Chia sẻ:

Lực cầu suy yếu, VN-Index giảm điểm trở lại

Giao dịch trên thị trường diễn ra chậm chạm và không có quá nhiều sự nổi trổi. Trong khi đó, sắc đỏ đã lan rộng đến khá nhiều cổ phiếu trụ cột trên thị trường, các mã như MSN, VIC, VJC, SAB, GAS… đều đồng loạt giảm giá và kéo chỉ số VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu. MSN giảm 300 đồng xuống 57.400 đồng/CP sau phiên bứt phá hôm qua nhờ tin mua vào cổ phiếu quỹ. GAS tiếp tục giảm 300 đồng xuống 67.700 đồng/CP.

 

Trong khi đó, sắc xanh vẫn được duy trì tốt trên các cổ phiếu trụ cột như BID, BVH, ROS, VNM, VCS, ACB… đây cũng là trụ đỡ quan trọng giúp kìm hãm đà giảm của chỉ số VN-Index cũng như duy trì được sắc xanh của chỉ số HNX-Index.

 

Các cổ phiếu có thanh khoản mạnh trong phiên sáng vẫn thuộc nhóm vốn hóa nhỏ như HAI, FIT, KLF, PVX… Trong đó, HAI vẫn vững vàng ở mức giá trần và khớp lệnh 3,4 triệu cổ phiếu, trong khi dư mua giá trần hơn 5 triệu cổ phiếu. KLF tăng 100 đồng lên 4.100 đồng/CP và khớp lệnh hơn 5,6 triệu cổ phiếu.

 

Thanh khoản thị trường phiên sáng nay khá yếu, tổng khối lượng giao dịch chỉ đạt 101 triệu cổ phiếu, trị giá 1.800 tỷ đồng.

 

Tạm dừng phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 0,37 điểm (-0,05%) xuống 804,86 điểm. Toàn sàn có 110 mã tăng, 117 mã giảm và 111 mã đứng giá.

 

Chỉ số HNX-Index tăng 0,47 điểm (0,44%) lên 107,43 điểm. Toàn sàn có 61 mã tăng, 60 mã giảm và 241 mã đứng giá.

 

Sau những diễn biến có phần tiêu cực vào cuối phiên trước, thị trường trong khoảng thời gian đầu của phiên cuối tuần đã có sự hồi phục nhất định. Các cổ phiếu trụ cột như VNM, VCB, PLX, FPT, BID, DBC…đều đồng loạt tăng giá và góp phần kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu, tuy nhiên, mức tăng của các mã này đều không qua mạnh nên biến động của chỉ số VN-Index cũng là khá nhẹ nhàng.

 

Hiện tại, PVD đang tăng 150 đồng lên 14.100 đồng/CP nhờ vào sự hồi phục của giá dầu thế giới, cụ thể, giá dầu tăng 2% do dấu hiệu cho thấy Ả-rập Saudi và Nga sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác vào năm 2018. Điều này có tác dụng kéo giá dầu thô Mỹ lên trên 50 USD/thùng.

 

Ở chiều ngược lại, VPB, VIC, VJC, VCS, SHB… lại đang giảm giá nhẹ và cũng gây đôi chút trở ngại cho đà hồi phục của thị trường.

 

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đầu cơ lại có nhưng sự phân hóa khá mạnh. Các mã như HAI, KLF, PTL, PVX… đều đang tăng giá mạnh. HAI và PVX đang được kéo lên mức giá trần, KLF tăng mạnh 200 đồng lên 4.200 đồng/CP. Không duy trì được sự tích cực như các mã trên, HAR giảm 250 đồng xuống 13.250 đồng/CP.

 

Sau khoảng 40 phút giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 1,19 điểm (0,15%) lên 806,42 điểm. Tổng khối lượng iao dịch đạt 23,3 triệu cổ phiếu, trị giá 518 tỷ đồng.

 

Chỉ số HNX-Index tăng 0,62 điểm (0,58%) lên 107,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 16 triệu cổ phiếu, trị giá 141 tỷ đồng.

 

Trên sàn UPCoM, cổ phiếu LPB đang có phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi chào sàn ngày hôm qua. Hiện giờ, LPB đang giảm 600 đồng xuống 13.600 đồng/CP.

 

SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ quay lại nhịp điều chỉnh và trạng thái giằng có sẽ tiếp diễn trong những phiên kế tiếp, nhưng thị trường sẽ biến động mạnh hơn. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn, rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng và nhóm cổ phiếu Midcaps và Smallcaps có thể sẽ quay lại đà giảm trong những phiên tới khi nhịp hồi phục vẫn còn yếu. Ngoài ra, tỷ trọng cổ phiếu tiếp tục thu hẹp dần cho nên xu hướng tăng ngắn hạn sẽ tiếp tục suy yếu.

 

Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của hệ thống ở mức 782,19 điểm của chỉ số VN30 và 106,11 điểm của chỉ số HNX-Index. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức khuyến nghị và không mua mới ở giai đoạn hiện nay.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.