Thị trường UPCoM khởi sắc đã tạo ra rất nhiều tích cực như NĐT có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận, các doanh nghiệp (DN) tự tin đưa CP lên giao dịch, thanh khoản và vốn hóa thị trường được cải thiện. Và trong vài tháng qua, UPCoM lại giúp cho thị trường OTC thêm phần sôi động.
Lực đẩy UPCoM
Không khí mua CP IPO bùng nổ sẽ khó có thể lặp lại như giai đoạn 2005-2007, nhưng một điều chắc chắn là dòng tiền sẽ chảy một cách mạnh mẽ và thông minh hơn. Các mức giá giao dịch sẽ không “điên rồ” như trước nhưng trở nên chặt chẽ hơn, qua đó cơ hội sẽ được chia đều, rủi ro giảm thiểu cho NĐT. Sự bùng nổ của thị trường OTC là nỗ lực thúc đẩy cổ phần hóa, giao dịch CP từ phía các cơ quan quản lý. |
Ngày 10-12 năm ngoái, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tiến hành IPO 77,8 triệu CP với giá đấu thành công bình quân 14.344 đồng/CP. Kết thúc phiên giao dịch 23-11, cũng là phiên thứ 3 ACV có mặt tại UPCoM, CP này đóng cửa đạt mức bình quân 45.150 đồng/CP. 3 phiên có mặt tại UPCoM, ACV đã có 2 phiên đầu tiên tăng trần. Tính ra những NĐT mua ACV từ khi IPO và giữ đến lúc này tài khoản đã nhân 3 lần, tỷ suất sinh lời này hấp dẫn không thua gì việc đầu tư CP trên sàn. Và nói như một số NĐT dày dạn kinh nghiệm, giữ ACV có khi còn khỏe hơn lướt CP, sóng nhiều nhưng gió cũng không ít.
Tất nhiên, lãi lớn với ACV không đồng nghĩa với việc mua những CP khác cũng đạt được mức lợi nhuận như vậy, nhưng nó cho thấy sức hút của CP OTC đang quay trở lại. Trước tiên cần nhấn mạnh sức hút của những CP OTC gắn liền với việc có thể được giao dịch tại UPCoM, hay “cao cấp” hơn là niêm yết tại HOSE và HNX. Theo các quy định hiện hành, công ty đại chúng sẽ phải lên sàn trong vòng 1 năm, sắp tới đây sẽ là việc CP tự động giao dịch tại UPCoM sau 20 ngày IPO.
Nhân viên môi giới tại một CTCK lớn cho biết, những ngày gần đây Petrolimex cũng đang được giao dịch tích cực tại thị trường OTC. Tùy theo khối lượng và yêu cầu của các bên, giao dịch của CP số 1 trong lĩnh vực xăng dầu sẽ có giá từ 2.2-3.0. Cách đây nửa thập niên, Petrolimex đã tiến hành IPO 27,4 triệu CP với giá bình quân thành công đạt hơn 1.5. Tính ra ai mua Petrolimex vào thời điểm đó và giữ đến giờ dù lãi không lớn nhưng cũng tương đối. Và nhiều khả năng, nếu thời điểm Petrolimex lên UPCoM hoặc có thể niêm yết, được công bố rõ ràng hơn, giá CP này có thể sẽ tích cực hơn.
Theo các mức giá được cập nhật gần đây, CP của Đường Quảng Ngãi (QNS) lên đến 86.000 đồng/CP và là một trong những CP có giá vào loại cao nhất trên thị trường OTC. QNS là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất sữa đậu nành, và CP của công ty chuẩn bị được giao dịch tại UPCoM. Mặc dù có những điểm khác biệt rõ ràng, nhưng nếu nhìn vào vị thế của VNM trên sàn, người ta cũng có thể mường tượng được phần nào sức hút QNS sẽ đem lại khi các giao dịch được thực hiện một cách dễ dàng hơn trên UPCoM.
Trong tháng cuối cùng của năm 2016, UPCoM cũng sẽ đón một tên tuổi lớn, đó là Vietnam Airlines (HVN). Cách đây ít ngày, HVN đã chốt danh sách cổ đông cũng như đăng ký giao dịch 1,22 tỷ CP của mình tại UPCoM. 2 năm trước, HVN đã tiến hành IPO 49 triệu CP với giá đấu thành công bình quân 2.2. Trong khi đó, những ngày trước khi có mặt trên UPCoM, giá chào mua-bán của HVN trên thị trường OTC rơi vào tầm 3.5-4.0. Cũng tương tự ACV, HVN là thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực hàng không nên hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng ACV thu hút NĐT như thế nào, HVN cũng có thể lặp lại như vậy.
Hiệu ứng toàn diện
Thực tế cho thấy, sức hút của thị trường OTC không chỉ nằm ở những CP giao dịch trên UPCoM, mà còn ở cả những CP sắp niêm yết trên sàn, có thể kể đến trường hợp của Novaland. Dự kiến tháng 12 tới Novaland sẽ niêm yết tại HOSE. Cách đây 1 tháng, giá CP của đại gia bất động sản này được giao dịch trên OTC với mức 5.0, nhưng hiện nay đã lên đến 5.8, nghĩa là chỉ chưa đầy 1 tháng, lợi nhuận đem về đã đạt gần 20%.
Tuy nhiên, sức hút giao dịch đến từ UPCoM là một điều không thể phủ nhận. Nghĩa là khi có nhiều CP từ OTC tiến lên UPCoM sẽ tạo ra một “không khí” lên sàn. Lúc này, các DN có thể chọn UPCoM, HOSE hay HNX. Những hệ quả tích cực là rất rõ ràng. Đối với những CP vẫn còn ngại ngần niêm yết sau khi đã cổ phần hóa và IPO từ khá lâu, đây chính là thời cơ vàng để lên sàn. Các cổ đông nhờ vậy cũng có nhiều cơ hội để thoát hàng, thu hồi vốn đồng thời tái đầu tư trở lại. Thị trường chung nhờ vậy cũng sẽ đón thêm những hàng hóa mới và cả dòng tiền mới.
Mặt khác, sức hút từ thị trường OTC sẽ tạo thành một dòng chảy thông suốt về vốn cũng như thanh khoản. Trước đây, nhiều người e dè khi tham gia các đợt IPO vì lo CP khó bán trên thị trường OTC. Tuy nhiên, khi việc đưa CP lên UPCoM trở thành nghĩa vụ bắt buộc, CP sớm hay muộn cũng sẽ được giao dịch, vì vậy có thể kích thích những giao dịch dưới sàn. Bên mua có thể tận dụng cơ hội mua từ trước khi lên sàn để có giá tốt, trong khi bên bán nếu thấy được giá có thể chốt lãi thu hồi vốn và tham gia những đợt IPO khác.
Sự liên kết giữa các thị trường như OTC, UPCoM và niêm yết trở nên chặt chẽ sẽ giúp dòng tiền tham gia vừa có tính ổn định vừa có khả năng tăng lên đáng kể. Không chỉ là các NĐT cá nhân, ngay đến các NĐT tổ chức nếu thấy cơ hội cũng như khả năng thoái vốn tốt hơn cho dù mua OTC hay trên sàn thì những đợt IPO của các DN cũng sẽ thu hút đáng kể dòng vốn ngoại.
MINH TRANG
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.