Chia sẻ:

Quỹ đầu tư đăt cược vào thị trường Việt Nam thắng lớn trong năm 2016

 Học viện chứng khoán DoBF vừa ra báo cáo về hiệu quả hoạt động của các quỹ đầu tư tại TTCK Việt Nam. DoBF đánh giá, năm 2016 là năm khá thành công của các quỹ đầu tư khi đạt mức sinh lời cao hơn nhiều so với bình quân các thị trường mới nổi tại Châu Á.

 Về phía các quỹ ngoại, năm nay, DoBF bổ sung thêm vào danh sách theo dõi 8 quỹ đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản, nâng tổng số quỹ quan sát lên con số 39. Chỉ có 4 quỹ lỗ, trong đó có 2 quỹ ETF và 2 quỹ lỗ do tỷ giá.

Thành tích đầu tư chung của các quỹ ngoại thực sự ấn tượng. Theo DoBF , trong năm 2016, trung bình các quỹ ngoại tăng trưởng NAV đạt 15,9%, gấp hơn hai lần tốc độ tăng trưởng bình quân của các quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi khu vực châu Á.


Năm nay, quỹ đạt kết quả ấn tượng nhất Vietnam Alpha Fund trực thuộc công ty quản lý quỹ APS đặt tại Singapore. Thành lập từ 09/2011 dưới hình thức quỹ mở, Vietnam Alpha Fund tiếp tục duy trì hiệu quả đầu tư đáng kinh ngạc, trung bình 17,4%/năm trong 5 năm qua. Quỹ này đã đánh dấu một năm 2016 thành công nữa với mức tăng trưởng NAV lên tới gần 30%. Quỹ này đã dành 70% danh mục đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam, với top 5 cổ phiếu tại thời điểm cuối năm là ACV, BMP, HPG, CVT, KBC.

Đứng thứ hai trong danh sách tăng trưởng là quỹ VOF quản lý bởi VinaCapital với NAV tăng 25,5%. Giá trị tài sản ròng của VOF tại thời điểm 31/12/2016 đạt 863,7 triệu USD. Năm nay VOF nhận trái ngọt từ các khoản đầu tư Private Equity, IPOs trước đây lên niêm yết (QNS, NVL, ACV), thoái vốn khỏi Dược Hậu Giang và bán khách sạn Sofitel Metropole (thông tin này chưa được xác nhận chính thức). Cập nhật tại thời điểm kết thúc tháng 1/2017, NAV của VOF tăng lên 873 triệu USD, hiện HPG đang nằm trong top các cổ phiếu có tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VOF, ngoài ra VOF cũng đầu tư vào Vietjet Air.

Một cái tên khác cũng có mức tăng trưởng 25% là quỹ Nikko Vietnam Fund quản lý bởi SMBC Nikko Bank, hưởng lợi một phần nhờ đồng Yên tăng giá so với USD trong năm qua.

Quỹ ngoại lớn nhất thị trường, VEIL quản lý bởi Dragon Capital, đứng thứ 4 trong danh sách, với hiệu quả đạt 22,8%. Tại thời điểm 31/12/2016, NAV của VEIL đạt 974,3 triệu USD. Năm trước, VEIL thắng lớn nhờ nắm giữ cổ phiếu MWG, GAS, HPG, và hai cổ phiếu mới giao dịch là Novaland và ACV. VNM vẫn là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của VEIL. Tháng 1/2017 tổng tài sản quản lý của VEIL đã vượt 1 tỷ USD. Trong 5 năm qua, giá trị tài sản ròng của VEIL đã tăng 125%.

 


Danh mục của VEIL cập nhật ngày 16/2/2017


 Xếp thứ 5 là quỹ Vietnam Opportunities Fund quản lý bởi công ty QLQ Amundi chi nhánh Singapore, đầu tư tại Việt Nam từ 2007 và đây là một trong những năm tốt nhất của họ.

Dù mới xuất hiện đầu năm nay, Andbanc Investment SIF – Vietnam Value and Income Portfolio, được đăng ký bởi Andbank Asset Management tại Luxembourg nhưng do SSIAM quản lý, cũng có thành tích rất tốt. Nhờ thời điểm giải ngân vào đúng đáy thị trường năm 2016, quỹ này đã có khởi đầu thuận lợi khi tăng trưởng 19,5% trong năm đầu tiên xuất hiện.

Do sự mạnh lên của đồng USD trong năm vừa qua, nhiều quỹ gặp thiệt thòi khi đánh giá lại hiệu quả hoạt động theo đồng USD, và không ngạc nhiên những quỹ tăng trưởng kém nằm trong trường hợp này. Tệ nhất là các quỹ ETF theo chiến lược mô phỏng lại chỉ số thị trường. VanEck Vector Vietnam ETF có năm thứ hai lỗ trên 2 con số, trong khi FTSE Vietnam ETF cũng có mức lỗ khoảng 2%.

Sự tiến bộ vượt bậc của quỹ nội

Về phía các quỹ nội, số liệu của Học viện chứng khoán DoBF cho thấy các công ty quản lý quỹ trong nước năm nay tiếp tục có một năm khởi sắc. Có 46 công ty đang hoạt động bình thường, quản lý tổng tài sản 146 nghìn tỷ đồng, gấp khoảng 39 lần tổng vốn điều lệ. Hiệu quả đầu tư cũng được thể hiện rõ thông qua tăng trưởng của các quỹ trên thị trường. Trong 2016, trung bình các quỹ cổ phiếu có mức tăng trưởng NAV thông qua đầu tư đạt 15,1%.

Tuy nhiên đầu tư không phải là mảng tích cực duy nhất của ngành quản lý quỹ trong năm nay. Theo đánh giá của DoBF , những dấu hiệu vượt qua khủng hoảng ngày càng rõ ràng và có vẻ như ngành quản lý quỹ đang đi trên một con đường có triển vọng tươi sáng. Có thể thấy sự mạnh dạn của các quỹ trong việc đa dạng hóa sản phẩm đưa ra thị trường, tích cực quảng bá rộng rãi tới mọi đối tượng, cũng như thử nghiệm xây dựng các xu hướng quỹ mới. Dù cho các sản phẩm quỹ vẫn còn tương đối xa lạ với số đông nhà đầu tư, hay quy mô của các quỹ là quá nhỏ trên tổng tài sản mà các công ty quản lý quỹ đang điều hành, thì kết quả mà nhiều quỹ kiên trì đạt được trong 3 năm qua vẫn đáng khích lệ.

 


Năm nay quỹ mở tốt nhất thị trường gọi tên SSI – SCA, được quản lý bởi Công ty TNHH QLQ SSI (SSIAM) có mức tăng trưởng 24,1% nhờ vào kết quả đầu tư rất tốt trong 6 tháng cuối năm. SCA luôn duy trì tỷ trọng cổ phiếu lớn trong danh mục hầu như trong suốt cả năm, với mục tiêu là các doanh nghiệp đầu ngành, thương hiệu tốt, tăng trưởng trong 2016 và ở mức định giá hợp lý. Cụ thể hơn, quỹ thắng lớn với HPG (lúc cao điểm lên tới 16% danh mục), DBC, CTD, BMP… và kịp hạ tỷ trọng VNM trước đợt sụt giảm tháng 12.

Đứng thứ hai trong danh sách tăng trưởng là một cái tên đã rất quen thuộc, quỹ VF1 quản lý bởi công ty quản lý quỹ Việt Nam (VFM), NAV tăng 19,3%. Từ sau khi chuyển sang loại hình quỹ mở, VF1 vẫn duy trì được kết quả đầu tư xuất sắc, bất chấp sự rút vốn ồ ạt của nhà đầu tư cũng như những biến động nhân sự. Một điểm đáng chú ý, VF1 đã tăng tỷ trọng tiền mặt từ tháng 7 và chỉ giữ 2/3 tài sản là cổ phiếu vào thời điểm cuối năm. Trong top 5 chỉ có VF1 giữ tỷ trọng tiền mặt cao như vậy.

Bên cạnh VF1, VFM còn quản lý một quỹ cổ phiếu khác là VF4. Trong năm qua quỹ này cũng đạt thành tích khá tốt khi tăng trưởng 16,4%. Dù công bố chiến lược của 2 quỹ khác nhau, VF1 đa dạng hóa danh mục và hướng tới sự cân đối, VF4 chỉ chuyên đầu tư vào các cổ phiếu Bluechips, danh mục về cuối năm của 2 quỹ lại tương đối giống nhau. Cũng dễ hiểu khi cả 2 quỹ đều có chung đội ngũ đầu tư, và sử dụng chung nguồn lực phân tích.

Trường hợp đáng tiếc nhất thuộc về công ty quản lý quỹ Vietcombank, khi 2 quỹ mở của họ đã có kết quả đầu tư rất tốt vào giữa năm, nhưng lại không duy trì được đà tăng trưởng về cuối năm. Dù sao với kết quả quỹ TBF tăng 15,5% và BCF tăng 18,4%, QLQ Vietcombank cũng có một năm thành công xuất sắc.

Không nằm trong top đầu, nhưng năm nay nhiều quỹ cũng đạt thành tích đáng khích lệ dù vẫn phải tuân thủ chiến lược đầu tư cam kết của mình. Ví dụ như ENF của QLQ Eastspring, dù chọn chiến lược cân bằng danh mục nắm giữ cả trái phiếu và cổ phiếu, quỹ cũng đạt mức tăng trưởng 16,6%. Một ví dụ khác là MBVF của công ty QLQ MB, tăng trưởng 13,1% so với mức tăng 4% của năm ngoái. MBVF có danh mục khá lạ, với nhiều cổ phiếu tầm trung thanh khoản thấp. Hay thậm chí là BVFED của QLQ Bảo Việt, chọn cho mình chiến lược gần giống như một ETF mô phỏng lại VN30 và chỉ giữ 20% tài sản đầu tư theo cơ hội thị trường, quỹ cũng có mức tăng trưởng 9,7% (so sánh với VN30 chỉ tăng 5,5%).


Kết thúc một năm 2016 thành công rực rỡ của ngành quản lý quỹ, tất cả lại hướng đến năm 2017 được dự báo sẽ khó khăn hơn. Học viện chứng khoán DoBF đánh giá, dù năm nay xuất hiện những khởi sắc, quỹ mở vẫn là khái niệm xa lạ với đa số nhà đầu tư, vốn quen với việc mua-bán cổ phiếu T+3 và sử dụng tỷ lệ margin cao. Để thay đổi cả một thói quen của thị trường từ việc chủ động đầu tư sang gửi tiền cho các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp không phải chuyện một sớm một chiều.

Hơn thế nữa, việc giao dịch chứng chỉ quỹ mở vẫn bị hạn chế bởi thời gian (thường giao dịch với tần suất 1 lần/tuần) và cơ chế phí tương đối cao, phải mở nhiều tài khoản nếu muốn mua các chứng chỉ quỹ do các đơn vị khác nhau phát hành.

Những hạn chế đó đang dần dần được khắc phục và với tư duy cởi mở của ủy ban chứng khoán, DoBF cho rằng, triển vọng của ngành quản lý quỹ nội địa trong 10-20 năm nữa rất hứa hẹn. Vào lúc đó, sản phẩm quỹ sẽ được phổ cập và bất kỳ ai có tài khoản ngân hàng và tiền nhàn rỗi trong tài khoản, có thể lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình để bỏ tiền vào một cách nhanh chóng. Tương lai cũng có thể là các quỹ hưu trí, sản phẩm được dự báo sẽ khởi động trong 2-3 năm tới khi hạ tầng và khung pháp lý hoàn thành. Nhưng triển vọng nào cũng phải gắn với hiệu quả đầu tư thực tế, điều mà 3 năm qua các quỹ đã chứng minh một cách thành công.

 

Hoàng Trung

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc