Chia sẻ:

Nhìn lại dòng vốn ngoại năm 2016

Theo VDSC, bất động sản, tài nguyên cơ bản và thực phẩm và đồ uống là những ngành bị nước ngoài bán ròng mạnh nhất trong năm.

 Gần hết năm 2016, cùng với sự mạnh lên của đồng Đô la Mỹ, giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam đang có những tín hiệu kém tích cực.

Bộ phận phân tích CTKC Rồng Việt (VDSC) cho biết, tính đến hết đến 09/12/2016, VN-Index đã tăng 17,76% so với mức đóng cửa tại ngày 31/12/2015. Tuy nhiên tính trên cả 2 sàn, khối ngoại lại bán ròng rất mạnh 6.731 tỷ đồng. Kể từ năm 2007, đây là năm đầu tiên khối ngoại bán ròng nếu tính theo giá trị tích lũy trong cả năm.

VDSC cho rằng, việc bán ròng mạnh của khối ngoại bắt đầu từ giai đoạn cuối năm 2015 khi thị trường ngày một xác nhận việc FED sẽ nâng lãi suất trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2008. Việc bán ròng kéo dài trong xuyên suốt tháng Một, đó cũng là một tín hiệu gây quan ngại cho các thành viên tham gia thị trường khi trong quá khứ, hầu chưa chưa có giai đoạn nào khối ngoại “mở hàng” năm mới bằng việc bán ròng mạnh tay.

Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu đảo chiều kể từ ngày 18/02 khi khối ngoại mua ròng nhẹ trở lại, đánh dấu việc mua ròng liên tục cho đến ngày 12/08. Thực ra có giai đoạn khoảng tháng Tư, khối này cũng bán ròng nhưng chủ yếu bị thiên lệch bởi việc bán chốt lời trái phiếu chuyển đổi của VIC.

Sau giai đoạn mua ròng đó, khối ngoại bắt đầu chuyển sang bán ròng, thậm chí bán ròng rất mạnh. Hầu như những mã vốn hóa lớn, trong đó nổi bật là VNM, HPG đều bị khối này “xả hàng” mạnh.

Theo VDSC, ngành bất động sản, tài nguyên cơ bản và thực phẩm & đồ uống bị bán ròng mạnh nhất. Những mã bị bán ròng mạnh trong các ngành vừa nêu tên có thể kể đến như VIC (-6.294 tỷ đồng), VNM (-2.080 tỷ đồng), HPG (-898 tỷ đồng), HSG (-606 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng được mua ròng mạnh nhất 1.126 tỷ đồng, trong đó, một mình MBB đã có thể “cân” cả nhóm với giá trị mua ròng 1.545 tỷ đồng. GAS (903 tỷ đồng), NT2 (394 tỷ đồng) là những mã được mua ròng đáng kể khác.

Trên HNX, VDSC cho biết, không quá ngạc nhiên khi dầu khí và dịch vụ tài chính là 2 nhóm ngành được mua ròng nhiều nhất. Trong top 10 mã trên HNX được khối ngoại săn đón nhất năm qua, PVS và PLC là đại diện tiêu biểu cho dầu khí trong khi nhóm ngành tài chính đóng góp 4 cái tên đó là BVS, VND, VIX và IVS. Ở chiều bán ra, KLS nghiễm nhiên chiếm vị trí đầu bảng khi giữa năm qua, chứng khoán KLS đã tuyên bố giải thể ngừng hoạt động.

 


Việc bán ròng của khối ngoại thì không thể không nói đến hoạt động rút vốn của 2 quỹ ETFs là Db x-trackers FTSE Vietnam ETF và VanEck Vectors Vietnam ETF. Tính đến ngày 9/12 vừa qua, Db-x trackers FTSE Vietnam ETF bị rút ròng 71,01 triệu USD trong khi VanEck Vectors Vietnam ETF bị rút ròng thậm chí còn nhiều hơn, 78,53 triệu USD.

 


 VDSC cho rằng, việc 2 quỹ này tự xây dựng chỉ số riêng để theo dõi thay vì theo dõi trực tiếp các chỉ số như VNIndex hay VN30 Index đã khiến các quỹ này không theo kịp các yếu tố đặc thù ở Việt Nam.

“Khi muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam một cách gián tiếp qua việc mua vào các chứng chỉ quỹ ETF, nhà đầu tư nước ngoài hẳn sẽ cảm thấy hơi thất vọng khi 2 quỹ này đã không thực hiện được tốt việc mô phỏng chỉ số VNIndex – đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Thực tế cũng cho thấy thanh khoản giao dịch 2 ETFs này tại các thị trường như Mỹ, Đức, London có dấu hiệu suy giảm trong trong 2 năm gần đây”, VDSC đánh giá.

 

Hoàng Trung

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.