Chia sẻ:

VN-Index cuối năm 2016: 630 hoặc 720 điểm?

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua hơn 3/4 chặng đường của năm 2016 với nhiều gam màu tươi sáng hơn năm 2014 và 2015. VN-Index đã tăng 16,6%.

Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã ghi nhận mức tăng 16,6%, một con số khá tốt khi so sánh với tỷ suất sinh lợi ở các kênh đầu tư khác.


Tuy nhiên, từ giữa tháng 7 đến nay, tốc độ tăng giá đã chững lại và điểm số của VN-Index đến hiện tại thậm chí “dậm chân tại chỗ” so với giai đoạn cách đây 3 tháng.


Một tháng trở lại đây, tính kiên nhẫn của nhà đầu tư đã bị thử thách lớn khi VN-Index liên tục lanh quanh trong vùng biến động hẹp đi kèm với thanh khoản cầm chừng.


Theo nghiên cứu phân tích của CTCK Maybank Kim Eng (MBKE), ở góc nhìn kỹ thuật, VN-Index phần lớn thời gian trong năm 2016 di chuyển tuân theo kênh giá tăng với biên độ tương đối hẹp và độ dốc vừa phải.


Trong ngắn hạn một tháng qua, sau lần tiếp cận cạnh trên của kênh giá tăng, đường giá đã chuyển sang pha tích lũy và giảm trở lại để kiểm tra vùng hỗ trợ quan trọng quanh vùng 670 điểm – khu vực cạnh dưới kênh giá tăng và đồng thời là vùng di chuyển của MA trung hạn.


Tùy thuộc vào cách ứng xử của đường giá tại khu vực 670 có thể kỳ vọng “con sóng lớn” tiếp theo của VN-Index sẽ theo chiều nào.


Trong một kịch bản tích cực, nếu đường giá bảo lưu các quy tắc đã tồn tại suốt từ đầu năm 2016 đến nay (đường giá đã ít nhất có bốn lần bật tăng trở lại khi tiếp cận cạnh dưới kênh giá tăng), VN-Index sẽ có khả năng kết thúc pha điều chỉnh trong thời gian ngắn sắp tới và đường giá có cơ hội di chuyển tăng lên với vùng mục tiêu giá cho 1-2 tháng tới tại khu vực 720 điểm.


Ở kịch bản tiêu cực, sự xâm phạm khu vực 670 điểm (ít nhất hai phiên đường giá đóng cửa dưới 665 điểm) sẽ tạo ra sự thay đổi quan trọng, phá bỏ quy tắc di chuyển mà VN-Index đã duy trì suốt từ đầu năm 2016 đến nay. Nếu điều này xảy ra, vùng mục tiêu gần nhất để kỳ vọng sự cân bằng được tái lập trở lại ở khu vực 630 điểm (một mức điều chỉnh giảm khoảng 6% về mặt chỉ số) trước khi chỉ số có thể xác định các bước đi tiếp theo.

 

Theo MBKE, có nhiều lý do để xác suất kịch bản tích cực của thị trường xảy ra lớn hơn. Đó là: Khả năng đẩy mạnh kích thích nền kinh tế trong giai đoạn cuối năm của Chính phủ; Khả năng đảo chiều trong hoạt động của khối ngoại; Định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức khá hấp dẫn.


Về khả năng đẩy mạnh kích thích kinh tế giai đoạn cuối năm có thể xảy ra khi tăng trưởng GDP tính đến hết quý III/2016 có dấu hiệu chững lại, tính chung 9 tháng GDP tăng 5,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2015 là 6,47%. Chính phủ hoàn toàn có thể xem xét thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ và đẩy nhanh giải ngân vốn tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn cuối năm khi một số yếu tố khó khăn mang tính thời điểm trong năm 2016 nhưng vẫn được kỳ vọng đạt 6,3-6,5% trong năm nay.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh liên tục từ đầu năm đến nay ghi nhận sự cải thiện, PMI (chỉ số mua hàng) có tháng thứ 11 liên tiếp đứng trên mức 50 và thậm chí số liệu PMI tháng gần nhất (tháng 9) ghi nhận mức cao kỷ lục của 16 tháng gần đây.


Các thông số khác như tỷ giá, lãi suất và lạm phát được kiểm soát khá ổn định và không tạo ra các đe dọa trong ngắn hạn. Thủ tướng Chính phủ đã nên quyết tâm kiểm chế lạm phát dưới 5%.


Gần đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng bắt đầu áp dụng những chính sách phù hợp hơn theo Chỉ thị số 04/CT-NHNN về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2016 nhằm kiểm soát lạm phát, bơm tín dụng hiệu quả, điều hành tỷ giá phù hợp với phối hợp với chính sách tài khóa để điều hành chính sách tiền tệ.


Về khả năng quay lại mua ròng của khối ngoại là khả thi mặc dù sau hai tháng bán ròng quyết liệt nhất tính từ đầu năm 2016 đến nay, khối ngoại đã chuyển về mức hoạt động cân bằng hơn trong tháng 10.

 


Sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam đối với khối ngoại còn thể hiện ở PE dự phóng trung bình của thị trường khi đang nằm ở ngưỡng 16 lần. Nếu đưa vào mức chiết khấu khoảng 20%, sẽ vẫn là “phải chăng” nếu kỳ vọng con số này có thể tăng lên mức 18 lần, tương đương với kỳ vọng tăng trưởng về mặt điểm số thêm khoảng 12,5%.


Trong khi đó, nhóm “ASEAN – 5” (không tính Singapore), thị trường chứng khoán tại nhóm này đang duy trì mức PE dự phóng trung bình cho 2016 quanh ngưỡng 22.

 

Với mức định giá PE vào loại trung bình thấp đi kèm với tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trung khu vực, sẽ không quá đáng khi cho rằng Việt Nam vẫn còn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.


LAN ANH

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc