“Tháng cô hồn” hay tháng Ngâu là cách gọi khác của tháng 7 Âm lịch, là tháng nhiều người sợ hãi kiêng kỵ, đặc biệt với những nhà đầu tư chứng khoán. Chính vì những quan niệm này cùng với việc tháng 7 âm thường là khoảng thời gian thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2017 cũng đã kết thúc, nên giao dịch trên thị trường chứng khoán nói chung thường có những diễn biến không được tích cực.
Những điều lo ngại này của nhà đầu tư không phải là không có cơ sở khi mà trong vòng khoảng 7 năm trở lại đây thì thị trường chứng khoán mới chỉ có 2 lần ‘nếm trải’ cảm giác vui vẻ trong tháng 7 âm lịch, trong khi có đến 5 lần chìm trong ‘bóng tối’.
Theo thống kê từ năm 2010 – 2015, diễn biến giao dịch trên TTCK trong tháng 7 âm lịch có phần không thực sự thuận lợi khi có đến 4/5 năm thị trường điều chỉnh trong giai đoạn này.
Bên cạnh đó, một yếu tố khá trùng hợp là khoảng thời gian này thường xuất hiện các thông tin rất bất lợi như khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Đức Kiên, Cựu Thành viên hội đồng sáng lập ngân hàng ACB vào năm 2012; khởi tố, bắt giam ông Phạm Công Danh, Cựu Chủ tịch HĐQT VNCB – ngân hàng đầu tiên được NHNN mua lại với giá 0 đồng – vào năm 2014 hay là sự kiện Trung Quốc liên tục phá giá đồng Nhân dân tệ.
Như một cái ‘dớp’ đã định sẵn, năm nay, thị trường chứng khoán lại đón nhận một số thông tin không vui liên quan đến vấn đề các cựu lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước bị khởi tố, xét xử. Trong đó, điển hình nhất có thể kể đến việc ông Đặng Thanh Bình – nguyên Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước bị khởi tố…
Không còn sợ hãi?
Kể từ năm 2016, dường như thị trường đã không còn quá lo sợ với tháng 7 âm lịch nữa. Chỉ số VN-Index trong tháng thời gian này tăng đến 33,39 điểm (5,25%), còn chỉ số HNX-Index tăng 1,46 điểm (1,79%).
Còn trong năm 2017, dù vẫn chưa kết thúc tháng Ngâu nhưng sự lo ngại về tâm lý dường như đã được xóa sạch. Cho dù gặp phải khá nhiều thông tin bất lợi nhưng thị trường lại cho thấy những diễn biến ngược lại, chỉ số VN-Index đã có một khoảng thời gian giao dịch hết sức tích cực và đã quay trở lại mốc 800 điểm sau 9 năm 8 tháng chờ đợi. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 8/9/2017, chỉ số VN-Index dừng ở mức 801,2 điểm, tăng 32,4 điểm (4,22%) so với phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 âm lịch (21/8/2017). Chỉ số HNX-Index đạt 103,92 điểm, tương ứng tăng 2,79 điểm (2,76%).
Nguyên nhân chính giúp thị trường chứng khoán đi ngược lại với sự lo sợ của nhiều nhà đầu tư được cho là đến từ các chính sách phát triển đúng đắn mà Chính Phủ đã đề ra trong thời gian trước đó đã phát huy được hiệu quả như việc đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết; chính sách theo đuổi tăng trưởng kinh tế, kích cầu tiêu dùng sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết cải thiện kết quả kinh doanh, đặc biệt là các đơn vị trong lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng và BĐS; quyết định của Chính Phủ nới room tín dụng từ 18% lên 21-22% năm 2017; việc điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017…
Bên cạnh đó, những số liệu vĩ mô đang tốt dần lên cũng hỗ trợ khá tốt cho thị trường trong thời gian này.
Ngoài ra, các cá nhân liên quan đến việc bắt, khởi tố trong thời gian này đều đã rời bỏ chức vụ và không còn nắm giữ những vị trí quan trọng trong tổ chức nên hiệu ứng xấu là khó xảy ra. Hiện giờ, nhà đầu tư đã sáng suốt hơn các năm trước rất nhiều, họ chọn lọc thông tin khá tốt trước các tin đồn thất thiệt.
Mặc dù còn khoảng gần 1 tuần nữa mới hết tháng 7 âm nhưng có thể nói rằng tâm lý lo sợ của các năm trước dường dư đã bị hạn chế đáng kể. Minh chứng rõ nhất là việc thị trường vẫn duy trì được quanh mốc 800 điểm cho dù có một vài phiên rung lắc.
Lực đẩy từ các trụ cột
Mặc dù nhìn vào mặt điểm số hai chỉ số thì có thể thấy thị trường đã không còn có cái ‘dớp’ tháng Ngâu, nhưng nhìn vào từng cổ phiếu thì điều này không hẳn như vậy. Tổng số 721 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và HNX tính từ đầu tháng 7 âm đến phiên giao dịch mà chỉ số VN-Index vượt mốc 800 điểm (8/9/2017) thì có đến 358 cổ phiếu giảm giá và 84 mã đứng giá, trong khi chỉ có 279 mã tăng giá. Rõ ràng quá nửa cổ phiếu trên thị trường không đem lại cảm giác vui vẻ cho nhà đầu tư ở thời gian vừa qua.
Quả thật như vậy, nhìn kỹ hơn nữa trong đà tăng mạnh đợt này chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một điều là thị trường có sự bứt phá đa phần nhờ vào lực đẩy đến từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như SAB, VJC, VIC, PLX, ROS… nên dường như thị trường tăng nhưng tài khoản phần lớn nhà đầu tư chỉ tăng rất ít thậm chí không tăng. SAB trong khoản thời gian này tăng gần 10%, VIC tăng đến gần 18%, MSN tăng 18,22%, VCS tăng 10,5%, đây đều là những cổ phiếu thuộc top vốn hóa của thị trường nên không có gì khó hiểu khi hai chỉ số đều lầm lũi tiến lên.
Diễn biến giá cổ phiếu vốn hóa lớn từ đầu tháng 7 âm lịch
Như vậy, thị trường thời gian tới cần có sự đồng thuận nhiều hơn nữa của các nhóm ngành cổ phiếu, từ đó mới có thể giúp đà tăng của thị trường trở nên bền vững hơn nữa.
BÌNH AN
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.