Chia sẻ:

Tìm ‘cổ phiếu hoa hậu’ cuối năm

Sau ba tuần tăng liên tiếp, chỉ số Vn- Index đang trong giai đoạn điều chỉnh mạnh từ cuối tuần trước tới nay do áp lực chốt lời, ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh 50-60% so với vùng đáy.

 

Trong một báo cáo mới đây của CTCK KB Việt Nam cho rằng các yếu tố ngoại biên tiếp tục là ẩn số và có ảnh hưởng mang tính chi phối đến diễn biến thị trường chứng khoán Việt trong quý IV/2018.

 

Bluechip vẫn hút dòng tiền

 

Lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc gia tăng, kéo theo khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới. Với việc bầu cử Quốc hội Mỹ sẽ diễn ra vào đầu tháng 11 tới, nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc sẽ không có thêm động thái mới cho đến khi kỳ bầu cử kết thúc.

 

Tuy nhiên, với chu kỳ hồi phục của nền kinh tế trong nước, đà tăng trưởng của các doanh nghiệp lớn và những phản ánh sớm của câu chuyện nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt quý IV/2018 vẫn có triển vọng.

 

Cũng theo KB Việt Nam, trong kịch bản tích cực, các yếu tố rủi ro như chiến tranh thương mại, tỷ giá, lạm phát… không chuyển biến xấu, khả năng Vn-Index sẽ lên đến vùng 1.050-1.080 điểm trước khi chịu áp lực điều chỉnh; ngược lại, chỉ số Vn-Index có thể quay về ngưỡng 950 điểm. Tuy nhiên, khả năng này là rất thấp.

 

Về dòng tiền, KB Việt Nam cho rằng nhóm Bluechip vẫn là nhóm ngành thu hút được lượng lớn tiền của các nhà đầu tư bởi có yếu tố hỗ trợ đến từ kết quả sản xuất kinh doanh như: ngân hàng, dầu khí, tiêu dùng…

 

Đáng chú ý, rất nhiều khả năng sẽ có đợt chào bán cổ phần lớn cho nhà đầu tư đến từ ba “ông lớn” ngành ngân hàng (VCB, BID, CTG) nhằm tăng vốn để đáp ứng chuẩn mực Basel II trong bối cảnh Chính phủ không có dự định bổ sung vốn từ ngân sách nên nhiều khả năng sẽ thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước.

 

Thực tế, thời gian qua, các cổ phiếu bluechip đã hút một lượng lớn tiền vào thị trường chứng khoán với khối lượng giao dịch thanh khoản “khủng”.

 

Tại phiên giao dịch ngày 2/10, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Massan đã có giao dịch thỏa thuận đột biến gần 110 triệu cổ phiếu tại mức giá 100.000 đồng/ cp, tương ứng tổng giá trị gần 11.000 tỷ đồng (470 triệu USD).

 

Tại ngày hôm đó, thanh khoản toàn thị trường tăng đột biến lên tới gần 18.500 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh đạt 6.200 tỷ đồng.

 

Cũng liên quan đến MSN, phiên giao dịch ngày 5/10 vừa qua, quỹ đầu tư KKR đã bán 54,8 triệu cổ phiếu, ngay lập tức quỹ đầu GIC của Chính phủ Singapore mua lại một nửa lượng cổ phiếu này tại mức giá 89.200 đồng/cp.

 

“Ngôi sao” thanh khoản thời gian qua phải kể đến STB của Sacombank với nhiều phiên giao dịch hàng chục triệu đơn vị một phiên, đỉnh cao là phiên giao dịch ngày 28/9 với hơn 27 triệu đơn vị được khớp lệnh, tổng giá trị đạt hơn 361,1 tỷ đồng.

 

Những “viên ngọc” sáng

 

Thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018 cùng với những nhóm ngành được dự kiến sẽ thu hút, tuy nhiên, cơ hội không trải đều cho tất cả các mã cổ phiếu.

 

Một cái tên được giới phân tích đánh giá cao thời gian gần đây là cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB), trong bối cảnh Vietcombank thoái vốn tại ngân hàng này theo Thông tư 36 của NHNN.

 

Theo đó, lợi thế của MBB là lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng đều đặn qua các năm, quản trị rủi ro theo phương pháp ba tuyến phòng thủ hiệu quả, chất lượng tài sản tốt hàng đầu ngành với mô hình hoạt động có phần thận trọng.

 

Đặc biệt, về thị giá, so với các cổ phiếu ngân hàng cùng quy mô khác, thị giá cổ phiếu MBB luôn “rẻ” quanh mốc 23.000 đồng/cp.

 

Tại thời điểm hiện tại, PE của MBB mới đạt 11,4 lần và PB cũng chỉ ở mức gần 1, trong khi chỉ số bình quân ngành PE là gần 15 và PB ở mức 3,25 lần (Vietcombank có lúc PE vượt lên 25 và PB chạm 5 lần).

 

Tại báo cáo phân tích của nhiều công ty chứng khoán, cổ phiếu MBB là một trong những cổ phiếu luôn được duy trì khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu trên 3x, tổng mức sinh lời là 40,2%.

 

Cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) vẫn là một mã đáng để đầu tư của nhiều tổ chức, khi công ty đang nắm gần 60% thị phần thị trường sữa tươi. Lợi nhuận của công ty là rất ổn định và năm nào cũng chi cổ tức, đậm và đều, khiến các cổ đông hài lòng.

 

Sự “đáng để đầu tư” của VNM đã được chứng minh bằng “cuộc đua” mua cổ phiếu giữa F&N và JC&C với động thái liên tiếp đăng ký mua vào mã cổ phiếu này.

 

Một cổ phiếu khác cũng đang được giới phân tích lưu ý là HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen Group) hiện đang giao dịch tại mức giá hơn 13.000 đồng/cp, dù trước đó đã từng là một bluechip có thị giá 30.000 đồng/cp.

 

Nhiều công ty chứng khoán đã đưa ra phân tích về đà giảm của cổ phiếu HSG là do phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh trong ngành, nhưng chủ yếu là do vay nợ ngắn hạn tăng “chóng mặt”, kéo theo chi phí lãi vay tăng “ăn mòn” lợi nhuận. Thậm chí khuyến nghị nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này bán dưới mệnh giá, bởi sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh.

 

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn có thể thấy, về dài hạn, HSG vẫn có nhiều lợi thế, nợ vay của Hoa Sen sẽ không còn nữa các nhà máy đã hoàn thành và đi vào hoạt động (sản lượng tổng cộng lên đến 2,5 triệu tấn/ năm. Công ty cũng chủ động giảm hàng tồn kho để giảm áp lực tài chính là các khoản vay ngắn hạn.

 

Ngoài ra, việc thoái vốn tại cảng Gemadept sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng , các bất động sản của HSG tại quận 2, quận 9 đang được rao bán với mức giá cao hơn rất nhiều so với giá vốn…

 

Một vài cái tên khác cũng được khuyến nghị mua với triển vọng tốt như: STB, VJC (Vietjet Air)…

 

Thùy Linh


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.