Chia sẻ:

Vòng xoay mới

Vẫn có CP tăng giá, dòng tiền vẫn mạnh, nhưng diễn biến của TTCK tuần qua lại có quá nhiều sự bất ngờ ngay trong từng phiên giao dịch. Điều này khiến cho nhiều NĐT gặp khó khăn trong việc dự báo cũng như ra quyết định mua-bán.

Mốc 700 điểm vẫn trụ vững

Phiên giao dịch 28-2, VN Index giảm khá mạnh từ 717 điểm xuống 710 điểm, khi đó một số người cho rằng thị trường sẽ sớm hạ nhiệt, khả năng chỉ số này có thể về lại vùng 680 điểm để… mua trở lại. Nhưng nhận định này chỉ đúng được thêm 2 phiên nữa vào ngày 1 và 2-3 thị trường tiếp tục giảm, dù vậy kể từ 3-3 đến 8-3 VN Index có liền 4 phiên phục hồi.

Phiên đầu tiên VN Index vượt 700 điểm trong năm 2017 vào 2-2, nghĩa là chỉ số này đã có 27 phiên giao dịch liên tiếp trụ trên ngưỡng này, nhưng có một thực tế là đến giờ này vẫn còn rất nhiều người băn khoăn mốc 700 điểm đang đỉnh hay một mặt bằng giá mới đã được thiết lập. Thực tế phiên giao dịch 10-3 có thể giải đáp phần nào những khúc mắc này. Đây là một phiên giao dịch mà phạm vi giảm giá trải rộng trên nhiều nhóm CP từ NH với VCB, CTG, BID… cho đến bia với SAB, BHN, phân bón với DPM, DCM, dược với DHG, DMC, DCL… cùng với các mã vốn hóa lớn khác như GAS và VNM. Nhưng xét về điểm số, phiên 10-3 VN Index chỉ mất 3,59 điểm, tương đương 0,5%, xuống còn 712,21 điểm. Nguyên nhân một số CP có vốn hóa lớn khác bao gồm nhóm CP bất động sản và xây dựng với DXG, HBC, FLC, ROS cộng với các blue chip gồm FPT, HPG, VJC… vẫn duy trì diễn biến tích cực, đã chặn đà giảm của điểm số thị trường. Phần lớn thời gian trong phiên, VJC giao dịch ở vùng giá thấp hơn 130.000 đồng/CP, nhưng rất bất ngờ khi vào những phút cuối cùng của giờ giao dịch, lệnh mua ATC với khối lượng lớn đã đẩy CP này đóng cửa tại mức giá 131.000 đồng/CP, tăng nhẹ 500 đồng/CP so với phiên trước đó.

Về mặt điểm số của thị trường cho thấy khi rất nhiều CP có vốn hóa lớn đã, đang và sẽ xuất hiện trên thị trường, nên ảnh hưởng đến với VN Index sẽ không cố định ở một nhóm CP nào như trước đây thường hay nói đến những cái tên VNM, VCB, BVH, MSN, BID… Bây giờ có SAB, VJC và sắp tới có cả ACV, Petrolimex… Tuần rồi, thông tin ACV bán 20% cổ phần cho Cơ quan hàng không của Pháp là Aeroports de Paris đã xuất hiện. Với việc có đối tác chiến lược nước ngoài, ACV cũng dự kiến chuyển 2,17 tỷ CP (tương ứng vốn điều lệ 21.700 tỷ đồng) đang giao dịch tại UPCoM sang niêm yết tại HOSE vào cuối năm nay. Hiện nay, giá trị vốn hóa của ACV đang rơi vào tầm 113.000 tỷ đồng, và sẽ không bất ngờ nếu khi lên HOSE ACV sẽ lọt top CP có vốn hóa hàng đầu thị trường.

Cũng trong tuần qua, Petrolimex (PLX) tổ chức gặp gỡ các NĐT tổ chức để công bố những thông tin quan trọng trước khi niêm yết trong thời gian tới (dự kiến trung tuần tháng 4-2017). VĐL của PLX hiện đang là 12.938 tỷ đồng, tương đương 1,29 tỷ CP. Trên một trang giao dịch CP OTC, hiện nay giá chào bán của PLX lên đến 5.0, tất nhiên OTC có nhiều giá khác nhau, nhưng với vị thế của PLX, cộng với kỳ vọng rất lớn của thị trường việc PLX trở thành CP có vốn hóa lớn, ảnh hưởng đến VN Index cũng là lẽ đương nhiên.

