Chia sẻ:

KIẾM TIỀN TỪ PHÂN TÍCH CƠ BẢN – Phần 1: Mua vào hay bán ra? 

Số bài viết nói về tỷ suất cổ tức tuần trước đã khép lại series phân tích chỉ số tài chính kéo dài 14 số của ABS. Chúng tôi hy vọng rằng  series này đã phần nào đó giúp ích được cho các bạn trong lộ trình chinh phục bể kiến thức rộng lớn của phân tích đầu tư. Từ số này, ABS xin giới thiệu đến bạn một series bài viết hoàn toàn mới mang tên “Kiếm tiền từ phân tích cơ bản” với các nội dung chính sau: 

– Áp dụng các công cụ của phân tích cơ bản trong quản lý danh mục; 

– Tìm hiểu một số công cụ phân tích nâng cao như phân tích chiết khấu dòng tiền hay đào sâu các báo cáo thường niên của doanh nghiệp; 

– Giới thiệu các trường phái phân tích cơ bản được thực hiện bởi các nhà đầu tư chứng khoán nổi tiếng. 

Cùng bắt đầu nhé! 

Giới thiệu phần 1 

Sẽ thật tuyệt vời nếu các ấn phẩm và websites về tài chính đặt một dấu chấm đỏ cạnh các cổ phiếu sẽ giảm giá trong vòng 6 tháng tới và một dấu chấm xanh cho các cổ phiếu dự kiến sẽ tăng, đầu tư sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Thế nhưng, nếu là một nhà đầu tư, bạn đương nhiên biết rằng mọi chuyện không đơn giản như thế. Việc ra quyết định mua hay bán một cổ phiếu yêu cầu nhiều toan tính hơn với các nhà phân tích cơ bản. Có hàng tá, thậm chí là hàng trăm biến số liên quan đến quyết định quan trọng này của bạn, không chỉ là sức khoẻ kinh doanh hay lượng tiền mặt mang tính sinh tồn của doanh nghiệp mà còn cả việc giá cổ phiếu đó có đủ hấp dẫn hay không.  

Phân tích cơ bản không phải là quả cầu thuỷ tinh trong suốt giúp bạn biết trước tương lai như trong các tiểu thuyết viễn tưởng viết về thế giới phù thuỷ. Một cổ phiếu rẻ có thể trở nên rẻ hơn và một cổ phiếu đắt tiền có thể sẽ vút cao hơn nữa. Phần 1: “Mua vào hay bán ra?” nằm trong series “Kiếm tiền từ phân tích cơ bản” sẽ giúp bạn nắm được một số khía cạnh quan trọng của phân tích cơ bản (kèm ứng dụng) để bạn có thể tiếp cận với đầu tư theo cách thông minh hơn để ra quyết định : bán hay mua?  

Tìm kiếm tín hiệu mua theo phân tích cơ bản 

Khi tìm kiếm để sắm một thứ đắt tiền, ví dụ như xe hơi, chắc hẳn bạn sẽ đặt lên bàn cân nhiều tiêu chí trước khi ra quyết định: màu xe, độ tin cậy của động cơ, chất lượng nội thất và có lẽ quan trọng nhất là giá.  Điều tương tự diễn ra khi bạn “shopping” cổ phiếu, rất hiếm khi các nhân tố đơn lẻ loé lên tia tín hiệu về thời điểm thích hợp để đặt lệnh mua. Các nhà phân tích cơ bản thường tập trung vào một ít khía cạnh của cổ phiếu để xác định khoản đầu tư hấp dẫn, bao gồm:  

Sức mạnh bền vững: Bạn cần đảm bảo rằng doanh nghiệp có nguồn lực tài chính dồi dào để chống cự và vượt qua các giai đoạn kinh tế khó khăn 

Xu hướng đi lên của các yếu tố cơ bản: Bởi vì giá cổ phiếu, theo thời gian, tương quan với doanh thu và lợi nhuận của một công ty nên các chuyên gia phân tích cơ bản cố gắng xác định xu hướng cải thiện trong doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp để lọc được cổ phiếu tốt.  

