 2021 xuống còn 0,68 năm 2022.

 

 

Vòng quay hàng tồn kho quá thấp có nghĩa là doanh nghiệp đang tồn đọng quá nhiều hàng tồn kho,hoặc đang gặp vấn đề trong việc đưa thành phẩm đến tay người tiêu dùng. Vòng quay hàng tồn kho càng cao chứng tỏ doanh nghiệp bán hàng càng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Tuy nhiên chỉ số này quá cao cũng không tốt vì lượng hàng dữ trữ không nhiều có thể gây ra một số tác động tiêu cực cho doanh nghiệp:

  • Hết hàng: Hết hàng hoặc cháy hàng tồn kho có thể dẫn tới việc mất khách, mất doanh thu hoặc bị các bên đối thủ cạnh tranh giành chiếm thị phần.
  • Thiếu cơ động: Dự trữ, tồn kho ở mức thấp có thể giảm tính cơ động của doanh nghiệp trong việc phản ứng với các thay đổi bất ngờ trong cung cầu sản phẩm của thị trường.
  • Gia tăng chi phí đặt hàng: Doanh nghiệp dự trữ được ít hàng tồn kho phải đặt hàng nhiều lần hơn, do đó tổng chi phí đặt hàng như phí ship, phí xử lý hàng hoá cũng cao hơn.

Câu hỏi được đặt ra là: Vậy vòng quay hàng tồn kho bao nhiêu thì là tốt? Câu trả lời quen thuộc chúng ta cần nhắc lại: Tốt hay xấu còn tuỳ thuộc vào việc chỉ số này của công ty có sát với tiêu chuẩn hay benchmark của ngành hay không. Đa phần thì các ngành có sản phẩm giá rẻ thường có vòng quay hàng tồn kho cao hơn so với các ngành bán sản phẩm với giá đắt hơn. Ví dụ, các cửa hàng kinh doanh tạp hoá vòng quay hàng tồn kho thường xấp xỉ trong khoảng 14, trong khi các đại lý xe hơi có chỉ số này rất thấp, chỉ khoảng 2 đến 3 vòng/năm.

Ở các bài viết sau của phần 4, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tiếp các chỉ số hiệu suất hoạt động quan trọng trong phân tích đầu tư. ABS cũng sẽ giới thiệu với các bạn một khái niệm đặc biệt hữu dụng và thực tế liên quan đến bộ chỉ số này. Các bạn cùng đón đọc nhé !

 


 

Xem thêm các bài viết khác trong series Phân tích chỉ số tài chính

 


 

Series các bài viết khác của ABS

 

1. Series PHÂN TÍCH KỸ THUẬT

 

2. Series ĐỌC HIỂU BÁO CÁO TÀI CHÍNH

 

—————————

 

Huấn luyện viên đầu tư ABS

Follow page ABS để tiếp tục nhận được các bài viết kiến thức đầu tư:  Tại đây

Link tải App ABS Invest với đầy đủ bộ công cụ hỗ trợ đầu tư: Tại đây