Đại hội đồng cổ đông thường niên vốn là cơ hội để ban lãnh đạo và toàn thể cổ đông ngồi lại cùng nhau chia sẻ, góp ý nhằm thấu hiểu nhau hơn và cùng nhau xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh hơn. Đồng thời, đây cũng là lúc những quyết sách then chốt như định hướng chiến lược, kế hoạch hoạt động hay thay đổi nhân sự chủ chốt được định đoạt.
Do tính chất quan trọng của cuộc họp mà trước khi tổ chức, ban lãnh đạo doanh nghiệp đã phải có nhiều cuộc họp giữa Ban giám đốc với HĐQT, Ban giám đốc với các phòng ban, giữa lãnh đạo với các cổ đông lớn… để đưa ra nội dung cuối cùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tốn chi phí cho các khâu chuẩn bị như lấy danh sách cổ đông tại Trung tâm lưu ký tính đến thời điểm chốt quyền tham dự, thư mời, địa điểm…
Thực tế, không phải Đại hội nào cũng thành công và thị trường cũng đã quá quen với những đại hội liên tiếp bất thành như của CTCP Mỏ & XNK Khoáng sản Miền Trung (MTM), CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) do cổ đông tham dự quá ít, phải đến lần 3 mới tiến hành được. Song, bị cổ đông bỏ rơi không phải nguyên nhân duy nhất khiến ĐHĐCĐ của doanh nghiệp bất thành, vẫn có những Đại hội không thể thành công do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông.
Mới đây, ĐHĐCĐ thường niên 2017 của CTCP Bánh kẹo Hải Hà (HNX: HHC) đã bị làm khó theo một kiểu mới, đó là mặc dù tỷ lệ cổ phần tham dự đủ điều kiện tiến hành, nhưng vẫn không thể diễn ra do cổ đông phủ quyết chương trình họp.
Cụ thể, ngày 15/06, HHC đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 với sự tham gia của cổ đông và người ủy quyền đại diện cho hơn 14 triệu cp, tương đương 86,96% vốn – đủ điều kiện tiến hành. Tuy nhiên, khi thực hiện biểu quyết về chương trình họp ĐHĐCĐ, có tới hơn 60% số phiếu không đồng ý thông qua và chỉ gần 40% lượng cổ phiếu tham dự đồng ý. Theo đó, ĐHĐCĐ thường niên của HHC đã không thể tiến hành tiếp và sẽ được tổ chức lại vào thời gian khác.
Được biết, cơ cấu cổ đông của HHC có sự thay đổi lớn khi cổ đông Vinataba thoái toàn bộ 51% vốn (tương đương 8,4 triệu cp), sau đó nhiều cổ đông lớn đã liên tục xuất hiện “thế chỗ”. Tính đến hiện nay, có 2 cổ đông lớn đã lộ diện và đang nắm 48% vốn của HHC là bà Trương Thị Bửu và ông Lưu Văn Vũ.
Hay, ĐHĐCĐ CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (HOSE: VSH) năm 2017 vừa qua đã gây sốc với việc kéo dài từ sáng đến chiều và tất cả 10 nội dung được HĐQT trình lên đều bị phủ quyết.
Tương tự HHC, vào cuối năm 2016 khi Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái vốn khỏi VSH thì CTCP Cơ điện lạnh (HOSE: REE) đã nhảy vào. Tính đến cuối năm 2016, REE đã sở hữu 21,01% vốn của VSH.
Theo đó, nguyên nhân ĐHĐCĐ VSH bất thành có lẽ là cuộc chiến giữa REE và cổ đông lớn nắm giữ 30,55% vốn Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3). Tại Đại hội, cả REE và Genco 3 đều đề cử người vào HĐQT nhưng không được tiến hành bỏ phiếu do bất đồng giữa các cổ đông. Genco 3 lập luận Thành viên từ nhiệm là Thành viên HĐQT độc lập nên ứng viên thay thế mà REE đề cử là ông Quánh Vĩnh Bình – Phó giám đốc REE không phù hợp. Ngoài ra, ông Lê Tuấn Hải, đại diện REE – người đã làm Thành viên HĐQT Công ty từ 06/01 cũng đành thôi nhiệm ngay sau Đại hội do tỷ lệ nhất trí bầu chỉ 60,53%.
Những trường hợp mâu thuẫn nội bộ này còn khó đỡ hơn cho Ban lãnh đạo so với việc bị cổ đông ngó lơ. Bởi nếu cổ đông ngó lơ thì sau 3 lần tổ chức họp mọi quyết sách sẽ được thông qua nhưng nếu mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông thì chưa biết khi nào mới thông qua được.
Điển hình đó là ĐHĐCĐ của CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) suốt 2 năm qua vẫn lặp đi lặp lại một kịch bản là Đại hội nào cũng tổ chức làm ba cuộc họp với 2 buổi bất thành do không đủ tỷ lệ tham dự và đến 1 buổi thứ ba thì diễn ra tranh luận giữa nhóm các cổ đông lớn và Đoàn Chủ tịch. Kết quả thì luôn là hầu hết các nội dung trọng yếu đều không được thông qua như kế hoạch kinh doanh, báo cáo kiểm toán, lựa chọn đơn vị kiểm toán độc lập…
Hệ lụy của điều này là tính đến thời điểm hiện tại, PNC đã bị HOSE nhắc nhở tới lần thứ 3 về việc chậm công bố thông tin và cổ phiếu đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt do thường xuyên vi phạm công bố thông tin. Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Hoạt – Tổng giám đốc Công ty từng chia sẻ tại Đại hội, những hành động bất hợp tác của nhóm cổ đông lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động trong tương lai bởi các dự án đầu tư mới không được thống nhất để triển khai.
Mâu thuẫn nội bộ chưa bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông luôn làm mọi kế hoạch đình trệ, tốn kém nhiều chi phí, các phương án đầu tư không được phê duyệt. Do vậy, nó khiến cho doanh nghiệp không linh hoạt nắm bắt được cơ hội, dễ dẫn đến nguy cơ tụt hậu, sức cạnh tranh yếu dần.
Hẳn nhà đầu tư còn nhớ bài học mâu thuẫn nội bộ tại CTCP Bibica (HOSE: BBC) hơn 4 năm trước, với cuộc chiến giữa nhóm cổ đông kéo dài nhiều năm trời, kết quả kinh doanh của Công ty dần đi xuống. Đặc biệt nhất là năm 2012, lợi nhuận chỉ đạt gần 26 tỷ đồng, giảm 44%. Tuy nhiên, sau 3 năm bình yên với việc các cổ đông tạm gác mâu thuẫn để cùng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Công ty thì kết quả kinh doanh đã tăng trưởng đáng kể. Năm 2015 và 2016, Công ty ghi nhận lãi ròng trên 80 tỷ đồng, rất vượt trội so với khoảng thời gian trước đây.
Ngọc Điểm
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.