Chia sẻ:

“Sóng” bia tạm lắng, cùng soi kết quả kinh doanh 9 tháng

Là nhóm cổ phiếu ít được quan tâm trên sàn chứng khoán, nhưng với việc lần lượt đưa Habeco rồi tới đây là Sabeco lên sàn, cổ phiếu bia đang rất được quan tâm. Trước khi một đợt “sóng” mới có thể nổ ra “ăn theo” Sabeco, nhà đầu tư cũng cần xem xét tình hình kinh doanh 9 tháng của các doanh nghiệp trong ngành.

Tăng giá ấn tượng trong tháng 11


Sự kiện BHN giao dịch 231,8 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM đã mở ra một đợt sóng ở quy mô nhỏ ở nhóm ngành bia. Tuy không hút được tiền nhiều nhưng biến động giá của nhiều cổ phiếu trong nhóm lại đem về những khoản lợi nhuận trong mơ với nhiều nhà đầu tư.


Tăng mạnh nhất cho tới ngày 24/11 vẫn là cổ phiếu BHN của Habeco khi thị giá tính tới ngày 24/11 đã tăng tới 169,23% lên 105.000 đồng/cổ phiếu.

 

 Mức giá cao nhất ghi nhận được BHN là 166.400 đồng/cổ phiếu vào phiên 9/11.

 


Tính từ thời điểm BHN lên UPCoM, các mã SMB của CTCP Bia Sài Gòn – Miền Trung và WSB của CTCP Bia Sài Gòn – Miền Tây cũng có mức tăng giá rất tốt lần lượt là 55,63% và 47,4%.

 


Ngay cả cổ phiếu HAT của CTCP Thương mại Bia Hà Nội dù chỉ tăng gần 9% thì vào lúc đỉnh điểm cũng đã tăng tới 56,77%.


Kết quả lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng bởi thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)


Theo thống kê của BizLIVE, doanh thu thuần của 6 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý III/2016, đạt 29,497 tỷ đồng tăng 8,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

 


Dù có đôi chút chênh lệch nhưng con số này cũng khá sát so với khảo sát Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) quý III của Nielsen, theo đó ngành bia duy trì mức tăng 9,2% so với cùng kỳ.


Trong đó, SMB, HAT, WSB là 2 doanh nghiệp có tăng trưởng doanh thu tốt nhất, lần lượt 19,5%, 15% và 12%.


Nếu như doanh thu tăng tốt và đều thì lợi nhuận của các công ty này lại có sự phân hóa và phần nào cho biết về khó khăn mà nhóm bia đang gặp phải.

 


Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) của 6 doanh nghiệp tăng tới 15,6% trong đó Sabeco, SMB, và HAT có lợi nhuận tăng tốt còn THB, HAD và BHN lại có sự thụt lùi không hề nhỏ.


Đáng kể nhất, LNST của CTCP Bia Thanh Hóa (THB) tụt giảm tới 52%. Hai nguyên nhân mà phía công ty đưa ra là thuế tiêu thụ đặc biệt 2016 tăng 5% so với 2015 và thuế được tính trên giá đầu ra của phía công ty thương mại.


Dù cho chỉ THB là thiệt nhất nhưng đây cũng là vấn đề lớn với các doanh nghiệp ngành bia đang phải đau đầu chống đỡ.


Theo luật số 70/2014/QH13, thuế TTĐB cho Bia sẽ là 55% từ 01/01/2016  – 31/12/2016 (tăng 5% so với năm 2015), tiếp tục tăng thêm 5% trong mỗi năm 2017 và 2018.


Ngoài ra, với việc giá bán của nhánh cuối cùng trong hệ thống doanh nghiệp Bia, đã dẫn tới việc truy thu thuế và tranh cãi nội bộ trong doanh nghiệp sản xuất bia, do từ trước nội bộ doanh nghiệp thường ký hợp đồng là nhà máy sản xuất sẽ nộp thuế TTĐB tại địa phương và giá tính thuế là giá bán cho đơn vị đầu tiên trong chuỗi Phân phối nội bộ.


Cũng theo quy định, giá bán ra không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân trong tháng của cùng loại sản phẩm do các đại lý cấp 1 bán ra (đại lý cấp 1 là đơn vị không có quan hệ mẹ – con với doanh nghiệp Bia).


Theo đánh giá của công ty chứng khoán BIDV, tỷ lệ khống chế 7% thay vì 10% như trước đây, dẫn tới khó khăn hơn cho doanh nghiệp khi giá bán bia được điều chỉnh linh hoạt theo mùa và mức thuế TTĐB đang tăng theo từng năm.

 

MAI HƯƠNG

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.