Chia sẻ:

Thị trường đang ‘chìm’ giữa sóng?

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/10, sắc đỏ tràn ngập thị trường, chỉ số Vn- Index giảm gần 17 điểm về mốc hơn 922 điểm trước đà giảm mạnh của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như: BID, GAS, MSN, VIC… chính thức đánh mất xu hướng tăng trưởng dài hạn kéo dài từ năm 2016.

 

Kết quả kinh doanh không còn hiệu ứng đối với thị giá cổ phiếu được thể hiện rõ nhất tại cổ phiếu ngân hàng – nhóm cổ phiếu được cho là dẫn dắt chính cho thị trường.

 

Gọi tên ngân hàng, dầu khí

 

Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã công bố BCTC 9 tháng năm 2018 với con số lợi nhuận trước thuế “kỷ lục” lên tới 11.683 tỷ đồng, lãi ròng 9.378 tỷ, tăng 47% so với cùng kỳ.

 

Tuy nhiên, cổ phiếu VCB đã ghi nhận sáu phiên giảm giá liên tiếp trong những ngày giao dịch gần đây về mức giá 55.500 đồng/cp, đây là mức giá thấp nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây. Nếu tính từ đầu tháng 10 tới nay, VCB đã giảm gần 12% từ mức giá 63.000 đồng/cp.

 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) giảm sâu 1,6% về mức giá 21.050 đồng/cp, giảm 8,9% so với đầu tháng. Đà giảm của MBB diễn ra trong bối cảnh MB báo lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 6.000 tỷ đồng trong 9 tháng năm 2018.

 

Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của MB tăng 9,5% đạt 343.850 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 10,7% đạt 201.475 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5,7% đạt 232.638 tỷ đồng.

 

Cũng trong phiên ngày 24/10, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) giảm 6,6% về mức giá 32.600 đồng/cp, giảm 6,2% so với đầu tháng 10.

 

Chưa có thông báo chính thức về kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 nhưng với những gì đã đạt được trong nửa đầu năm, việc đoán trước được kết quả kinh doanh tươi sáng của BIDV không phải điều quá khó.

 

Ngoài ra, những cái tên khác trong nhóm ngân hàng cũng có đà giảm từ đầu tháng 10 tới nay mặc dù đạt kết quả kinh doanh tốt như TCB (Techcombank) giảm hơn 9%, VPB (VPBank) giảm hơn 15%, HDB (HDBank) giảm gần 9%, STB (Sacombank) giảm 10%…

 

Không chỉ nhóm ngân hàng, dầu khí cũng là một yếu tố góp phần vào sắc màu u ám của Vn-Index trong những phiên giao dịch gần đây,trong khi giá dầu tăng mạnh đã khiến các doanh nghiệp dầu khí có kết quả kinh doanh khởi sắc.

 

Điển hình nhất phải kể đến PV GAS, đáp trả mức doanh thu đạt 56.613 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 9.082 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2017, vượt 41% kế hoạch năm là một phiên “nằm sàn” của cổ phiếu GAS.

 

Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 24/10, cổ phiếu GAS giảm sàn về mức 101.800 đồng/cp. Tại mức giá này, GAS đã giảm 18% so với mức giá 124.000 đồng/cp hồi đầu tháng.

 

Cũng “nằm sàn” trong phiên 24/10, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Dầu khí về vùng giá 16.350 đồng/ cp, giảm gần 25% so với đầu tháng.

 

Vì sao giảm?

 

Luôn được đánh giá cao về triển vọng kinh doanh, nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng lại là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm mạnh gần đây.

 

Với tổng giá trị vốn hóa chiếm đến 24% vốn hóa toàn thị trường, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ đóng góp phần lớn vào đà giảm điểm của các chỉ số, gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và nhiều nhóm ngành khác.

 

Cùng với đó, đà giảm của các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 càng khiến thị trường giảm sâu, có thể kể đến một số mã như VIC, VRE, VJC…

 

Theo một chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu ngân hàng đã không còn quá hấp dẫn giới đầu tư như kỳ vọng, bởi trước đó, nhóm cổ phiếu này đã có thời gian tăng trưởng khá mạnh.

 

Bên cạnh đó, mặc dù tăng trưởng mạnh về các chỉ số kinh doanh, nhưng các ngân hàng lại mang lại cho nhà đầu tư sự thiếu chắc chắn trong tương lai.

 

Tại BCTC của Vietcombank, dù lãi ròng tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhưng tăng trưởng mạnh là lãi từ hoạt động dịch vụ và từ hoạt động khác chứ không đến từ hoạt động tín dụng.

 

Cụ thể, lãi từ dịch vụ đạt 2.628 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động khác tăng gấp đôi, đạt 3.034 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Vietcombank lại không thuyết minh rõ nguồn thu chi của hai khoản mục này nên khó có thể xác định được động lực tăng trưởng cụ thể đến từ đâu.

 

Hơn nữa, so với thời điểm đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank chỉ tăng nhẹ lên 1,18%, tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại tăng mạnh hơn hai lần, lên 4.578 tỷ đồng.

 

Đồng hành với tăng trưởng tín dụng, nợ xấu cũng tăng, do đó, tổng nợ xấu của MB tính tới cuối tháng 9 năm 2018 đạt 3.218 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,2% cuối năm 2017 lên mức 1,57% cuối tháng 9/2018.

 

Tuy nhiên, cần nhắc lại là đà giảm giá trên thị trường chứng khoán không chỉ đến từ nhóm cổ phiếu ngân hàng mà còn ở các cổ phiếu bluechips khác, do đó, khó có thể nói thị trường biến động là do một nhóm ngành nào đó.

 

Đây là diễn biến chung của thị trường, nếu thị trường tốt, kết quả kinh doanh có thể là yếu tố hỗ trợ thị trường bứt phá, nhưng khi thị trường thiếu tính ổn định, nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt trở nên thận trọng, bên nắm giữ cổ phiếu không đủ kiên nhẫn, những thông tin về kết quả kinh doanh sẽ bị “lờ” đi. Việc thiếu vắng dòng tiền sẽ khiến thị trường ngày càng giảm sâu.

 

Linh Đan


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.