Chia sẻ:

Thước đo quyết định đầu tư

Việc tạo một bộ chỉ số chung cho toàn thị trường sẽ là một thước đo cho NĐT để có thể theo dõi biến động toàn TTCK Việt Nam; nâng cao tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa hệ thống chỉ báo cho toàn TTCK, đồng thời tạo chỉ số cơ sở nhằm phát triển các sản phẩm tài chính như phái sinh, quỹ ETF…

Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đang nỗ lực xây dựng chỉ số chung của cả hai sàn nhằm tạo thước đo, giúp NĐT có thể theo dõi biến động toàn thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam và ra quyết định đầu tư.

Đại diện HoSE cho biết, hiện nay TTCK có 2 bộ chỉ số được xây dựng trên bộ nguyên tắc riêng của từng sở, điều này gây ra tình trạng NĐT nước ngoài khi tìm hiểu về Việt Nam mà nhìn vào một bộ chỉ số rất khó nhận biết được toàn bộ TTCK Việt Nam. Do đó, việc tạo một bộ chỉ số chung cho toàn thị trường sẽ là một thước đo cho NĐT để có thể theo dõi biến động toàn TTCK Việt Nam; nâng cao tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa hệ thống chỉ báo cho toàn TTCK, đồng thời tạo chỉ số cơ sở nhằm phát triển các sản phẩm tài chính như phái sinh, quỹ ETF…

“Chỉ số chung của hai sở sẽ có tên là VNX Allshare Index, chỉ số này được lập sau khi đã trải qua 3 bước sàng lọc về tư cách, tỷ lệ tự do chuyển nhượng (free float), cuối cùng là sàng lọc về thanh khoản. Với 306 cổ phiếu đang giao dịch trên HoSE và 377 cổ phiếu đang giao dịch trên HNX, qua bộ lọc này chỉ còn lại 208 cổ phiếu sàn HoSE và 180 cổ phiếu sàn Hà Nội đủ tiêu chuẩn vào rổ chỉ số VNX Allshare Index”, đại diện của HoSE cho hay.

Với cách làm như vậy, chỉ số VNX Allshare Index sẽ đại diện cho 87,55% vốn hóa của toàn thị trường, trong đó nhóm cổ phiếu sàn HoSE sẽ chiếm tỷ trọng 92,65% trong rổ chỉ số về vốn hóa và cổ phiếu sàn Hà Nội chiếm 7,35%. Về tính thanh khoản, chỉ số VNX Allshare đã đại diện cho 83,88% toàn thị trường về tính thanh khoản, trong đó nhóm cổ phiếu sàn HoSE chiếm 78,09% và sàn Hà Nội chiếm 21,91% trong rổ chỉ số.

Dự kiến lộ trình thực hiện, hai sở sẽ thống nhất quy tắc chỉ số chung và thành lập Hội đồng cho chỉ số chung trong tháng 7/2016, đến tháng 9/2016 sẽ hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin phục vụ chỉ số chung, thử nghiệm và công bố thông tin chỉ số, đến tháng 10/2016 sẽ triển khai chỉ số ra thị trường. HNX và HoSE kỳ vọng với sản phẩm mới, VNX Allshare Index sẽ cung cấp tiện ích cho NĐT nước ngoài góp phần thu hút thêm dòng vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng giám đốc sàn HoSE cho biết, việc hợp nhất hai sở giao dịch chứng khoán HoSE và HNX thành một là câu chuyện dài, nhưng việc xây dựng một chỉ số chứng khoán chung của hai sàn là có lợi cho TTCK và nền kinh tế. Bộ chỉ số chung phải đạt hai mục tiêu: thứ nhất mang tính đại diện cho TTCK Việt Nam và phản ánh xác thực nhất TTCK, thứ hai làm sao để các quỹ đầu tư, tổ chức, cá nhân có thể giao dịch được với chỉ số này, từ đó có thể thu hút vốn gián tiếp của NĐT nước ngoài vào TTCK Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ số chung là yếu tố quan trọng thu hút thêm các NĐT vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Giải thích về sự bất tiện khi thiếu chỉ số chung để NĐT nước ngoài ra quyết định đầu tư, đại diện HoSE cho biết, khi cổ phiếu được niêm yết ở hai sàn như hiện nay, mỗi khi NĐT muốn tìm một chỉ số để đầu tư phải tìm hiểu về hai chỉ số của HNX và HoSE. HNX dù có số cổ phiếu gấp đôi HoSE nhưng khối lượng, giá trị giao dịch lại nhỏ. Ngược lại HoSE có hơn 300 công ty nhưng khối lượng vốn hóa thị trường lại lớn hơn. Một NĐT luôn phải phân tích và so sánh các chỉ số và các DN niêm yết trên HoSE và HNX mất nhiều thời gian nên việc có chỉ số chung sẽ tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho NĐT khi đầu tư vào một TTCK.

“Hợp nhất hai sàn là câu chuyện thời gian nhưng chỉ số chung là bước quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như xây dựng sự minh bạch của TTCK Việt Nam trong mắt NĐT quốc tế”, ông Dũng cho hay.

 

Quỳnh Hương

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.