Chia sẻ:

Tiền đang đổ mạnh vào chứng khoán

Cuối tháng 5, anh Thăng (Chùa Láng, Hà Nội) quyết định mở lại tài khoản giao dịch chứng khoán, sau hơn 5 năm đóng kín. Cuộc khủng hoảng cách đây 10 năm, không chỉ đẩy thị trường chứng khoán từ mức đỉnh hơn 1.180 điểm về đáy còn hơn 200 điểm, mà còn cuốn trôi số tiền gần 3 tỷ đồng mà anh tích góp.

 

Sau 5 năm rời khỏi thị trường, đến cuối năm ngoái gia đình anh mới mua được căn chung cư, căn nhà mà đáng ra đã có từ 5 năm trước. Dù mất gần hết tài sản vì chứng khoán trước đây, nhưng “máu đầu tư” trong anh một lần nữa trỗi dậy với đà tăng chưa thấy đỉnh của thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây.

 

Tính đến phiên giao dịch gần nhất, Vn-Index đã tăng hơn 17% so với đầu năm, đạt gần 780 điểm, mốc cao nhất mà chỉ số này đạt được kể từ đầu năm 2008.

 

Mức tăng trong 6 tháng đầu năm của chỉ số này cũng vượt qua mức tăng của cả năm 2016. Và cùng nhờ kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường tăng tốt nhất trong khu vực, vượt qua Thái Lan, Indonesia và Philippines, theo thống kê của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC).

 

 

Diễn biến các thị trường chứng khoán từ đầu năm 2017 đến nay. Nguồn: VCSC

 

“Thị trường tăng không phải nhờ thông tin hỗ trợ, không phải nhờ thương vụ này, thỏa thuận kia mà quan trọng nhất vẫn là tiền, tiền chảy liên tục vào thị trường”, một chuyên gia trong ngành nhận xét:

 

Nếu như năm 2016, khối lượng giao dịch bình quân chưa tới 3.000 tỷ đồng mỗi phiên, hiếm hoi lắm mới có những phiên giao dịch đạt trên 5.000 tỷ đồng, thì chỉ trong nửa đầu năm 2017, những phiên giao dịch với giá trị 5.000-5.500 tỷ đồng trở thành “chuyện thường ngày” với nhà đầu tư. Cá biệt có những phiên giao dịch đạt kỷ lục hơn 7.500 tỷ đồng.

 

Không phải ngẫu nhiên tiền lại chảy mạnh vào chứng khoán trong những tháng đầu năm 2017. Vấn đề đầu tiên để một thị trường trở nên hấp dẫn hơn là hàng hóa trên thị trường chứng khoán. Ngay trong những ngày đầu tiên của năm 2017, sự xuất hiện của Vietnam Airlines (HVN), Vinatex (VGT), Masan Consumer (MCH), VIB và FPT Telecom (FOX) trên UPCoM. Đến tháng 2 với sự xuất hiện của hãng hàng không tư nhân lớn nhất hiện tại là Vietjet (VJC), tiếp sau đó là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam – Petrolimex (PLX), cho tới doanh nghiệp kem lớn nhất hiện tại Kido Food (KDF). 

 

Đây đều là những cái tên chi phối thị trường tại mỗi ngành nghề kinh doanh chính, nên đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư trên thị trường. Chính những cổ phiếu này cũng giúp thị trường có được những “nhóm dẫn dắt” luân phiên cho từng giai đoạn, từ đó đảm bảo sự ổn định của dòng tiền lớn tham gia.

 

So với nhiều kênh đầu tư khác như gửi tiết kiệm, vàng hay ngoại tệ, chứng khoán được đánh giá là một kênh sinh lời hấp dẫn trong 6 tháng đầu năm. Ngoài chỉ số đo lường tổng thị trường là Vn-Index tăng hơn 17%, thị trường không thiếu những cái tên ghi nhận mức tăng từ vài chục phần trăm, cho tới mức tăng gấp 3-5 lần chỉ trong vài tháng. 

 

Góp phần có được dòng tiền mạnh đổ vào thị trường là các công ty chứng khoán, đặc biệt là nguồn tiền cấp margin cho khách hàng. Đòn bẩy giúp mở rộng hầu bao của nhà đầu tư, nhưng cũng khiến họ tập trung hơn vào thị trường. “Cuộc chơi” này vốn đã được các công ty chuẩn bị từ năm trước với hàng trăm tỷ đồng trái phiếu được phát hành. 

 

Chỉ tính riêng 10 công ty chứng khoán top đầu thị trường, quy mô cấp margin tối đa có thể đạt trên 2 tỷ USD (hơn 40.000 tỷ), trong khi đến cuối 2016 dư nợ theo số liệu báo cáo tài chính mới chỉ đạt hơn 16.000 tỷ đồng. 

