Chia sẻ:

KIẾM TIỀN TỪ PHÂN TÍCH CƠ BẢN – Phần 2: Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền để định giá cổ phiếu (Số thứ năm)

Nhìn vào công thức tính giá trị hiện tại (PV) ABS đã giới thiệu với các bạn trong số thứ 2 của phần 2 thuộc series Kiếm tiền từ phân tích cơ bản:

 

 

Chúng ta có thể thấy, để tính toán tổng giá trị hiện tại (NPV) các dòng tiền tương lai của doanh nghiệp thì r hay ở trong trường hợp này là discount rate (tỷ lệ chiết khấu) là một trong các đầu vào quan trọng nhất.

 

Trong số trước, chúng tôi đã chỉ ra 2 cách để tính toán tỷ lệ chiết khấu gồm (1) Nhận diện tín hiệu từ các nhà đầu tư trái phiếu và (2) Sử dụng mô hình định giá tài sản vốn (Capital Asset Pricing Model – CAPM). Trong số này, chúng ta cũng đi sâu tìm hiểu phương pháp thứ 2 – phương pháp phổ biến hơn và có độ chính xác cao hơn.

 

kiem-tien-tu-phan-tich-co-ban-CAPM

 

 

KIẾM TIỀN TỪ PHÂN TÍCH CƠ BẢN: Sử dụng Mô hình Định giá Tài sản Vốn (CAPM)

Bạn có thể không thích sử dụng lợi suất trái phiếu để ước tính tỷ lệ chiết khấu. Sau tất cả, nhà đầu tư trái phiếu chỉ phải chịu rất ít rủi ro, bởi vì họ được đảm bảo bằng một khoản lợi nhuận định kỳ và được ưu tiên hàng đầu đối với tài sản của công ty trong trường hợp công ty đó gặp các rắc rối như phá sản hay vỡ nợ.

 

Đó là lúc Mô hình Định giá Tài sản Vốn, hay CAPM, xuất hiện. CAPM, phát âm là “Cap-M”, quan trọng và phức tạp đến mức nó là tiêu đề của rất nhiều cuốn sách về tài chính. Nhưng chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những điều cơ bản trước. Công thức CAPM cho biết tỷ lệ chiết khấu của một công ty nên tương ứng với rủi ro mà các nhà đầu tư phải gánh chịu và lợi nhuận họ có thể nhận được khi không chịu bất kỳ rủi ro nào. Công thức tính như sau:

 

Tỷ lệ chiết khấu (theo CAPM) = Lãi suất phi rủi ro (Risk-free rate)  + (Lợi nhuận thị trường kỳ vọng – Lãi suất phi rủi ro) × Beta cổ phiếu

 

Đó là một công thức trông rất đáng sợ. Nhưng nó sẽ không tệ nếu bạn phân tích từng phần của nó:

Lãi suất phi rủi ro: Đây là lợi nhuận bạn nhận được khi đầu tư tiền với rất ít rủi ro. Thông thường, đây là lợi suất của trái phiếu Chính phủ đáo hạn sau 10 năm. Lãi suất này có sẵn trên hầu hết các trang web  về tài chính.

Lợi nhuận thị trường kỳ vọng: Đây là lợi nhuận mà các nhà đầu tư thường mong đợi khi đầu tư vào cổ phiếu. Các nhà đầu tư thường sử dụng mức lợi nhuận trung bình hàng năm dài hạn của thị trường chứng khoán là 10% như một kỳ vọng hợp lý cho thị trường trong tương lai.

 

Nếu bạn không thích sử dụng mức trung bình 10% nói trên, bạn có thể xem xét đo lường lợi nhuận thị trường kỳ vọng bằng cách cộng lợi tức cổ tức với lợi suất lợi nhuận (từ việc giá tăng) của toàn thị trường cổ phiếu.

Beta cổ phiếu: Một số cổ phiếu rủi ro hơn những cổ phiếu khác. Beta là một công cụ thống kê được sử dụng để định lượng mức độ biến động của một cổ phiếu so với mức chung của thị trường. Nếu beta của một cổ phiếu là 1, điều đó có nghĩa rủi ro của nó chính xác bằng rủi ro của toàn bộ thị trường. Khi beta của một cổ phiếu lớn hơn 1, cổ phiếu đó được coi là rủi ro hơn, hay biến động hơn so với thị trường. Khi beta của một cổ phiếu nhỏ hơn 1, nó được cho là ít biến động hơn thị trường.

 

Bạn có thể nhận được beta của cổ phiếu từ hầu hết các trang web tài chính. Ví dụ, sử dụng Vietstock (https://finance.vietstock.vn), nhập mã cổ phiếu vào ô tìm kiếm ở góc bên phải màn hình và nhấp vào tên công ty khi nó xuất hiện. Khi trang mới xuất hiện, cuộn xuống một chút. Bạn sẽ thấy beta của cổ phiếu ở giữa màn hình (bôi vàng trên ảnh minh hoạ). Ví dụ, vào tháng 10 năm 2023, VIC – Vingroup có beta là 1.55. Beta đó cho thấy cổ phiếu của công ty rủi ro hơn đáng kể so với thị trường chung. Một beta nhỏ hơn 1 có nghĩa là cổ phiếu ít biến động hơn so với Vn-INDEX. Tương tự, một beta lớn hơn 1 có nghĩa cổ phiếu biến động mạnh hơn so với VN-INDEX

 

 

 

Bạn vẫn theo kịp chứ? Chỉ cần thực hiện thêm một số phép tính đơn giản nữa thôi!

Một lần nữa chúng ta nhắc lại công thức CAPM là:

 

Tỷ lệ chiết khấu = Lãi suất phi rủi ro + (Lợi nhuận thị trường kỳ vọng – Lãi suất phi rủi ro) × Beta cổ phiếu

 

Giả sử lãi suất phi rủi ro là: 2.99%

Lợi nhuận thị trường dự kiến là: 10%

Beta của Vingroup là 1.55

 

Vậy, tỷ lệ chiết khấu của VIC như sau (lưu ý các tỷ lệ phần trăm được chuyển thành số thập phân trước khi đưa vào công thức):

 

0,1385 = 0.0299 + (0.1 – 0.0299) × 1.55

 

Nếu bạn nhân 0,1385 với 100, bạn có thể chuyển nó thành tỷ lệ phần trăm: 13,9%.

 

——

Huấn luyện viên đầu tư ABS

A-Education cung cấp kiến thức đầu tư từ cơ bản đến chuyên sâu, hỗ trợ các nhà đầu tư những thông tin đầu tư hiệu quả nhất. Xem thêm bộ tài liệu đầu tư này tại đây.

> Mở tài khoản chứng khoán và bắt đầu giao dịch ngay tại đây

 


CÔNG TY CỔ PHẦN CHỨNG KHOÁN AN BÌNH
📞Hotline: 1900 5454 96
– Youtube: https://bit.ly/ytb-abs