Chia sẻ:

Sẽ có nhiều cổ phiếu Việt Nam đủ điều kiện vào chỉ số MSCI các thị trường mới nổi nhờ Luật chứng khoán sửa đổi

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đăng tải toàn văn dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) và dự thảo Tờ trình Chính phủ của dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến.

 

Trong dự thảo có nêu rõ, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là tỷ lệ sở hữu cổ phần có quyền biểu quyết của tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên tính trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty đại chúng.

 

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng được quy định là 100% (trước đây quy định là 49% các công ty này muốn mở room lên 100% thì xin ý kiến cổ đông), ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể thấp hơn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Trường hợp công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức thấp nhất trong các ngành, nghề có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Việc mở rộng giới hạn này sẽ tạo điều kiện cho nhiều cổ phiếu của công ty Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chỉ số MSCI các thị trường mới nổi.

 

Theo Báo cáo xếp hạng thị trường của MSCI công bố tháng 6/2018, thị trường Việt Nam cần cải thiện 5 vấn đề, trong đó có về cập đến việc tỷ lệ tham gia sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài và các quyền bình đẳng đối với nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam được MSCI đánh giá là cần được cải thiện/đánh giá thêm. Báo cáo này của MSCI đánh giá các giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty thuộc ngành nghề có điều kiện và nhạy cảm phải tuân theo giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài liên quan. Thị trường chứng khoán chịu tác động đáng kể bởi các vấn đề về tỷ lệ tham gia sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài.

 

Quay trở lại với dự thảo Luật chứng khoán (sửa đôi), đối với doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa theo hình thức chào bán chứng khoán ra công chúng thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài thực hiện theo quy định pháp luật về cổ phần hóa.

 

Nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, chứng quyền có bảo đảm, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác.

 

Trong dự thảo có điều chỉnh về việc định danh đâu là công ty trong nước, đâu là công ty nước ngoài. Theo dự thảo, ngoại trừ quỹ mở, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ năm mươi mốt phần trăm (51%) vốn điều lệ trở lên phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư, góp vốn, mua chứng khoán, phần vốn góp của tổ chức kinh tế (trước đây chỉ quy định về quỹ đầu tư chứng khoán). Điều này được hiểu là tất cả các công ty có vốn nước ngoài nắm giữ trên 51% sẽ được coi là công ty nước ngoài. Tuy nhiên theo một số ý kiến cho rằng, rất khó để quy định việc một công ty trong nước phải thực hiện thủ tục đầu tư như một nhà đầu tư nước ngoài bởi room ngoại thay đổi liên tục nếu công ty đó đang giao dịch trên sàn.

 

Theo dự kiến kế hoạch, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến vào quý II/2019; và trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua vào quý IV/2019.

 

Bình An


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.