Chia sẻ:

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giảm sâu, VN-Index lại mất hơn 15 điểm

Sau phiên bán tháo hôm qua, thị trường bước vào phiên giao dịch mới vẫn với những diễn biến tiêu cực. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn giảm rất sâu và tiếp tục kéo chỉ số chính VN-Index lùi sâu xuống dưới mốc tham chiếu. Cụ thể, các mã như GAS, HSG, KDC, VCS, VIC, VJC, VPB… đều đồng loạt giảm sâu và đây là nguyên nhân chính khiến VN-Index tiếp tục có mức giảm đến trên 15%. Trong đó, GAS giảm 6,8% xuống 91.300 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh của GAS sau 40 phút giao dịch đã lên đến 600 nghìn đơn vị. ROS tiếp tục bị kéo về mức giá sàn và chỉ còn 53.100 đồng/CP. Bộ ba cổ phiếu VIC, VHM và VRE đang tạo áp lực rất lớn lên thị trường chung. VHM giảm 2%, VIC giảm 3,3% còn VRE giảm 2%.

 

Mặc dù thị trường vẫn ghi nhận nhiều cổ phiếu giảm sâu nhưng đà giảm của VN-Index đã được kìm hãm lại đáng kể trong khi đó HNX-Index bật tăng trở lại nhờ vào lực đẩy đến từ các cổ phiếu ngân hàng như BID, VCB, TPB, HDB, SHB… Ngoài ra, một số mã vốn hóa lớn như SSI, PVS, MWG, NVL… cũng hồi phục đáng kể trở lại. Lực cầu đang dâng cao và giúp đà tăng lan rộng hơn tới nhiều nhóm cổ phiếu khác từ đó thu hẹp đáng kể đà giảm của VN-Index.

 

Sau khoảng 40 phút giao dịch, VN-Index giảm 10,98 điểm (-1,18%) xuống còn 920,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 31,6 triệu cổ phiếu, trị giá 825 tỷ đồng.

 

Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,9 điểm (0,84%) lên 108,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12,8 triệu cổ phiếu, trị giá 172 tỷ đồng.

 

Mới đây, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCK Nhà nước đã khuyến cáo nhà đầu tư nên bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn. Thị trường có lên có xuống nên nhìn chung vẫn đảm bảo bền vững nhờ nền kinh tế vĩ mô bền vững và tăng trưởng tốt, thị trường tiền tệ tốt, nhiều doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận cao. Thông tin trên có lẽ sẽ phần nào giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên bớt bi quan hơn trước.

 

Bên cạnh đó, theo nhận định của một vị lãnh đạo HOSE, đà giảm trong phiên hiện nay không còn tập trung ở mã lớn mà đã lan rộng sang các cổ phiếu nhỏ và vừa. Đây là tín hiệu cho thấy, thị trường đang dần ổn định trở lại.

 

Động thái của khối ngoại, cũng đang cho thấy sự chuyển biến. Trong phiên 28/5, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng khoảng 20 tỷ đồng, sau chuỗi bán ròng nhiều ngày qua. Trên sàn HOSE, khối ngoại đã giảm bán ròng chỉ còn 5,4 tỷ đồng. Nếu như áp lực bán ròng của khối ngoại tiếp tục suy yếu thì đây là điểm nhấn khá quan trọng có thể giúp thị trường hồi phục trở lại sau chuỗi ngày ‘bết bát’.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.