Đội ngũ quản lý có kỹ năng: Một đội ngũ quản lý có kinh nghiệm điều hướng doanh nghiệp vượt qua các biến động trong kinh doanh có thể mang lại sự tự tin cho các nhà phân tích cơ bản về tương lai của doanh nghiệp đó. Một nhà quản lý tài năng có thể bảo vệ doanh nghiệp của anh ta khỏi các đối thủ cạnh tranh với một thương hiệu mạnh, một sản phẩm chất lượng cao, và một dịch vụ tốt.  

Định giá tốt: Ngay cả khi hoạt động không tốt thì cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn có thể là một khoản đầu tư tốt nếu tin xấu đã thực sự ảnh hưởng lên giá của cổ phiếu rồi. Các nhà phân tích cơ bản dành rất nhiều thời gian so sánh giá cổ phiếu hiện tại của doanh nghiệp với giá trị thực của nó được tính toán dựa trên các công cụ định giá như phương pháp tỷ số P/E hay mô hình chiết khấu dòng tiền (DCF). 

Thanh toán cổ tức đầy đủ: Khoản thanh toán tiền mặt có vẻ rất nhỏ này lại có thể nhanh chóng tổng hợp và trở thành yếu tố quan trọng đối với các nhà phân tích cơ bản. Họ cũng sử dụng các khoản cổ tức này như một cách để đo lường độ hấp dẫn của cổ phiếu.  

Chúng ta sẽ đi sâu tìm hiểu từng khía cạnh kể trên ở các số tiếp theo của series này. Mọi phân tích dự báo dù chuẩn mực đến đâu cũng có khả năng dẫn đến các quyết định sai lầm, bởi dự đoán giá cổ phiếu vẫn là một tượng đài mà chúng ta không bao giờ có thể với tới được. Vì vậy, trước khi kết thúc bài viết giới thiệu này, sẽ thật hữu ích để “phân tích cơ bản” cũng được đứng lên rũ bỏ trách nhiệm của mình với các nhà đầu tư : 

  1. Phân tích cơ bản không đảm bảo rằng bạn sẽ luôn luôn kiếm được tiền từ cổ phiếu bằng cách ra vào thị trường hợp lý.
  2. Bạn không phải là người duy nhất xem được báo cáo tài chính và hoạt động của doanh nghiệp. Một lượng lớn các quỹ đầu tư tín thác, quỹ tự bảo hiểm, nhà đầu tư chuyên nghiệp (có quy mô lớn) cũng có cùng dữ liệu cơ bản như bạn, thực hiện tổng hợp chúng với vô số các phân tích và tính toán. Nếu họ thấy cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp, họ lập tức hành động khiến giá cổ phiếu được đẩy lên cao hơn và một khi mà giá cố phiếu tăng lên, các nhà đầu tư khác sẽ đẩy chúng lên cao hơn nữa. 

Hai điều nói trên minh chứng cho việc các nhà đầu tư cố gắng mua/bán các cổ phiếu riêng lẻ ở đúng thời điểm thì lại thường không thành công. Đó là lý do tại sao với nhiều nhà đầu tư thì việc chỉ đơn giản mua tất cả các cổ phiếu có trong rổ chỉ số thị trường như VN30, VNIndex, thông qua một quỹ đầu tư chỉ số (index fund) lại là lựa chọn tốt hơn nhiều so với việc cố gắng canh thời điểm ra vào một cổ phiếu riêng lẻ. Ông vua của phân tích cơ bản Warren Buffett từng nói trong một bức thư gửi cổ đông năm 1996 rằng: “Hầu hết các nhà đầu tư, kể cả tổ chức hay cá nhân, sẽ đều nhận ra cách tốt nhất để sở hữu cổ phiếu phổ thông là sở hữu thông qua chứng chỉ của một quỹ đầu tư chỉ số. Ở đó, họ thu phí rất rẻ.”  

Và mặc cho các lời cảnh báo nói trên của chúng tôi, phân tích cơ bản vẫn là một công cụ cực kỳ tuyệt vời đối với các nhà đầu tư. Sẽ không có bất cứ tổn hại gì khi chúng ta hiểu cái cách mà một khoản đẩu tư đang được định giá hay nhận biết tín hiệu thị trường lạc quan quá mức về triển vọng tương lai của một cổ phiếu, đúng không nào?