Chia sẻ:

Toàn cảnh thị trường tiền tệ: Cẩn trọng trước lạm phát

 

Lạm phát thế giới và trong nước có xu hướng giảm nhưng vẫn neo ở mức cao. Điều này có thể gây áp lực cho Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực duy trì một chính sách tiền tệ thiên về nới lỏng để kích thích tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì lãi suất đô la Mỹ ở mức cao.

 

 

ĐIỂM TIN KINH TẾ – TÀI CHÍNH

1. Tin Quốc tế

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) giữ nguyên lãi suất hiện nay

Ngày 7/3, các quan chức ECB nhận định lạm phát đã tiếp tục giảm thêm so với thời điểm cuộc họp tháng 1/2024 và dự báo lạm phát trung bình sẽ ở mức 2.3% trong năm 2024, 2.0% năm 2025 và 1.9% năm 2026, đều thấp hơn so với dự báo trước. ECB cho rằng mặc dù lạm phát đang giảm nhưng áp lực giá cả trong khu vực vẫn ở mức cao, một phần do tiền lương tăng mạnh. ECB cho rằng lãi suất ở mức cao sẽ tiếp tục áp lực lên nhu cầu và khiến lạm phát tiếp tục giảm. Do đó, ECB quyết định không thay đổi lãi suất chính sách trong cuộc họp hôm 7/3, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất cho vay cận biên và lãi suất tiền gửi tại ECB lần lượt được duy trì ở mức 4.50%; 4.75% và 4.0%.

 

Liệu cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có trì hoãn thêm việc giảm lãi suất?

Theo báo cáo vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 8/3, số việc làm mới được tạo thêm được 275,000 việc làm mới trong tháng 2, cao hơn nhiều so với con số 200,000 việc làm mới mà các nhà kinh tế dự kiến. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng lên 3.9% trong tháng 2, mức cao nhất trong 2 năm qua, nhưng vẫn ở dưới mức mà Fed coi là bền vững trong trung hạn. Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng các rủi ro mà lạm phát vẫn hiện hữu và không muốn nới lỏng chính sách quá nhanh. Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed sẽ diễn ra trong hai ngày 19-20/3 tới, được dự kiến sẽ tiếp tục duy trì lãi suất chính sách ở mức cao kỷ lục 5.25% -5.5% như hiện tại.

 

2. Tin Trong nước

Nghịch lý cho vay đầu năm 2024

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng đến giữa tháng 2/2024 vẫn tăng trưởng âm, trong khi riêng tín dụng tháng 12/2023 tăng trưởng tới 4.56%, cho thấy có “yếu tố kỹ thuật” trong câu chuyện tăng trưởng tín dụng. Nguyên nhân là NHNN đang điều hành tín dụng bằng công cụ hành chính (room tín dụng), nên có thể vào dịp cuối năm, các ngân hàng thương mại đẩy mạnh dư nợ lên cao để được cấp room tín dụng cao hơn vào năm sau. Ngoài ra, nguyên nhân chủ yếu khiến tín dụng giảm 2 tháng đầu năm là yếu tố mùa vụ và do sức cầu của nền kinh tế yếu, hoặc do doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn, nhưng không thể tiếp cận vốn vay sau 2 năm suy kiệt vì Covid-19. Do đó, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khóa, đặc biệt là đầu tư công và các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mới là chìa khóa để kích sản xuất tiêu dùng, kích cầu tín dụng.

