Chia sẻ:

Tìm cơ hội trong cơn ‘hoảng loạn’ của chứng khoán Việt Nam

Ngày 28/5, VN-Index mất 32 điểm, giảm hơn 3% và nếu không có cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) đi ngược tăng 3,17%, chỉ số có thể phải chịu kết cục tệ hơn.

 

Sau chuỗi phiên điều chỉnh bắt đầu từ giữa tháng 4, chứng khoán Việt Nam từ một thị trường tốt nhất châu Á, một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đã thay đổi cục diện, trở thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất toàn cầu, trong những tháng đầu năm.

 

Nguyên nhân được đại diện UBCK, một số chuyên gia nêu lên là do chứng khoán Việt Nam đã tăng quá nhanh trong quý I, lượng cung cổ phiếu trên thị trường quá dồi dào, những vấn đề căng thẳng Mỹ – Trung, lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất, giá dầu giảm…

 

Mặt khác, một số CTCK (VPBS, VCBS, BSC…) cũng nhận định trong các báo cáo, sự điều chỉnh mạnh còn bởi hoạt động giải chấp, nhiều cổ phiếu đang trong vòng xoay cắt giảm margin, bị bán tháo ra thị trường.

 

Trong khi đó, một lãnh đạo HOSE cho rằng diễn biến của thị trường chủ yếu đến từ tâm lý của nhà đầu tư, bán ồ ạt cổ phiếu cắt lỗ hoặc chốt lời khi thấy cổ phiếu giảm mạnh, trong thời gian dài.

 

Phiên 28/5, toàn thị trường có tới 336 mã giảm điểm với 98 mã giảm sàn, trong khi số mã tăng giá và giữ tham chiếu chỉ 107 mã. Trong đó riêng sàn HOSE, có tới hơn 265 mã giảm điểm với 86 mã sàn, chiếm 25% số mã đang giao dịch, điều này rất hiếm khi xảy ra trên thị trường. Diễn biến này phần nào phản ánh sự ‘hoang mang’, ‘sợ hãi’ của nhà đầu tư khi thấy thị trường có biến động lớn.

 

Tuy nhiên, cùng chính lúc thị trường hoảng loạn nhất, có những “tia hy vọng” đã xuất hiện.

 

Theo nhận định của một vị lãnh đạo HOSE, đà giảm trong phiên hiện nay không còn tập trung ở mã lớn mà đã lan rộng sang các cổ phiếu nhỏ và vừa. Đây là tín hiệu cho thấy, thị trường đang dần ổn định trở lại.

 

Một tín hiệu tích cực khác đến từ thanh khoản thị trường. Ngược với đà giảm mạnh của thị giá, khối lượng và thanh khoản đã tăng mạnh trở lại trong 2 phiên gần đây.

 

Trong ngày 28/5, khối lượng giao dịch toàn thị trường đã đạt 213,4 triệu cp, tăng 48% so với phiên cuối tuần trước, trong đó khối lượng khớp lệnh tăng 54% đạt hơn 190 triệu cp, cao nhất kể từ đầu tháng 5. Giá trị giao dịch ở mức 5.922 tỷ đồng, tăng 33% so với phiên trước đó, trong đó giá trị giao dịch khớp lệnh tăng 34%.

 

Thanh khoản thị trường trong tháng 5

 

 

(Đồ thị đã loại bỏ phiên giao dịch đột biến của VHM ngày 18/5)

 

Động thái của khối ngoại, cũng đang cho thấy sự chuyển biến. Trong phiên 28/5, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng khoảng 20 tỷ đồng, sau chuỗi bán ròng nhiều ngày qua. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã giảm bán ròng chỉ còn 5,4 tỷ đồng.

 

Đáng chú ý, chứng chỉ quỹ ETF nội E1VFVN30 được mua ròng rất mạnh với giá trị lên đến 75,3 tỷ đồng. HDB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 52 tỷ đồng. MSN và VNM được mua ròng lần lượt 45 tỷ đồng và 36 tỷ đồng.

 

Giao dịch của khối ngoại trong tháng 5

 

 

(Đồ thị đã loại bỏ phiên giao dịch đột biến của VHM ngày 18/5)

 

Dòng tiền đang âm thầm trở lại thị trường mạnh hơn ngay giữa lúc nhiều nhà đầu tư đang “hoảng loạn”?

 

Câu nói nổi tiếng của nhà đầu tư huyền thoại theo trường phái giá trị, Warren Buffett, “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, có thể đã được một phần nhà đầu tư trên thị trường vận dụng.

 

Trong một nhận định mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn (HOSE:SSI) cho rằng, ở thời điểm mà đa số các cổ phiếu giảm khi VN-Index giảm là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những cổ phiếu đang bị định giá thấp.

 

Theo báo cáo SSI Institutional Research của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), P/E 2018 của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm đáng kể từ mức đỉnh là 22,7x trong đầu tháng 4. Phần lớn các mã cổ phiếu đều đã quay trở về giá ở thời điểm cuối năm 2017, trong khi những dự báo về ngành và lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn rất tươi sáng.

 

Ngành ngân hàng được nhận định sẽ là “đầu tàu” dẫn dắt thị trường trong năm nay. Rất nhiều yếu tố thúc đẩy đà tăng trưởng của ngành ngân hàng như: nguồn thu nhập bắt đầu có sự đóng góp đáng kể hơn từ hoạt động dịch vụ và ngoại hối nhờ mở rộng danh mục sản phẩm và sự khởi sắc của kinh tế vĩ mô; tăng trưởng tín dụng năm 2018 vẫn giữ ở mức cao (~17%) đồng thời NIM có thể cải thiện nhẹ; chi phí dự phòng rủi ro (DPRR) dự báo giảm mạnh ở một số ngân hàng; Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu ra đời…

 

Theo dự báo của CTCK và các chuyên gia, lợi nhuận ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng 20 – 33%, một số ý kiến cho rằng con số này có thể lên tới trên 40% trong năm 2018.

 

Với sự điều chỉnh mạnh của thị trường, danh sách khuyến nghị của SSI Institutional Research đã được mở rộng ra, trong đó, một số cổ phiếu được đơn vị này kỳ vọng sẽ tăng rất mạnh sau 1 năm nắm giữ so với thời điểm hiện tại đơn cử như MBB (42%), MWG (60%), NVL (65%), PLX (35%), HPG (38%), TRA (52%)…

 

Thị trường sẽ còn điều chỉnh hay sẽ có những chuyển biến mới, tất cả đều phục thuộc vào hành động của các nhà đầu tư.

LÊ HẢI


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.