Chia sẻ:

VN-Index giảm thêm hơn 8 điểm lùi về mốc 960,65

Kết phiên sáng, thị trường tiếp tục chìm trong sắc đỏ với 198 mã giảm tại HOSE và 88 mã giảm tại HNX hoàn toàn áp đảo số lượng mã tăng giá.

 

VN30 ngoại trừ BMP, GASVIC duy trì đà tăng thì còn lại đều giảm, trong đó giảm mạnh nhất là VNM với 4.000 đồng, SAB 3,600 đồng, DHG 2,800 đồng…

 

Nhóm ngân hàng chỉ còn lại EIB tăng giá 50 đồng và BAB đứng tham chiếu, còn lại đều giảm với TCB, HDB, VPB dẫn đầu. Loạt cổ phiếu đầu ngành chứng khoán như SSI, VCI, HCM, VND, MBS, SHS cùng chung sắc đỏ.

 

Tạm nghỉ phiên sáng, VN-Index mất thêm 8,26 điểm để rớt xuống vùng giá 960 điểm. HNX-Index cũng giảm 1,68 điểm xuống 107,98 điểm.


Thị trường trước phiên giao dịch mới đón nhận một số thông tin quan trọng từ thị trường thế giới. Các chỉ số chứng khoán thế giới vẫn theo xu hướng tiêu cực. Các chỉ số chính tại thị trường chứng khoán Mỹ ngày 27/6 đều giảm do bất ổn tái xuất hiện, liên quan lập trường của Mỹ về đầu tư từ Trung Quốc vào các công ty công nghệ của Mỹ. Dow Jones giảm 165,52 điểm, tương đương 0,68%, xuống 24.117,59 điểm. S&P 500 giảm 23,43 điểm, tương đương 0,86%, xuống 2.699,63 điểm. Nasdaq giảm 116,54 điểm, tương đương 1,54%, xuống 7.445,09 điểm.

 

Trong khi đó, Giá dầu WTI ngày 27/6 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 nhờ các yếu tố như nguồn cung tại Mỹ giảm mạnh và nguồn cung tại Libya, Canada bị gián đoạn. Đây được cho là thông tin sẽ hỗ trợ giúp nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch tích cực. Giá dầu WTI giao tháng 7 tăng 3,2% lên 72,76 USD/thùng. Trong phiên giao dịch, có lúc giá WTI chạm 73,06 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 28/11/2014. Giá dầu Brent tăng 1,42% lên 77,22 USD/thùng.

 

Mở cửa phiên giao dịch, VIC khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ với việc được kéo lên mức giá trần 110.700 đồng/CP. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền để VIC trả cổ tức năm 2017 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 1.000:210.

 

Việc VIC tăng trần đã hỗ trợ rất lớn giúp kéo VN-Index lên trên mốc tham chiếu, có thời điểm chỉ số này đã tăng hơn 6 điểm. Tuy nhiên, đà tăng của VN-Index nhanh chóng bị thu hẹp lại do hàng loạt mã vốn hóa lớn tiếp tục giảm sâu như VPB, VCB, ROS, MSN, BID… Thậm chí chỉ số này còn đảo chiều giảm trở lại do áp lực quá lớn từ nhiều cổ phiếu trụ cột.

 

Dù giá dầu thế giới bứt phá mạnh nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn giao dịch không mấy tích cực. GAS tăng nhẹ 0,1% lên 88.300 đồng/CP. PVD cũng chỉ tăng 0,7% lên 13.750 đồng/CP. Trong khi đó, PVS đảo chiều giảm 0,6% xuống 17.600 đồng/CP…

 

Đáng chú ý, dù thị trường vẫn đang có những diễn biến rất xấu nhưng hai cổ phiếu YEG và BBT dường như đứng ngoài xu hướng chung này. BBT đang có phiên tăng trần thứ 13 liên tiếp và giá cổ phiếu này đã tăng lên mức 14.700 đồng/CP, trong khi giá chào sàn mới đây chỉ là 2.300 đồng/CP. YEG cũng đang có phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp và đạt 343.400 đồng/CP.

 

Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index tăng giảm 0,94 điểm (-0,1%) xuống 967,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 24,5 triệu cổ phiếu, trị giá 454 tỷ đồng.

 

HNX-Index tiếp tục giảm 0,77 điểm (-0,7%) xuống 108,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6,8 triệu cổ phiếu, trị giá 184 tỷ đồng.

 

VCBS cho rằng giá dầu hồi phục phần nào ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu ngành dầu khí. Mặc dù vậy nhịp hồi phục của thị trường vẫn chưa thể trở lại. Thanh khoản phiên hôm qua nếu trừ đi khối lượng giao dịch thỏa thuận tăng đột biến nhờ giao dịch YEG thì vẫn duy trì ở mức thấp, phản ánh rõ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong thời điểm này. VCBS nhận định cần có thêm thời gian và động lực rõ ràng để tâm lý trên thị trường được củng cố thêm, dòng tiền dần trở lại.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.