Chia sẻ:

STB tiếp tục bứt phá, thị trường duy trì vững sắc xanh

Về cuối phiên sáng, thị trường vẫn duy trì được sự tích cực đáng kể. Phiên sáng nay, nhiều cổ phiếu trụ cột vẫn tiếp tục tăng giá khá mạnh, trong đó các cổ phiếu ngân hàng như VCB, STB, MBB, ACB… vẫn đóng vai trò làm trụ đỡ cho thị trường. Khép phiên sáng, STB tăng 600 đồng lên 13.300 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt gần 7 triệu cổ phiếu. VCB tăng 450 đồng lên 37.650 đồng/CP.

 

Bên cạnh đó, các cổ phiếu như VIC, VNM, FPT, ROS, NTP, VCS… cùng đồng loạt tăng giá. Tạm dừng phiên sáng, VNM tăng 500 đồng lên 154.200 đồng/CP. FPT tăng 1.150 đồng lên 44.400 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1 triệu cổ phiếu.

 

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, AMD vẫn vững vàng ở mức giá trần và khớp lệnh hơn 5,57 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, TNI tiếp tục bị kéo xuống mức giá sàn và khớp lệnh được gần 3,4 triệu cổ phiếu.

 

Giao dịch trên thị trường diễn ra có phần không thực sự sôi động, tổng giá trị giao dịch trên HOSE và HNX đạt 2.400 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận chiếm hơn 100 tỷ đồng. SHB dẫn đầu khối lượng khớp lệnh toàn thị trường, đạt hơn 12 triệu cổ phiếu.

 

Chỉ số VN-Index tạm dừng phiên sáng tăng 3,12 điểm (0,42%) lên 746,61 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, 104 mã giảm và 95 mã đứng giá.

 

Chỉ số HNX-Index tăng 0,4 điểm (0,42%) lên 95,32 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 64 mã giảm và 216 mã đứng giá.

 

Sau phiên giao dịch khá tích cực hôm qua, thị trường bước vào phiên giao dịch mới những diễn biến khá thận trọng. Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuy không còn bứt phá mạnh như trước nhưng vẫn duy trì được sự tích cực đáng kể. Đáng chú ý nhất phải kể đến STB. Hiện tại cổ phiếu này đang tăng 450 đồng lên 13.150 đồng/CP và khớp lệnh được hơn 4 triệu cổ phiếu. Mới đây, Sacombank công bố quyết định HĐQT về việc rút khỏi danh sách ứng viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 – 2021 gồm ông Nguyễn Đức Hưởng và bà Nguyễn Thị Bích Hồng với lý do theo nguyện vọng cá nhân.

 

Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu lớn khác là FPT, ROS, SSI, VNM, VCS… cũng đồng loạt tăng giá và giúp duy trì vững sắc xanh của hai chỉ số. Trong đó, SSI tăng 150 đồng lên 25.450 đồng/CP. FPT tăng 950 đồng lên 44.200 đồng/CP.

 

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG và HNG có sự hồi phục nhất định trở lại sau phiên giảm sàn hôm qua. Cụ thể, HAG tăng nhẹ 50 đồng lên 8.350 đồng/CP còn HNG tăng 50 đồng lên 10.200 đồng/CP. AMD có phiên tăng trần 7 phiên liên tiếp và khớp lệnh hơn 2,7 triệu cổ phiếu. Trong 2 phiên trước, AMD có giao dịch thỏa thuận hơn 21,9 triệu cổ phiếu, trị giá trên 376 tỷ đồng. TNI tuy không còn giảm sàn nhưng tiếp tục giảm 550 đồng xuống 9.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2,5 triệu cổ phiếu.

 

Sau khoảng một giờ giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 0,87 điểm (0,12%) lên 744,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 43 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 916 tỷ đồng.

 

Chỉ số HNX-Index tăng 0,28 điểm (0,29%) lên 95,2 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,3 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 178 tỷ đồng.

 

SSI Retail Research cho rằng hai chỉ số có thể sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh trong những phiên tới với mức hỗ trợ gần nhất 734 – 738,5 điểm của chỉ số VN-Index và 93 điểm của chỉ số HNX-Index. Điểm tiêu cực SSI Retail Research nhận thấy là dòng tiền ngắn hạn tiếp tục có dấu hiệu suy yếu và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao. Đồng thời, SSI Retail Research đánh giá đây có thể chỉ là các nhịp hồi phục kỹ thuật với khối lượng giao dịch ở mức thấp và mức độ phân háo sẽ dần suy yếu trong những phiên tới.

 

Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 736,26 điểm của chỉ số VN-Index và 92,09 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tận dụng các nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức cân bằng và cần hạn chế mua mới hoặc mua đuổi ở các nhịp tăng.

Bình An

 


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.