Cổ phiếu QNS của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi – đơn vị sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy dự kiến được giao dịch trên sàn UPCoM trong tháng 12 này.
Ngày niêm yết và giá niêm yết của Đường Quảng Ngãi vẫn chưa được tiết lộ, song cổ phiếu QNS của công ty hiện được mua bán trên sàn giao dịch không chính thức (OTC) ở mức 82.000 – 90.000 đồng.
Tiền thân là doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Đường Quảng Ngãi chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2006. Với nền tảng sản xuất đường, hoạt động chính của công ty xoay quanh mặt hàng này và nhóm sản phẩm đồ uống, trong đó sữa đậu nành đóng góp tỷ trọng chính trong doanh thu.
Là một thị trường “màu mỡ” còn ít được khai phá, sữa đậu nành trở thành tầm ngắm cho nhiều ông lớn trong lĩnh vực đồ uống. Riêng Đường Quảng Ngãi, mặc dù giữ thị phần đứng đầu (84% toàn thị trường) nhưng doanh thu sản phẩm bắt đầu có dấu hiệu chững lại trong 9 tháng đầu năm 2016, sau một thời gian tăng trưởng mạnh trước đó.
Đường Quảng Ngãi đang sở hữu thương hiệu sữa đậu nành Vinasoy có tiếng trên thị trường với dòng sản phẩm Vinasoy và Fami. Theo thống kê của Nielsen Việt Nam vào tháng 12/2015, thương hiệu Vinasoy đang dẫn đầu thị trường sữa đậu nành đóng hộp với thị phần 84,2%. Thị trường miền bắc chiếm 40% sản lượng, miền nam 35% và miền trung 25% sản lượng sản xuất.
Sản phẩm của Đường Quảng Ngãi phân phối qua hệ thống đại lý, trong khi tỷ lệ đóng góp của các siêu thị vẫn còn nhỏ. Đây sẽ là bài toán khó cho doanh nghiệp trong trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường sữa đậu nành ngày càng khốc liệt với sự xuất hiện của những thương hiệu như Nutifood hay Vinamilk. Điểm mạnh của những đơn vị này là hệ thống phân phối có quy mô lớn và khả năng xâm nhập sâu vào các hệ thống siêu thị.
Hiện Đường Quảng Ngãi có hai nhà máy đang hoạt động tại Bắc Ninh (công suất thiết kế 180 triệu lít mỗi năm) và Quảng Ngãi (công suất thiết kế 120 triệu lít mỗi năm). Công ty cũng vừa hoàn tất xây dựng nhà máy mới tại Bình Dương (công suất thiết kế giai đoạn I là 90 triệu lít mỗi năm). Riêng trong năm 2015, Đường Quảng Ngãi đã sản xuất được gần 242 triệu lít sữa đậu nành đóng hộp.
Tuy vậy, thị trường sữa đậu nành đóng hộp thực tế mới chỉ chiếm một nửa tổng thị trường sữa đậu nành, bên cạnh các sản phẩm sữa đậu nành đóng chai và tự sản xuất. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán ACB (ACBS), mặc dù tiềm năng tăng trưởng cho Vinasoy còn lớn, tuy nhiên đây được xác định là bức tranh dài hạn bởi thị trường hiện tại đang rất phổ biến những sản phẩm sữa đậu nành không thương hiệu hoặc tự làm bởi các hộ kinh doanh nhỏ lẻ.
Đối với chi phí sản xuất, theo ACBS, đậu nành nguyên liệu chỉ chiếm dưới 30% giá vốn hàng bán của công ty, phần lớn được mua từ nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên và một phần nhập khẩu. Trong đó, bao bì mới là phần chiếm chi phí lớn nhất khoảng 50% giá vốn, song lại chủ yếu được nhập khẩu từ Tetra Pak.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán BIDV (BSC), giá sữa bột trong xu thế giảm sẽ ảnh hưởng tới giá bán các sản phẩm sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi, dù sản xuất từ hạt đậu nành. Bên cạnh đó, dự báo cho thời gian tới, Vinasoy sẽ phải đẩy mạnh chi phí quảng cáo, khuyến mại để chuẩn bị thị trường khi nhà máy Bình Dương đi vào hoạt động nên biên lãi gộp ít nhiều sẽ bị tác động so với cùng kỳ.
Ngoài sữa đậu nành, hai sản phẩm đồ uống khác đang được Đường Quảng Ngãi sản xuất là bia và nước khoáng. Trong đó, sản phẩm bia Dung Quất và nước khoáng Thạch Bích là thương hiệu nổi tiếng tiêu thụ chính tại thị trường Quảng Ngãi, bên cạnh đó là thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Công suất của nhà máy bia Dung Quất và nước khoáng Thạch Bích ước tính khoảng 100 triệu lít mỗi năm. Tuy nhiên, việc mở rộng thị phần ra khỏi Quảng Ngãi khá khó khăn bởi tính cạnh tranh đến từ các thương hiệu lớn khác.
Minh Sơn
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.