Chia sẻ:

VJC vào top 10, ngày VIC soán ngôi VNM đang cận kề

Tính đến phiên 26/03, cuộc đua cho vị trí đầu bảng trong danh sách những doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường đang “nóng” hơn.

 

CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM, Vinamilk) suốt thời gian qua vẫn là “bóng cả” của thị trường. Trong năm 2017, thị giá cổ phiếu VNM đã tăng gần 69%.

 

Tuy nhiên, trong 3 tháng trở lại đây, đà tăng của VNM bắt đầu chững lại và giảm nhẹ, kéo vốn hóa xuống 302.325 tỷ đồng tính đến phiên 26/03, tại mức giá 208.500 đồng/cp.

 

Năm qua, SCIC đã hoàn tất bán 3,33% vốn của VNM cho Platinum Victory Pte. Ltd, một đơn vị thuộc tập đoàn Jardine Matheson với số tiền gần 9.000 tỷ đồng. Trong 5 năm qua, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam đều ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận trung bình 14,8% và 13,4%.

 

Năm 2018, VNM đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận lần lượt 55.500 tỷ đồng và 10.752 tỷ đồng, tăng 9% và 5% so với năm trước. Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2017 bằng tiền với tổng tỷ lệ tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế.

 

 

Ở vị trí thứ hai, cổ phiếu của CTCP Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) đang cho thấy sự bứt phá. Năm 2017, thị giá cổ phiếu VIC tăng 85%.

 

Qua 2018, VIC vẫn tiếp tục nối dài đà tăng. Sau 3 tháng, thị giá VIC tiếp tục tăng 45%, nâng vốn hóa thị trường của đơn vị này lên 295.880 tỷ đồng, chỉ còn cách VNM gần 6.200 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 2% vốn hóa. Trong những phiên gần đây, cổ phiếu VIC đang thu hẹp dần khoảng cách với VNM

 

Với đà tăng mạnh của cổ phiếu thời gian qua, tài sản của Chủ tịch HĐQT Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng đã đã vượt ngưỡng 6 tỷ USD và cận kề top 300 người giàu nhất thế giới.

 

Năm 2017, VIC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt 90.355 tỷ đồng và 5.440 tỷ đồng, tăng 57% và 55% so với năm trước. Tính đến thời điểm 31/12/2017, tổng tài sản VIC đạt 214.855 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2016; vốn chủ sở hữu đạt 52.306 tỷ đồng.

 

Vị trí cuối cùng trong top 3 cũng đang có sự cạnh tranh gay cấn, mặc dù hiện tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB, VietcomBank) vẫn đang tại vị.

 

Thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được nhiều sự chú ý của nhà đầu tư và liên tục tăng giá. Cổ phiếu VCB cũng không nằm ngoài làn sóng trên, khi bứt tốc tăng 97% so với thời điểm đầu 2017. Tính đến phiên 26/03, cổ phiếu VCB đang có giá 71.900 đồng, tương đương với vốn hóa thị trường 258.840 tỷ đồng.

 

Đà tăng của VCB đến từ những triển vọng tích cực của ngành ngân hàng trong năm nay khi nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã được Quốc hội thông qua. Bên cạnh đó, nhu cầu tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel II cũng khiến ngân hàng tìm cách phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiếu lược, điều này cũng góp phần tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư.

 

Năm 2018, VCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng xấp xỉ 14%; huy động vốn từ nền kinh tế tăng gần 17%; tín dụng tăng xấp xỉ 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1.0%; lợi nhuận trước thuế 12,000 tỷ đồng.

 

Theo ngay sát VCB là Tổng CTCP Khí Việt Nam (HOSE: GAS). Năm 2017 là một năm hồi phục ấn tượng của cổ phiếu GAS theo đà tăng trở lại của giá dầu thế giới.

 

Tính từ đầu 2017 đến nay, thị giá GAS đã tăng 128% và đang dừng ở mức 129.600 đồng/cơ trong phiên 26/03, tương đương với giá trị vốn hóa gần 248.000 tỷ đồng.

 

Năm 2018, GAS đặt mục tiêu doanh thu ước đạt trên 52.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 7.800 tỷ đồng. đều giảm so với kết quả năm trước.

 

Vị trí tiếp theo thuộc về Tổng CTCP Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV). Năm qua, cổ phiếu ACV đã tăng 98% và từng lọt top cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng. Tuy nhiên, cổ phiếu này không giữ được “phong độ” và quay đầu giảm trong 3 tháng gần đây, dừng ở mức 91.500 đồng/cp, tương đương với mức vốn hóa 201.300 tỷ đồng phiên 26/03.

 

5 vị trí cuối cùng mang đậm dấu ấn của cổ phiếu ngân hàng.

 

Sau Tổng CTCP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (HOSE:SAB, Sabeco), với vốn hóa 156.532 tỷ đồng, là 2 cổ phiếu ngân hàng gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (HOSE: CTG, Viettinbank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HOSE: BID, BIDV), vượt qua CTCP Tập đoàn Masan (HOSE: MSN).

 

Cùng với đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn hóa của BIDV tính đến phiên ngày 26/03 ở mức 152.660 tỷ đồng, theo sau là Viettinbank với vốn hóa 132.460 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, với diễn biến cổ phiếu tăng từ giữa năm 2017, vốn hóa của MSN hiện đang ở mức 114.227 tỷ đồng, tăng kịch trần tại phiên ngày 26/03 (cổ phiếu có giá 109.100 đồng/cp).

 

Vị trí thứ 10 thuộc về “tân binh” CTCP Hàng không VietJet (HOSE: VJC, Vietjet Airs). Tính đến phiên ngày 26/03, vốn hóa của Vietjet Air đạt 98.272 tỷ đồng, ở mức thị giá 217.900 đồng/cp. VJC đã đánh bật PLX (vốn hóa hơn 95.000 tỷ đồng), và VRE (vốn hóa 92.340 tỷ đồng) để chính thức trở thành cái tên mới trong bảng vàng vốn hóa top 10 thị trường chứng khoán Việt Nam.

LỆ HẢI


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.