Brexit được xác định là sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua những tác động từ tỷ giá đến một số doanh nghiệp đang niêm yết. HT1 dự kiến sẽ là công ty hưởng lợi nhiều nhất, trong khi PPC sẽ là công ty chịu thiệt hại nặng nhất.
Sự kiện người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ việc nước này rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, được nhận định là sẽ tác động đến các doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam theo cả chiều tích cực và tiêu cực dựa trên yếu tố tỷ giá.
Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI Research) đã lượng hóa tác động của Brexit đến các doanh nghiệp trong bối cảnh đồng Euro và Yên biến động mạnh do ảnh hưởng của Brexit.
SSI Research cho biết phần lớn các khoản nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam là bằng đồng USD. Trong khi đó, các công ty vay nợ bằng đồng Euro và Yên thường là những công ty cần nhập khẩu máy móc thiết bị từ Châu Âu hoặc nằm trong các chương trình cho vay của chính phủ các nước Châu Âu và Nhật Bản.
Do đó, việc đồng Euro mất giá có thể làm lợi cho các công ty vay nợ bằng đồng Euro hoặc nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU, nhưng có thể gây thiệt hại cho các công ty có tài sản và các khoản phải thu bằng đồng Euro hoặc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU.
Ngày 24/6/2016, khi có kết quả trưng cầu dân ý về Brexit, đồng Euro đã mất giá mạnh 2,4%. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, đồng tiền này vẫn tăng 2,3% so với USD, và cũng tăng 1,52% so với đồng VND.
Ngược lại, đồng Yên ngày 24/6/2016 đã tăng tới 3,8% và tính từ đầu năm đến nay cũng tăng 17,6% so với đồng USD. So với đồng tiền Việt Nam, đồng tiền Nhật Bản đã tăng 16,7% kể từ đầu năm.
Theo phân tích của SSI Research, đồng Yên lên giá có thể đem lại lợi ích cho các công ty xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang Nhật Bản, trong khi có thể tác động tiêu cực đến các công ty Việt Nam vay nợ bằng đồng tiền này.
Những công ty được hưởng lợi
CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) dự kiến sẽ là “ngư ông đắc lợi” lớn nhất từ vụ Brexit. Theo phân tích, nếu đồng Euro mất giá 1%, NT2 có thể ghi nhận mức lãi 28 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá, trong khi đó công ty đang có khoản vay bằng đồng Euro trị giá 113 triệu Euro tính đến cuối tháng 3/2016.
Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) được đánh giá sẽ là công ty hưởng lợi lớn tiếp theo từ việc đồng Euro giảm giá. HT1 có khoản nợ 63 triệu Euro tính đến cuối quý I/2016, do đó, nếu đồng Euro mất giá 1%, công sẽ sẽ lãi từ chênh lệch tỷ giá khoảng 16 tỷ đồng.
CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC) dự kiến cũng sẽ hưởng lợi khi công ty này có khoản nợ dài hạn 28,6 triệu Euro tính đến cuối quý I/2016. SSI Research cho rằng đồng Euro cứ mất giá 1%, BCC sẽ lãi từ chênh lệch tỷ giá khoảng 7 tỷ đồng.
Trong khi các công ty trên “đắc lợi” từ việc đồng tiền chung Châu Âu giảm giá, một công ty khác là FPT lại được kỳ vọng có thêm doanh thu từ việc đồng Yên tăng giá.
Theo phân tích, mỗi năm FPT xuất khẩu khoảng 100 triệu USD giá trị dịch vụ gia công phần mềm sang Nhật Bản, cho nên nếu đồng Yên cứ tăng giá 1%, doanh số xuất khẩu sang thị trường này của công ty có thể tăng thêm khoảng 1 triệu USD.
Những công ty gặp bất lợi
Cũng là công ty thuộc ngành diện như NT2, nhưng CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) dự kiến lại chịu thiệt hại do hệ quả của Brexit. PPC hiện có khoản vay bằng đồng Yên vào khoảng 24 tỷ Yên. Nếu đồng Yên cứ tăng giá 1%, công ty có thể ghi nhận mức lỗ 48 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Một số công ty xuất khẩu thủy sản dự kiến cũng gặp bất lợi khi đồng Euro mất giá làm hao hụt giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.
CTCP Hùng Vương (HVG) xuất khẩu cá basa sang thị trường EU với giá trị chiếm khoảng 10% tổng doanh số, tương đương khoảng 1 nghìn tỷ đồng/năm.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) hiện đang xuất khẩu cá basa sang thị trường EU với giá trị chiếm khoảng 16% tổng doanh số xuất khẩu, hay tương đương khoảng 1 nghìn tỷ đồng/năm.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) đang xuất khẩu tôm sang thị trường EU với giá trị khoảng 400 tỷ đồng/năm (chiếm 15% tổng kim ngạch). Tuy nhiên, FMC dự kiến sẽ được bù đắp phần nào bằng việc đồng Yên tăng giá, khi công ty cũng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị đạt khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng/năm (chiếm 37% tổng doanh số xuất khẩu).
Trung Nghĩa
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.