 

Công ty tài chính Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư ngoại

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam tính đến cuối năm 2023 có dư nợ khoảng 2.4 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ tín dụng của các công ty tài chính vào khoảng 135,000 tỷ đồng, giảm khoảng 70,000 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2022. Hiện nay có 16 công ty tài chính được NHNN cấp giấy phép hoạt động và từ nhiều năm qua cơ quan quản lý không cấp mới thêm một giấy phép nào. M&A một công ty tài chính có quy mô lớn là một hướng đi tắt đón đầu của nhà đầu tư ngoại trong việc được phép kinh doanh, thu lại được mạng lưới và đội ngũ nhân sự ở Việt Nam. Một ưu điểm lớn là các công ty tài chính hoạt động ở Việt Nam là một kênh cho vay chính thống để hạn chế tín dụng đen. Công ty tài chính nào có tệp khách hàng lớn và mạng lưới kinh doanh rộng lớn sẽ có cơ hội lớn hơn trong mở rộng cho vay, đa dạng các sản phẩm dịch vụ, mang lại lợi nhuận trong thời gian tới. Gần đây, hai công ty tài chính Home Credit và FE Credit chiếm thị phần lớn trên thị trường đã được mua bán sáp nhập (M&A) cho nhà đầu tư đến từ các quốc gia châu Á. SeABank ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Điện (PTF) cho thành viên thuộc mảng tài chính của AEON Group.

 

 

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

1. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng

Lãi suất VND: giảm mạnh trở lại ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống. Chốt ngày 8/3, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0.80% (-0.67%); 1 tuần 1.06% (-0.57%); 2 tuần 1.32% (-0.54%); 1 tháng 2.06% (-0.38%) so với phiên cuối tuần trước.

 

Lãi suất USD: tăng – giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn ngắn. Phiên cuối tuần 8/3, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5.20% (+0.01%); 1 tuần 5.29% (không thay đổi); 2 tuần 5.36% (+0.02%) và 1 tháng 5.40% (không thay đổi) so với phiên cuối tuần trước.

 

Thời hạn

Kết tuần 4 tháng 2 (23/02/24) Kết tuần 1 tháng 3 (01/03/24) Kết tuần 2 tháng 3 (08/03/24) Biến động

Qua đêm

3.63 1.47 0.80 -0.67%

1 tuần

3.57 1.63 1.06

-0.57%

2 tuần 3.35 1.86 1.32

-0.54%

1 tháng 2.74 2.44 2.06

-0.38%

 

Bảng: Lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng

Nguồn: Website Ngân hàng Nhà Nước

 

Dự báo thị trường tiền tệ

  • Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cũng đã khẳng định, các mức lãi suất điều hành thời gian tới vẫn sẽ được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Đồng thời, Phó Thống đốc khẳng định, NHNN luôn khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

 

2. Thị trường Trái phiếu chính phủ 

Trên thị trường sơ cấp: Ngày 6/3, KBNN huy thành công 8,000 tỷ đồng/11,500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ gọi thầu, tương đương tỷ lệ trúng thầu là 70%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 2,000 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 10 năm huy động được 3,500 tỷ đồng/5,250 tỷ đồng gọi thầu; kỳ hạn 15 năm huy động 2,500 tỷ đồng/3,750 tỷ đồng gọi thầu. Kỳ hạn 30 năm không có khối lượng trúng thầu. Lãi suất phát hành kỳ hạn 5 năm là 1.44% (+0.02%); 10 năm 2.33% (+0.02%); 15 năm 2.53% (+0.02%) so với phiên đấu thầu trước.

 

Trên thị trường thứ cấp: Từ 4-8/3, giá trị giao dịch Outright và Repos đạt trung bình 13,599 tỷ đồng/phiên, tăng mạnh so với mức 9,949 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ trong tuần qua tăng mạnh ở tất cả kỳ hạn. Chốt phiên 8/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 1.29% (+0.07%); 2 năm 1.31% (+0.07%); 3 năm 1.34% (+0.06%); 5 năm 1.55% (+0.09%); 7 năm 1.95% (+0.11%); 10 năm 2.51% (+0.17%); 15 năm 2.72% (+0.15%); 30 năm 3.05% (+0.04%).

