Chia sẻ:

KIẾM TIỀN TỪ PHÂN TÍCH CƠ BẢN – Phần 1: Mua vào hay bán ra? (Số thứ 3)

Trong số bài viết trước, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu chi tiết dấu hiệu mua đầu tiên trong phân tích cơ bản đó là tìm kiếm cổ phiếu của các công ty sở hữu sức mạnh bền vững thông qua các yếu tố quan trọng như mức độ thanh khoản, gánh nặng trả nợ hay tính ổn định của dòng tiền. Ở số bài viết lần này, chúng ta cùng tìm hiểu thêm 2 dấu hiệu mua nữa: Xu hướng đi lên của các yếu tố cơ bản Đội ngũ quản lý tài năng. Cùng bắt đầu thôi!

Tìm kiếm công ty với yếu tố cơ bản có xu hướng đi lên

Nhiều nhà đầu tư khẳng định rằng họ muốn đầu tư vào cổ phiếu của các công ty tăng trưởng tốt, hoặc không thì chí ít cũng phải ổn định. Các công ty có doanh thu và lợi nhuận đang tăng trưởng rất dễ thu hút nhà đầu tư nếu thị giá của chúng không quá cao. Giả sử một công ty có EPS là 10,000 đồng, cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá 200,000 đồng/cổ, tức chỉ số PE bằng 20 – hơi cao so với phần còn lại của thị trường với PE chỉ tầm 18. Nếu lợi nhuận của công ty tăng trưởng 30% trong 1 năm tới và thị giá cổ phiếu vẫn là 200,000 đồng thì PE của nó giảm xuống còn 15, tức là nhỏ hơn so với mức chung của thị trường. Vì vậy, ở khía cạnh nào đó chúng ta nhận định cổ phiếu nói trên không hoàn toàn bị đánh giá quá cao mà thị trường đang xét đến cả yếu tố tăng trưởng của tổ chức phát hành trong việc định giá cổ phiếu. Các bạn có thể tìm kiếm về chỉ số PEG, được xác định bằng cách chia PE của cổ phiếu cho G – tốc độ tăng trưởng của EPS để xem cái giá của sự tăng trưởng của một công ty là bao nhiêu.

Phân tích cơ bản đặc biệt hữu dụng trong việc định vị các công ty có doanh thu và lợi nhuận đang có xu hướng tăng trưởng. Một số nhà đầu tư được gọi là nhà đầu tư thuận xu thế hay nhà đầu tư theo đà (momentum investors) thích đầu tư vào các công ty ở thời điểm chúng có tốc độ tăng trưởng ngày càng nhanh hơn. Các nhà đầu tư này đang đánh cược rằng họ có thể lựa chọn được các công ty có triển vọng tương lai tốt đẹp hơn nhiều so với hiện tại. Kể cả các nhà đầu tư giá trị (value invetors) – những người cố gắng mua cổ phiếu với mức giá rẻ hơn so với định giá cũng đang đánh cược vào việc doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn trong tương lai, và giá cổ phiếu hay khoản đầu tư của họ cũng theo đó mà dần dần phát triển.

 

 

Tìm kiếm các công ty có đội ngũ quản lý tài năng

Khi đầu tư vào cổ phiếu của một công ty, bạn không chỉ đang đầu tư vào thương hiệu, sản phẩm và tài sản của công ty đó. Bạn cần đảm bảo đội ngũ quản lý của công ty là những con người tài năng với đầy đủ kinh nghiệm, kiến thức để quản trị công ty hiệu quả và mang về kết quả đáng mong đợi. ROE (return on equity) hay suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu là phương pháp nhanh nhất và tốt nhất để kiểm tra xem một công ty có được quản trị hiệu quả hay không (xem lại số bai viết về chỉ số khả năng sinh lời).

ROA hay suất sinh lời trên tài sản cũng là một công cụ hữu ích trong phân tích cơ bản để chấm điểm đội ngũ quản lý của doanh nghiệp. Chỉ số này biểu thị khả năng sinh lời của doanh nghiệp từ toàn bộ tài sản mà nó quản lý mà không bị bóp méo bởi việc sử dụng nợ của doanh nghiệp đó. Nếu so sánh ROA của một doanh nghiệp với các đối thủ cùng ngành, bạn sẽ có cái nhìn khá toàn diện về độ hiệu quả trong việc sử dụng tiền của đội ngũ quản lý doanh nghiệp.

Các nhà phân tích cơ bản còn có thể đào sâu hơn thông tin về ban quản trị doanh nghiệp bằng cách mổ xẻ chỉ số ROA:

 

 

Đừng vội vàng bắt tay và quyết định đầu tư vào doanh nghiệp chỉ vì bạn thích ông CEO của doanh nghiệp đó. Hãy chấm điểm họ bằng cách sử dụng báo cáo tài chính được kiểm toán để phân tách ROA thành các thành phần dễ đánh giá hơn. Từ công thức (1) ở trên, hãy lựa chọn các công ty có đội ngũ quản lý đang:

Đẩy mạnh biên lợi nhuận ròng: Biên lợi nhuận ròng là một cấu thành quan trọng cho tương lai của doanh nghiệp. Tăng giá sản phẩm hay cắt giảm chi phí đều làm tăng biên lợi nhuận ròng của doanh nghiệp (hay bất cứ biên lợi nhuận nào khác, tuỳ vào công thức bạn sử dụng), từ đó làm tăng ROA của doanh nghiệp đó.

Tận dụng tối đa tài sản doanh nghiệp: Doanh thu thu được từ tài sản doanh nghiệp càng lớn, lợi nhuận doanh nghiệp càng nhiều. Việc không tận dụng tốt tài sản doanh nghiệp, hay nói cách khác “để tài sản nằm im” sẽ làm vòng quay tổng tài sản giảm đi, từ đó ROA của doanh nghiệp sẽ suy yếu dần.

Làm mọi thứ đồng thời: Kể cả một cải thiện nhỏ trong biên lợi nhuận (quản lý bán hàng, quản lý chi phí…) hay một cải tiến khiêm tốn trong  việc sử dụng tài sản có thể mang lại một hiệu quả to lớn cho ROA của doanh nghiệp. Công ty sở hữu người quản lý làm được đồng thời cả 2 việc một lúc chính là công ty phát hành cổ phiếu đáng để bạn cất nhắc đầu tư.