 

Theo báo cáo tài chính của Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), dù là doanh nghiệp có thị phần môi giới đứng đầu hiện nay, doanh thu hoạt động môi giới và lãi từ margin trong quý đầu tiên năm 2017 cùng đạt trên 110 tỷ đồng. Trước đó, năm 2016, khoản lãi margin thậm chí còn cao hơn doanh thu từ hoạt động môi giới. 

 

Tính đến cuối quý I, với vốn điều lệ 4.900 tỷ đồng, quy mô cấp margin cho khách hàng của SSI tối đa có thể đạt gần 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản mục này mới dừng ở ngưỡng hơn 3.800 tỷ. 

 

Một động lực khác nữa thúc đẩy sự tăng trưởng là dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến đầu tháng 7, khối ngoại đã mua ròng gần 9.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, động thái trái ngược hoàn toàn so với năm 2016, khi khối này đã bán ròng hơn 6.700 tỷ. Lực đỡ từ khối ngoại cũng là tiền đề giúp thị trường vượt qua giai đoạn điều chỉnh cuối tháng 4.

 

Sự dịch chuyển của dòng vốn toàn cầu hướng tới những thị trường mới nổi, trong bối cảnh đó Fitch nâng hạng tín nhiệm lên tích cực, đã đưa Việt Nam trở thành một thị trường “sáng giá”. Mới đây, dù chưa được xem xét nâng hạng thị trường nhưng MSCI Frontier Markets nâng tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam lên 12,63%.

 

Không chỉ dòng tiền lớn, mà ngay cả xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài cũng đang tăng mạnh trở lại. Ngay trong những tháng đầu năm, Công ty Chứng khoán Nhật Bản (JSI) đã rục rịch tìm kiếm đối tác để sáp nhập. Cuối tháng 3, phương án sáp nhập giữa doanh nghiệp này và Công ty chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) đã được thông qua. Tuy nhiên, so với những thương vụ sáp nhập trước đây giữa những công ty chứng khoán trong nước, việc sáp nhập của JSI và IVS lại mang hơi hướng khác biệt hơn.

 

JSI là công ty chứng khoán được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư Nhật Bản, còn IVS với Hội đồng quản trị hầu hết là người Trung Quốc. Hai doanh nghiệp này hoạt động có phần mờ nhạt trên thị trường và thường thua lỗ, một phần bởi phân khúc khách hàng mà hai doanh nghiệp này hướng đến hầu hết là nhà đầu tư của nước sở tại. 

 

Trong lần trả lời phỏng vấn và chia sẻ tại phiên họp thường niên, ông Atsuhiko Haruyama, Tổng giám đốc của JSI cho biết, doanh nghiệp này tìm kiếm cơ hội sáp nhập để mở rộng quy mô hoạt động, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư cá nhân của Nhật Bản tham gia sâu hơn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. “Chỉ riêng một quỹ đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam của một công ty chứng khoán Nhật đã rót hơn 60 triệu USD kể từ đầu năm”, ông lấy ví dụ.

 

Chuyển động dòng tiền khối ngoại còn được thể hiện trong sự dịch chuyển dòng vốn của những quỹ đầu tư lớn. Cuối tháng 3, Giám đốc quản lý PYN Elite Fund của Phần Lan, ông Petri Deryng đã gửi thư tới các nhà đầu tư của quỹ về chiến lược đầu tư trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh về việc chỉ tập trung vào danh mục đầu tư tại Việt Nam và thoái phần vốn đầu tư còn lại tại thị trường Trung Quốc.

 

PYN Elite Fund từng đầu tư rất mạnh vào thị trường Hong Kong và Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau 3 năm chuyển hướng, tỷ lệ đầu tư vào Việt Nam của quỹ đầu tư gần 9.000 tỷ đồng này đã tăng tới 97%. Điều này cũng không khó lý giải khi tỷ suất sinh lời của quỹ này đối với một số cổ phiếu khi tham gia thị trường trong nước đã lên tới 3 chữ số.

 

Trong những ngày cuối tháng 6, Vietnam Holding Limited – một trong những quỹ đầu tư lớn và lâu đời nhất trên thị trường khoán Việt Nam cũng được rót thêm hơn 50 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng), nâng tổng giá trị tài sản ròng của quỹ lên hơn 220 triệu USD. Giá trị chứng chỉ quỹ của Vietnam Holding đã tăng gần 10% trong 5 tháng đầu năm và được dự báo sẽ tăng mạnh nhờ danh mục tập trung vào những công ty lớn đầu ngành.

Minh Sơn


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.