 

Kỳ hạn

Lãi suất trúng thầu TPCP ngày

6/3 (KBNN)

5 năm

1.44% (+0.02%)
10 năm

2.33% (+0.02%)

15 năm

2.53% (+0.02%)

 

Kỳ hạn

Khối lượng gọi thầu KBNN ngày 13/3 (tỷ VND)

5 năm

3,000

10 năm

4,000
15 năm

4,000

20 năm

500

30 năm

500

 

Bảng: Kết quả trúng thầu và khối lượng gọi thầu trên thị trường sơ cấp

 

Dự báo thị trường TPCP

  • Tuần qua, khối lượng trúng thầu trên thị trường sơ cấp tiếp tục duy trì ở mức cao, đi kèm lãi suất trúng thầu tăng nhẹ. Thị trường thứ cấp ghi nhận giá trị giao dịch tăng mạnh so với tuần trước đó đi kèm mức lợi suất tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn.
  • Thời gian gần đây, thị trường TPCP vẫn duy trì được trạng thái giao dịch ổn định, và tâm lý các nhà đầu tư tích cực hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

 

 

3. Thị trường mở

Thị trường mở tuần từ 4/3-8/3, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15,000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4.0%. Không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên thị trường. NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN trong tuần qua. Không còn tín phiếu lưu hành trên thị trường.

 

4. Thị trường ngoại hối

Trong tuần qua, tỷ giá tăng so với tuần trước

  • Tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở đầu tuần và giảm ở cuối tuần. Chốt ngày 8/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23,966 VND/USD, giảm nhẹ 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
  • Tỷ giá VND/USD liên ngân hàng tăng trong tuần và giảm trở lại vào cuối tuần. Kết thúc phiên 8/3, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 24,640 VND/USD, giảm nhẹ 10 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
  • Tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng so với tuần trước. Chốt phiên 8/3, tỷ giá giảm nhẹ 40 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 25,320 VND/USD và 25,4380 VND/USD.

 

Tỷ giá ngày 04/03/2024 Tỷ giá ngày 11/03/2024

Ngoại tệ

Mua Bán Mua Bán Thay đổi

USD

23,400 25,154 23,400 25,120 -34

EUR

24,726 27,329 24,921 27,544 +215

JPY

152 168 155 172

+4

GBP 28,872 31,911 29,283 32,366

+455

CHF 25,818 28,536 25,964 28,698

+162

AUD 14,883 16,450 15,085 16,673

+223

CAD 16,823 18,593 16,897 18,675

+82

 

Bảng: Tỷ giá giao dịch tham khảo tại Sở giao dịch NHNN

Nguồn: Website NHNN

 

Dự báo thị trường ngoại hối

  • Dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố tuần trước, củng cố thêm sức mạnh của đồng, đồng thời tạo thêm sức mạnh lên tiền đồng của Việt Nam trong ngắn hạn.
  • Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nền tảng vĩ mô Việt Nam vẫn tương đối ổn định. Lạm phát có xu hướng tăng trong hai tháng đầu năm, song thấp hơn mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay ở mức 4-4.5% mà Quốc hội đề ra. Tỷ giá và lãi suất có dấu hiệu tăng, nhưng biểu hiện trong ngắn hạn. Mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vẫn được duy trì ở mức thấp, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào. Vì vậy, nhà điều hành tiền tệ vẫn có thời gian để quan sát và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các biến số vĩ mô, đặc biệt là kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp với nền kinh tế.

 

 

Quyền miễn trừ trách nhiệm

Tất cả những thông tin nêu trong báo cáo phân tích đều đã được thu thập. đánh giá với mức cẩn trọng tối đa có thể. Tuy nhiên. do các nguyên nhân chủ quan và khách quan từ các nguồn thông tin công bố. nhóm thực hiện báo cáo là Phòng Nguồn vốn và Đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình – không đảm bảo về tính xác thực của các thông tin được đề cập trong báo cáo phân tích cũng như không có nghĩa vụ phải cập nhật những thông tin trong báo cáo sau thời điểm báo cáo này được phát hành.