Những blue chip mới làm mới thị trường

Như vậy VN Index sau khi được san sẻ có thể tạo ra một kiểu ảnh hưởng có tính chất luân phiên. Diễn biến của REE thời gian vừa qua là một thí dụ. Tính trong 3 tháng gần nhất, REE tăng đến 35%, đây là một CP có thanh khoản hàng đầu, minh bạch thông tin nên tỷ lệ margin thường sẽ được cho vay lên mức tối đa (1:1), nghĩa là nếu mua REE ở vùng giá 2.0 với tỷ lệ margin 1:1, lợi nhuận có thể thu về đến… 70%. Nghĩa là ngoài những cái tên mới trẻ trung như VJC, SAB, NVL… góp phần chia sẻ vai trò dẫn dắt thị trường thì chính những blue chip kỳ cựu như REE và BVH cũng có thể quay trở lại một cách ngoạn mục.

Với việc các CP lớn tiếp tục lên sàn trong khi blue chip cũng luôn sẵn sàng trở lại thì diễn biến VN Index nhiều khả năng sẽ theo xu hướng  sideway up, nghĩa là tăng dần, đi ngang trong biên độ hẹp rồi lại tăng tiếp. Phiên 7-3, khối ngoại đã bán ròng hơn 106 tỷ đồng tại HOSE, cũng là mức lớn nhất trong 1 tháng qua; trong 2 phiên 9 và 10-3 khối này cũng bán ròng gần 100 tỷ đồng tại HOSE. Đây có thể là một rủi ro trong ngắn hạn của thị trường, nhưng cần thêm một thời gian để theo dõi. Nếu thanh khoản của toàn thị trường được duy trì quanh khu vực 3.000-4.000 tỷ đồng/phiên, những rủi ro có thể được giảm thiểu. Khi dòng tiền vẫn còn, dù nhóm CP này có bị bán ra vẫn sẽ có nhóm khác hút tiền vào và giữ cho cục diện thị trường ổn định. Thách thức ở đây chính là những diễn biến mang tính chất “vi mô” của từng CP hay từng nhóm CP.

 

Cuối ngày 10-3, thị trường đã bị bất ngờ khi quỹ ETF V.N.M thêm NVL (Novaland) vào danh mục của mình, vì theo thông lệ CP muốn vào rổ ETF sẽ cần đến 6 tháng giao dịch, trong khi NVL mới lên sàn HOSE được 3 tháng rưỡi. Năm 2015 đã từng chứng kiến việc ETF quyết định đưa BID vào rổ chỉ số, nhưng cuối cùng lại không mua vào với lý do… nhầm lẫn. Ở đây không bàn đến quyết định cũng như dụng ý của các quỹ ETF, nhưng các câu chuyện này cho thấy tính chất bất ngờ đối với hoạt động của các NĐT, đồng thời là diễn biến của từng CP. Bản thân diễn biến của NVL thời gian qua cũng cực kỳ bất ngờ. Vào đầu tháng 2, khi nhiều NĐT nghĩ rằng CP này sẽ còn yên vị tại vùng giá 6.0 trong thời gian dài, sau đó là một loạt phiên tăng mạnh từ mức dưới 6.0 lên đến 6.8. Không ít NĐT ban đầu có ý định theo NVL đã không kịp trở tay với diễn biến của CP hàng đầu trong ngành bất động sản này. Trừ CP mới lên sàn hoặc những mã penny quá hot, hiện tại cũng phải đến 80% CP sẽ có diễn biến theo kiểu tăng vài phiên, chững lại, điều chỉnh rồi mới tăng tiếp.

Trong điều kiện thị trường chung có những diễn biến khó lường, việc NĐT có thể mua vào, nắm giữ CP như chiến thuật đề ra ban đầu rất khó. Bởi lẽ mua vào khi CP chưa tăng, nhưng nhìn diễn biến của thị trường đôi khi giống như sắp “điều chỉnh đến nơi” lại sợ hãi bán ra, cuối cùng lỡ mất cơ hội.

 

Ngọc Trúc

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.