Chia sẻ:

Năm mã chứng khoán niêm yết tăng, giảm mạnh nhất tuần

Mã mất giá nhiều nhất trên sàn HoSE tuần trước là VAF của Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển bất ngờ có một tuần giao dịch đầu tháng Sáu khởi sắc để có một “chân” trong top tăng giá.

 

Thống kê chi tiết của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) ngày 3/6 cho thấy, trừ 1 phiên đi ngang cuối tuần, 4 phiên còn lại của VAF đều tăng giá trong đó có tới 3 phiên nhuộm sắc tím. VAF qua đó có thêm 3.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng hơn 22%. 

 

Thực tế, cổ phiếu trong nhóm ngành sản xuất hóa chất này đã có một tuần hoàn toàn khác so với tuần giao dịch cuối tháng Năm. Trong tuần trước, VAF chính là mã mất giá nhiều nhất sàn với tỷ lệ giảm giá hơn 12%.

 

Như đã thông tin trước đó, doanh thu của VAF được công bố quý 1 năm nay ở mức gần 397 tỷ đồng, thấp hơn so với ngưỡng gần 405 tỷ đồng của quý 1 năm ngoái.

 

Lợi nhuận sau thuế của VAF theo tính toán vào khoảng hơn 20 tỷ đồng. Năm ngoái, trong quý 1, mức lãi được đại diện công ty này công bố ở mức gần 22 tỷ đồng.

 

Trong tháng Năm, phía VAF cũng đã thông báo phương án trả cổ tức năm 2015 cho cổ đông. Theo kế hoạch, năm 2015, phía VAF sẽ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 15% cho cổ đông. Công ty đã thực hiện chia 10% và 5% còn lại dự kiến thanh toán vào 15/6.

 

Quán quân nhóm tăng giá là mã VNG của Công ty cổ phần Du lịch Thành Thành Công. Một tuần trọn vẹn tăng giá giúp VNG tăng tổng cộng 3.400 đồng/cổ phiếu, ứng với tỷ lệ gần 30%.

 

Ở phía ngược lại, mã KSS của Công ty cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico là mã mất giá nhiều nhất sàn.

 

Tuần này, 3 phiên đi ngang và 2 phiên nện sàn đã đẩy cổ phiếu trong ngành khai khoáng chỉ còn 900 đồng/cổ phiếu.

 

Những thông tin đầu tháng Sáu với KSS khá tối màu. Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh vừa quyết định đưa cổ phiếu KSS vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 8/6 do công ty liên tục vi phạm công bố thông tin. Việc này theo đại diện cơ quan chức năng cũng nhằm “bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.”

 

Trước đó, trong tháng Năm, phía sở cũng đã có nhắc nhở chậm công bố báo cáo tài chính nhất soát xét 6 tháng năm 2015, báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 và báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 năm 2015 đối với KSS.

 

Hiện công ty vẫn chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2016. Đại hội dự kiến tổ chức vào ngày 20/6 sẽ bàn về việc bầu thay thế Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc và kế toán trưởng.

 

Bên sàn HNX, mã TAG của Công ty cổ phần Thế giới số Trần Anh chiếm vị trí số 1 nhóm tăng giá. 

 

Bốn phiên tăng giá tuần này của TAG giúp cổ phiếu này có thêm 10.300 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ tăng gần 37%.

 

Trước đó, Hội đồng quản trị TAG đã thông qua việc phát hành gần 2,3 triệu cổ phiếu. Sau khi phát hành, dự kiến vốn điều lệ của TAG sẽ tăng từ 226.6 tỷ đồng lên hơn 249 tỷ đồng.

 

Một thông tin khác gợi nhớ tới TAG trong tháng trước là việc công ty bị xử phạt 40 triệu đồng do có hành vi cho người mẫu mặc bikini đón khách và tiếp thị tại siêu thị Trần Anh, số 18 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

 

Vi phạm này bị coi là quảng cáo có nội dung trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam. 

 

Ở nhóm mất giá, đáng chú ý là sự xuất hiện của mã SPI của Công ty cổ phần Đá Spilit. 

 

Đây là cái tên đã xuất hiện 3 lần trong top tăng giá của tháng Năm. Tuy nhiên, ngay trong tuần đầu tiên tháng Sáu, SPI đã phải đón nhận những tin không vui khi có tới 3 phiên nện sàn và giảm tổng cộng 2.500 đồng/cổ phiếu.

 

SPI qua đó có tỷ lệ giảm giá là hơn 18% và là mã mất giá nhiều nhất trên sàn HNX.

 

Báo cáo quý 1 năm nay của SPI cho thấy lợi nhuận sau thuế tăng đột biến, ở mức gần 7 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, con số được báo cáo chỉ là xấp xỉ 562 triệu đồng.

 

Lãnh đạo SPI đã có văn bản giải trình về sự chênh lệch trên với lý do “công ty hoàn lại chi phí trích lập dự phòng tài chính do doanh nghiệp đã bù được số lỗ luỹ kế phát sinh khi sáp nhập công ty.”/.

 

 

Xuân Dũng

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.