Phân tích cơ bản cực kỳ hữu dụng trong trường hợp chúng ta muốn đặt nhãn giá (price tag) lên một cổ phiếu. Bằng việc đánh giá mọi thứ từ khả năng sinh lời, gánh nặng trả nợ cho đến dòng tiền của doanh nghiệp, bạn có thể có tầm nhìn tốt về triển vọng của doanh nghiệp đó. Bằng việc nhìn vào bản định giá doanh nghiệp sử dụng các chỉ số quen thuộc như PE, bạn có thể phán đoán được mức giá mà các nhà đầu tư đang trả cho một cổ phiếu. Tất cả các thủ thuật trên đều có thể giúp bạn trong việc tìm kiếm cổ phiếu để giao dịch và một trong số đó, một trong các công cụ được yêu thích nhất của các nhà phân tích cơ bản là “Phân tích dòng tiền chiết khấu” hay DCF (Discounted Cash Flow Analysis). Thật vậy, ngay cả nhà đầu tư vĩ đại Warren Buffett cũng sử dụng nó để đặt nhãn giá lên các cổ phiếu riêng lẻ và nếu bạn có thể thực hiện một phân tích DCF, bạn đang dẫn trước cả nghìn dặm đường so với các nhà đầu tư chỉ đơn thuần là mua cổ phiếu và hy vọng nó sẽ tăng giá trong tương lai.
Hãy ngừng việc dự đoán giá trị của một doanh nghiệp!
Nếu bạn từng nhìn lũ trẻ con mẫu giáo chơi đùa, bạn sẽ sớm nhận ra một số đặc điểm tự nhiên (và không đáng yêu lắm) của con người. Lớp học được trang bị cả nghìn đồ chơi thuộc đủ thể loại nhưng nếu một đứa trẻ nào đó chọn một món để chơi, gần như chắc chắn rằng những đứa trẻ khác sẽ chú ý tới nó và quyết định chọn món đồ tương tự. Bản giao hưởng “nó là của tôi” xuất hiện.
Tâm thế này cũng thường xuất hiện trong thị trường chứng khoán. Có hàng nghìn cổ phiếu ngoài kia nhưng chỉ một số ít mã được chú ý trong khi các mã còn lại đều bị “bỏ rơi” . Những mã được chú ý, mà sau này sẽ trở thành cổ phiếu “must-own” thường là cổ phần của doanh nghiệp có vẻ như rất ổn. Nhà đầu tư mua chúng và đẩy giá của chúng lên cao ngất ngưởng, để lại cái đuôi cho các nhà đầu tư đi sau bám vào và mua theo. Vòng tuần hoàn tiếp tục cho đến khi thị giá của các mã này cao đến mức lố bịch, nhà đầu tư bắt đầu thất vọng và giá của chúng bị đầy xuống dưới mặt bùn trở lại.
Sẽ rất khó, nếu không muốn nói là không thể biết được khi nào một cổ phiếu bị đánh giá quá cao hay quá thấp. Ngay cả khi bạn có khả năng xác định một cổ phiếu đang bị định giá thấp, các nhà đầu tư khác cũng có thể làm điều tương tự. Họ mua chúng trước bạn và đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn, thị giá của nó lúc đó sẽ không còn “dưới giá trị thật” nữa. Tuy nhiên, đừng để những khó khăn này làm bạn chùn bước. Nếu bạn muốn vượt trội hơn các trader và nhà đầu tư khác, bạn cần phải biết phân tích dòng tiền chiết khấu của doanh nghiệp. Trước khi ABS giới thiệu đến bạn phương pháp định giá này, sẽ rất hữu ích nếu chúng ta bắt đầu xem xét cách thức giá trị một cổ phiếu được đo lường. Có 2 cách chính:
– Giá trị thị trường (market value): Giá trị thị trường của một khoản đầu tư là thứ hầu hết các nhà đầu tư đều chú ý tới ở giai đoạn đầu. Giá trị thị trường của cổ phiếu là mức giá mà các nhà đầu tư gán cho 1 doanh nghiệp. Trò chơi kéo co bền bỉ giữa người mua và người bán trên thị trường cổ phiếu đẩy thị giá của chúng biến động lên xuống. Cuối cùng, cổ phiếu sẽ ổn định ở mức giá mà nhu cầu mua bằng với nhu cầu bán (hay khả năng cung cấp) của nó. Giá trị thị trường được tính toán bằng cách nhân thị giá cổ phiếu với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Khi bạn xả một mã, cần lưu ý rằng có một nhà đầu tư khác đang mua nó từ bạn và họ nghĩ rằng chính cổ phiếu mà bạn đang phá giá sẽ được họ bán lại với mức giá tốt hơn trong tương lai. Có vẻ như họ đang biết điều gì đó , thứ mà bạn không biết?
– Giá trị nội tại (intrinsic value): Giá trị nội tại hay còn được gọi là giá trị cơ bản của một cổ phiếu thì không dựa trên những gì các nhà đầu tư khác nghĩ (về giá trị của cổ phiếu) như giá trị thị trường. Thay vào đó, nó được dựa trên các dữ liệu cơ bản của doanh nghiệp như lợi nhuận, dòng tiền, cổ tức…Nói cụ thể hơn, giá trị nội tại của cố phiếu được đánh giá dựa trên số lượng tiền doanh nghiệp dự kiến thu được trong suốt vòng đời của mình.
Cùng phân biệt sự khác nhau giữa giá trị thị trường và giá trị nội tại với ví dụ thú vị sau đây. Giả sử một nhà đầu tư đang bán đấu giá một con gà có khả năng đẻ ra một quả trứng vàng với giá trị 100 triệu đồng mỗi năm trong 10 năm. Một số người trả giá hàng chục tỷ đồng cho con gà này (giá trị thị trường) vì họ bị thu hút bởi công nghệ sinh học ẩn chứa bên trong nó. Cũng có thể họ nghĩ rằng sau khi mua con gà, họ có thể thay đổi nó và khiến nó đẻ ra nhiều hơn là 1 quả trứng vàng mỗi năm. Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá trị nội tại của con gà đơn giản chỉ là 1 tỷ đồng (chưa điều chỉnh lạm phát) vì giá trị của 10 quả trứng mà con gà dự kiến đẻ trong 10 năm là 100 triệu x10 = 1 tỷ đồng.
Giá trị nội tại hữu dụng như thế nào?
Một trong những cách tốt nhất để thành công trong đấu giá là biết mức giá bạn sẵn sàng trả trước khi tham gia trả giá. Nếu bạn từng tham gia cuộc chiến nảy lửa đề giành lấy một bộ sưu tập tiền cổ trên Ebay (ví dụ thế) , bạn nên biết giá trị thật của bộ sưu tập đó bằng cách tham vấn bảng hướng dẫn giá ở các bộ sưu tập tiền có cùng niên đại. Nếu không, bạn có thể sẽ bị mất trí bởi bộ sưu tập đó và trả một mức giá điên rồ cho nó. Sự thận trọng tương tự nên được áp dụng cho cổ phiếu. Thị trường cổ phiếu cũng giống như một phiên đấu giá lớn với lượng tiền góp khổng lồ. “Mua hoá đơn 1$ với mức giá 1,1$ không phải là thương vụ tốt” – Warren Buffett đã viết như thế trong bức thư gửi cổ đông năm 1999.
Nếu bạn biết cách xác định lượng tiền một doanh nghiệp dự kiến sản xuất ra trong cả vòng đời của nó, bạn chắc chắn biết gần chính xác giá trị cổ phiếu của doanh nghiệp đó và trả giá khi giá của nó thấp hơn hoặc bằng giá trị nội tại bạn tìm được. Trở lai với ví dụ về con gà đẻ trứng vàng ở trên, bạn sẽ muốn mua nó khi giá của nó nhỏ hơn hoặc bằng 1 tỷ đồng (vẫn bỏ qua lạm phát).
Warren Buffett rất nổi tiếng trong việc chú trọng đến giá trị nội tại của một cổ phiếu trước khi đầu tư vào nó. Triết lý đầu tư của ông rất kiên định, ông tìm kiếm các cổ phiếu, dù là vì bất cứ lý do nào, được giao dịch với giá bằng hoặc thấp hơn giá trị nội tại của chúng. Ông gọi đó là “biên độ an toàn” (margin of safety) của giá cổ phiếu – một khái niệm vô cùng quen thuộc đối với các nhà đầu tư giá trị. Với “biên độ an toàn” bạn sẽ rất thanh thản khi biết rằng bạn chỉ trả 90,000 đồng cho một công ty trị giá 100,000/cổ phiếu, ngay cả khi nó đang được giao dịch ở mức giá 80,000 đồng/cổ.