Trước đây, để nhà đầu tư có thể lấy lại khoản tiền đầu tư trái phiếu bị tổ chức phát hành chiếm đoạt bất hợp pháp, cần có bản án có hiệu lực của Tòa án nhận định tổ chức phát hành đã có hành vi vi phạm pháp luật dân sự, hoặc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu, từ đó Tòa án quyết định số tiền cụ thể mà tổ chức phát hành có nghĩa vụ bồi thường cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, từ ngày 01/03/2025, thời điểm Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP do Bộ Công An, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành bắt đầu có hiệu lực, nhà đầu tư trái phiếu có thể lấy lại khoản tiền bị tổ chức phát hành chiếm đoạt bất hợp pháp ngay từ giai đoạn cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2025/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC-BQP, cơ quan tiến hành tố tụng xem xét quyết định trả lại tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa cho bị hại hoặc đại diện của bị hại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 164/2024/QH15 khi có đủ các căn cứ, điều kiện sau:
a) Đã xác định được rõ chủ sở hữu đối với số tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa;
b) Đã xác định rõ bị hại, tổng thiệt hại và số tiền bị thiệt hại đối với từng bị hại;
c) Có văn bản đề nghị được trả lại số tiền bị thiệt hại của các bị hại hoặc đại diện của bị hại;
d) Có văn bản đề nghị trả lại số tiền bị thiệt hại của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu.
Việc chi trả tiền cho bị hại được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
a) Cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tài liệu để xác định căn cứ, điều kiện trả lại tiền cho bị hại và thông báo cho bị hại, bị can, bị cáo, người khác là chủ sở hữu số tiền để họ có văn bản đề nghị. Trường hợp vụ án có nhiều bị hại mà không thể thực hiện việc thông báo trực tiếp cho bị hại thì cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Tố tụng hình sự nêu rõ thời hạn gửi văn bản đề nghị trả tiền.
b) Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn theo thông báo, nếu có văn bản đề nghị, cơ quan tiến hành tố tụng tổ chức họp để thống nhất việc quyết định trả lại tiền cho bị hại. Cuộc họp phải được lập biên bản có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc cuộc họp, nếu thống nhất được thì người có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 7 Điều 3 Nghị quyết số 164/2024/QH15 ra quyết định trả lại tiền cho bị hại; trường hợp không thống nhất thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho người có văn bản đề nghị biết.
d) Quyết định trả lại tiền cho bị hại phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng, bản án, quyết định của Tòa án.