Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa tiếp tục trải qua một phiên giao dịch rất tiêu cực. Áp lực bán trên diện rộng đã kéo nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường giảm mạnh và điều này cũng khiến hai chỉ số lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. có thời điểm trong phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm trên 11 điểm. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 9,17 điểm (-1,2%) xuống còn 766,56 điểm. Chỉ số HNX-Index giảm 1,21 điểm (-1,19%) xuống 100,37 điểm.
Như vậy, tính cả phiên cuối tuần trước thì VN-Index đã giảm đến hơn 16 điểm sau khi vượt qua mốc kháng cự mạnh 780 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Phó giám đốc kiêm Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, Khối khách hàng cá nhân SSI đã có những phân tích về diễn biến thị trường trong phiên hôm nay cũng như xu hướng trong các phiên tới.
Theo ông Minh, thị trường tiếp tục giảm sâu trong phiên hôm nay đến từ một số yếu tố như sau. Thứ nhất, chỉ số VN-Index đã lên vùng 780 – 790 điểm đây là vùng được cho là đạt mục tiêu sinh lời của nhiều nhà đầu tư nên họ cân nhắc bán ra.
Thứ hai là yếu tố margin trên thị trường – đây là cái tác động quan trọng nhất tới thị trường ở thời điểm hiện tại bởi lượng marin đang khá cao. Ông Minh cho biết, trong tuần giao dịch trước đã có một số dấu hiệu “căng margin”.
Cụ thể, trước đó dòng tiền luân chuyển ở rất nhiều cổ phiếu từ largecap đến midcap và những dòng này đã tăng khá nóng, trong khi đó cổ phiếu penny thời điểm đó chưa tăng nhiều nên dòng tiền đã chảy vào nhóm này, thường thường khi điều này xảy ra sẽ mang tính chất cảnh báo thị trường có rủi ro khá cao, có nghĩa là yếu tố đầu cơ đang gia tăng rất mạnh. Hơn nữa khi dòng tiền chảy vào cổ phiếu penny lại chính là thời điểm margin trên thị trường rất căng.
Thứ ba thị trường trong nước có thể còn chịu ảnh hưởng không tốt từ thị trường thế giới, điển hình như việc giá dầu thế giới tiếp tục có những diễn biến xấu. Hiện tại thị trường chứng khoán Mỹ chưa giảm mạnh nhưng đâu đó vẫn hiện hữu những rủi ro và nhà đầu tư đang bắt đầu hơi lo ngại về vấn đề này.
Thứ tư, là thông tin về hạ lãi suất. Cụ thể, ngày 7/7/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hàng. Cùng đó, giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.
Theo ông Minh, mức hạ lãi suất là không lớn và thông thường giống như đợt Nghị quyết nợ xấu thì thị trường lại tái lập hiện tượng tin ra là bán.
Cuối cùng là thông tin về kết quả kinh doanh quý II. Thông thường tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 7 thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin về kết quả kinh doanh quý II. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Minh thì KQKD quý II/2017 sẽ không còn đột biến như quý I. Các ngành hàng tiêu dùng, BĐS và ngân hàng đã có một quý I tăng trưởng rất cao. KQKD quý II được cho là vẫn tăng trưởng nhưng không còn sự đột biến và điều này dẫn đến tâm lý nhà đầu tư cân nhắc chốt lời vì giá cổ phiếu cũng như chỉ số thị trường cũng khá cao rồi.
Nhận định về các phiên giao dịch tới, ông Minh cho rằng thị trường sẽ có một số đợt hồi phục tuy nhiên với phiên giảm điểm hôm nay có thể ảnh hưởng đến xu hướng ngắn hạn hiện nay và có thể thị trường sẽ bước vào giai đoạn giảm ngắn hạn, đặc biệt là trong tháng 7 này. Tuy nhiên, những phiên hồi phục trong tuần này sẽ không thể lấy lại được trạng thái tích cực của thị trường. Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan mặc dù chưa xảy ra hiện tượng call margin. Rủi ro cao vẫn chưa chấm dứt và đà giảm của thị trường có thể đưa chỉ số VN-Index về vùng 750 điểm.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc