Trong quý I/2017 trên thị trường chứng khoán có ba cổ phiếu giảm giá trên 70% là HID, SIC và KDM.
Quý I/2017 trôi qua với những diễn biến khá tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, VN-Index đã lên mức cao nhất trong vòng 9 năm qua. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3, VN-Index dừng ở mức 722,31 điểm (đỉnh 9 năm), tăng 8,64% so với thời điểm cuối năm 2016. Tương tự, HNX-Index tăng mạnh 13,35% lên mức 90,82 điểm.
Sau 3 tháng đầu năm 2017, nhiều nhà đầu tư đã kiếm được khoản lợi nhuận kếch xù, tài khoản có thể nhân đôi, nhân ba nếu nắm giữ các cổ phiếu như KAC, HKB, API…
Tuy nhiên, cũng có khá nhiều cổ phiếu đã khiến không ít nhà đầu tư lâm vào cảnh như ‘ngồi trên đống lửa’ khi tài khoản ‘bốc hơi’ đến trên 50% chỉ sau 3 tháng.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu HID của Công ty Cổ phần Đầu tư và Tư vấn Hà Long giữ vị trí quán quân về mức giảm giá. Nếu nhà đầu tư cầm cổ phiếu HID từ đầu năm đến cuối quý I/2017 thì đã mất 84,5% giá trị.
Cổ phiếu HID lên sàn HOSE từ hồi tháng 7/2016 với giá tham chiếu 11.000 đồng/CP (giá điều chỉnh vào khoảng 10.330 đồng/CP). Vào thời điểm cuối năm 2016, HID đã có một chuỗi phiên bứt phá mạnh và lập đỉnh ở mức 31.900 đồng/CP. Tuy nhiên, từ đó, cổ phiếu HID đã lao dốc không phanh và hiện tại chỉ còn giao dịch ở mức 4.820 đồng/CP.
Diễn biến giá cổ phiếu HID trong quý I/2017
Năm 2001, HID được thành lập từ tiền thân là Công ty TNHH Nước và Môi trường Đường Thành (W&E Ltd). Hiện tại, Công ty có những ngành nghề kinh doanh chính như tư vấn cơ sở ha ̣tầng, đầu tư, bán hàng và xây dựng.
Năm 2007, Công ty mới chỉ có vốn điều lệ 7 tỷ đồng, sau 6 lần tăng vốn tới năm 2014 thì vốn điều lệ đạt 60 tỷ đồng. Riêng với lần tăng vốn khủng cuối cùng trước khi lên sàn, Công ty đã phát hành thêm 24 triệu cổ phiếu nâng vốn lên 300 tỷ đồng. Như vậy, kịch bản của HID khá tương đồng với các cổ phiếu giảm mạnh trong năm 2016 khi có lịch sử tăng vốn ‘khủng’.
Những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HOSE trong quý 1/2017
Tiếp sau đó là cổ phiếu ATG của Công ty Cổ phần An Trường An và CDO của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế và Phát triển đô thị, với mức giảm lần lượt 55,8% và 52,8%.
Câu chuyện của ATG và CDO bắt đầu từ khoảng tháng 12/2016 khi mà hai cổ phiếu này có chuỗi giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp. Bất chấp việc lãnh đạo của cả hai lên tiếng trấn an nhưng đà giảm của ATG và CDO còn kéo dài thêm.
Diễn biến giá cổ phiếu ATG trong quý I/2017
Nguyên nhân cổ phiếu ATG giảm sàn mà lãnh đạo Công ty giải thích là do thị trường vừa trải qua giai đoạn không thuận lợi, nhiều cổ phiếu bị giảm sàn liên tục, gây phản ứng dây chuyền. Còn đối với CDO, theo lãnh đạo Công ty thì cổ phiếu giảm sàn tới hơn 30 phiên liên tiếp là do bắt nguồn từ tin đồn ông Nguyễn Đình Nhân, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc bị bắt, trong khi ông này đang theo học một khóa học quản lý cấp cao tại Mỹ với thời hạn 3 tháng, cùng nhiều tin đồn khác khiến CTCK dừng cho vay margin và kéo theo hàng loạt phiên giảm sàn.
Diễn biến giá cổ phiếu CDO trong quý I/2017
Sau chuỗi giảm giá đó, hai cổ phiếu này duy trì ở mức giá rất thấp, ATG là 2.330 đồng/CP, còn CDO là 3.270 đồng/CP.
Đáng chú ý, cổ phiếu VNA của Công ty Cổ phần Vận tải Biển Vinaship cũng có mức giảm gần 42% trong quý I/2017. Cổ phiếu VNA sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 21/4/2017 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 âm 205 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng căn cứ trên BCTC kiểm toán 2016.
Cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân mới chỉ niêm yết trên HOSE từ 6/2/2017 với giá tham chiếu 18.000 đồng/CP, nhưng đến ngày 31/3/2017 chỉ còn 12.300 đồng/CP, giảm 31,67%.
Những cổ phiếu giảm giá mạnh nhất trên HNX trong quý 1/2017
Trên sàn HNX, sau khi giúp nhà đầu tư nhân 7 lần tài khoản trong năm 2016, cổ phiếu SIC của Công ty cổ phần Đầu tư – Phát triển Sông Đà lại chính là cái tên khiến nhà đầu tư ‘ôm hận’ trong quý I/2017 với mức giảm lên đến 79%. Cổ phiếu SIC đã giảm từ 33.000 đồng/CP xuống chỉ còn 6.900 đồng/CP. Có lẽ câu chuyện của SIC cũng chỉ là do cổ phiếu này đã tăng quá nóng trong năm 2016 và việc điều chỉnh lại gần mức giá cũ là điều không quá ngạc nhiên.
Diễn biến giá cổ phiếu SIC trong quý I/2017
Tiếp sau đó, cổ phiếu KDM của CTCP Xây dựng và Thương mại Long Thành có mức giảm 70,5%, trong 3 tháng đầu năm 2017 không có quá nhiều thông tin nổi trội liên quan đến Công ty này trên thị trường.
Các cổ phiếu như C92 của Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư 492, BSC của Công ty Cổ phần Dịch vụ Bến Thành và VAT của Công ty Cổ phần VT Vạn Xuân cũng đều có mức giảm trên 50%.
Bình An
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc