Chia sẻ:

Thúc đẩy nhanh niêm yết

Sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ nhằm đưa các ông lớn lên sàn đã cho thấy đây là một điểm rất sáng của TTCK. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong các năm tiếp theo đạt được kết quả cao nhất.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, năm 2016 tiến trình cổ phần hóa không có gì mới, tiến trình thoái vốn cũng không có gì đặc biệt, tuy nhiên việc thúc đẩy phong trào niêm yết trong năm 2016 và các năm tiếp theo là một điểm rất sáng của TTCK sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong các năm tiếp theo đạt được kết quả cao nhất.

Giới đầu tư đã được đón nhận thông tin tích cực khi Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HoSE) đã chấp thuận cho Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) được niêm yết hơn 231,8 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã chứng khoán BHN vào ngày 19/1/2017, sau hơn 2 tháng lên giao dịch trên UPCoM (28/10/2016).

Theo đánh giá của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Sabeco và Habeco là 2 DN tiêu biểu nhất của việc trốn tránh niêm yết trong 8 năm sau cổ phần hóa. Đây được xem là “2 thành trì kiên cố nhất” mà đơn vị này lựa chọn yêu cầu niêm yết thông qua việc đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị và các giải pháp với Chính phủ và các cơ quan chức năng. VAFI cho rằng, nếu phá được 2 thành trì này thì tiến trình thúc đẩy niêm yết sẽ thành công.

Còn nhớ ngày 10/5/2016 VAFI có văn bản 863 gửi Bộ Công Thương và các cơ quan Chính phủ kiến nghị Sabeco và Habeco phải niêm yết theo quy định pháp luật, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại 2 DN này. Kiến nghị VAFI được cộng đồng báo giới và TTCK ủng hộ.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phải vào cuộc tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 8/2016, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ rằng Sabeco và Habeco phải bắt buộc niêm yết ngay để tạo minh bạch tài chính… phục vụ cho việc thoái vốn Nhà nước đạt giá trị cao nhất và nhằm chống lợi ích nhóm. Chỉ trong vòng 3 tháng, Sabeco và Habeco đã hoàn thành việc niêm yết và hiện giá trị tài sản Nhà nước đã tăng gấp 3 lần trước khi niêm yết.

Từ câu chuyện đấu tranh cho bằng được để Sabeco và Habeco được niêm yết nhằm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, Bộ Tài chính và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đến các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy các DN đã cổ phần hóa phải niêm yết. Trong đó có Nghị định 145/NĐ – CP ngày 1/11/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013/NĐ – CP ngày 23/9/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực chứng khoán đã có chế tài hình phạt cho hành vi trốn tránh niêm yết. Trong quý III, quý IV/2016, nhiều bộ, ngành, địa phương cũng đã chỉ thị cho các tổng công ty, DN cổ phần hóa phải thực hiện niêm yết.

“Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo một số DN cổ phần hóa chưa niêm yết cũng là đối tượng thanh tra về chậm trễ cổ phần hóa. Có thể nói từ hiệu ứng Sabeco và Habeco, đến nay đã có hàng trăm DN đăng ký lên sàn, trong năm 2017 cũng sẽ có hàng trăm DN phải làm thủ tục lên sàn. Bây giờ việc đấu tranh lên sàn không còn là việc khó khăn như trước nữa”, đại diện VAFI cho biết.

Các chuyên gia đầu tư tài chính thì cho rằng, Sabeco, Habeco lên sàn làm cho hàng ngàn cổ đông được hưởng lợi, giá trị tài sản của họ được tăng lên gấp 3 lần. Tuy nhiên, trước đó cũng có hàng trăm nhà đầu tư tức giận vì việc trốn tránh niêm yết, họ bán chứng khoán với giá rẻ và chấp nhận thua lỗ từ 40% – 60% giá trị đầu tư.

Vậy vấn đề đặt ra là ai làm cho họ thua lỗ, những cá nhân làm cho nhà đầu tư bị thua lỗ có dám nhận trách nhiệm và đền bù cho nhà đầu tư không vẫn là câu hỏi lớn. Song, sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ nhằm đưa các ông lớn này lên sàn đã cho thấy đây là một điểm rất sáng của TTCK. Điều này sẽ giúp thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn DNNN trong các năm tiếp theo đạt được kết quả cao nhất.

Cho tới đầu năm 2016 còn tồn tại hơn 400 DN đã cổ phần hóa cố tình chậm trễ niêm yết hay tìm đủ mọi cách để trốn tránh việc niêm yết mặc dù cổ đông công ty đấu tranh và thúc ép. Việc chây ỳ niêm yết đã làm cho hàng vạn nhà đầu tư nản lòng và thua lỗ, bởi nhiều DN tìm cách bưng bít thông tin về tình hình hoạt động và tình hình tài chính, đi kèm với vấn đề tham nhũng, tiêu cực…

Chất lượng bổ nhiệm người đại diện quản lý vốn Nhà nước không được coi trọng, nhiều cán bộ không có kinh nghiệm quản trị DN được bổ nhiệm ở những vị trí chủ chốt trong DN… Không những thế, việc chây ỳ niêm yết làm cho cổ phiếu không có tính thanh khoản, giá trị xuống thấp. Hàng vạn nhà đầu tư đã thua lỗ do tình trạng trốn tránh niêm yết, điều này cũng làm cho tiến trình cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm chạp, cổ phần Nhà nước khó bán hoặc nếu bán được thì ở giá rất thấp so với giá niêm yết, đồng nghĩa với việc Nhà nước mất đi hàng tỷ USD.

 

Quốc Ngữ

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc