Chia sẻ:

KIẾM TIỀN TỪ PHÂN TÍCH CƠ BẢN – Phần 1: Mua vào hay bán ra? (Số thứ 2) 

Ở bài viết trước trong series “Kiếm tiền từ phân tích cơ bản”, ABS đã tóm tắt nội dung phần 1 (mua vào hay bán ra?) của series này, đồng thời giới thiệu sơ qua với các bạn về tín hiệu mua trong phân tích cơ bản, bao gồm các khía cạnh: Sức mạnh bền vững; Xu hướng đi lên của các yếu tố cơ bản; Đội ngũ quản lý có kỹ năng; Định giá tốt; và Thanh toán cổ tức đầy đủ.  

Trong số bài viết lần này, chúng ta cùng đi sâu tìm hiểu tín hiệu mua đầu tiên: Tìm kiếm các công ty có Sức mạnh bền vững. Cùng bắt đầu thôi! 

Tìm kiếm các công ty sở hữu sức mạnh bền vững 

Phải thừa nhận một điều rằng kinh tế thị trường rất khốc liệt, rất nhiều doanh nghiệp phá sản chỉ trong một thời gian ngắn sau khi các biến cố về kinh tế xảy ra. Do đó, nếu bạn dự định đầu tư vào cổ phiếu của 1 doanh nghiệp thì trước hết cần đảm bảo rằng doanh nghiệp đó có thể “sống sót” được, ít nhất là cho đến khi cổ phiếu được bán. Đầu tư vào một doanh nghiệp bền vững đem lại cho các nhà phân tích cơ bản can đảm để kiên nhẫn cả trong giai đoạn kinh tế suy sụp và cả khi giá cổ phiếu giảm xuống mức thảm hại, bởi vì dù sao thì họ cũng không mất trắng khoản đầu tư của mình và vẫn còn hy vọng cho tương lai nếu như doanh nghiệp còn hoạt động.  

Suy thoái là một phần tất yếu trong chu kỳ kinh tế, và chỉ trong giai đoạn này thì doanh nghiệp mới bộc lộ được sức mạnh bền vững thực sự của họ. Nhiều nhà đầu tư từ bỏ doanh nghiệp khi họ suy sụp, các sản phẩm chính không còn được ưa chuộng hoặc giá cổ phiếu giảm…Đó chính là cơ hội tuyệt vời cho bạn – một nhà đầu tư cơ bản. Nếu bạn bỏ thời gian ra để tìm kiếm các công ty đang suy sụp nhưng lại có năng lực phục hồi tốt, bạn đang đứng trước cơ hội mua được cổ phiếu của những công ty tốt với giá hời. Dưới đây là các yếu tố quan trọng cần xem xét để phân loại các doanh nghiệp như vậy:  

  • Thanh khoản:

Thanh khoản là yếu tố quan trọng đầu tiên khi bạn quyết định mua một cổ phiếu với mức giá rẻ. Bạn cần đặc biệt chú ý đến hệ số khả năng thanh toán hiện thời (current ratio), như chúng tôi đã giới thiệu trong series bài viết về phân tích chỉ số tài chính. Đây là một phép tính tốt để xác định xem doanh nghiệp có đủ khả năng (tiền mặt) để thanh toán các khoản nợ trong tương lai gần hay không (thường là 1 năm). Trong trường hợp công ty vỡ nợ, hoặc không đủ khả năng trả lãi cho chủ nợ , xác suất công ty bị tái cấu trúc hay bị giải thể sẽ tăng lên. Nếu điều đó xảy ra, với tư cách là một cổ đông của doanh nghiệp, bạn xếp hạng bét trong bữa tiệc thanh lý tài sản của doanh nghiệp đó, đứng sau trái chủ và lương của cán bộ công nhân viên. Đó là lý do khi bạn đầu tư vào một doanh nghiệp “nguy hiểm”, bạn phải tuyệt đối chắc chắn rằng bạn đã cẩn thận cân nhắc xem nó có đủ thanh khoản để đi tiếp hay không.  

  • Gánh nặng trả nợ thấp 

– Khi tìm kiếm cổ phiếu giá rẻ của các doanh nghiệp có khả năng sinh tồn tốt, hãy ưu tiên những doanh nghiệp có rất ít hoặc không có gánh nặng về nợ. Một doanh nghiệp không có các khoản phải trả khổng lồ có thể tập trung vào hoạt động kinh doanh của mình trước khi phải lo lắng về những chi phí lãi vay phiền toái. Hãy chú ý đến hai chỉ số: hệ số khả năng thanh toán lãi vay hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu để xác định xem liệu tổng nợ của một doanh nghiệp có đang hợp lý hay không; hệ số khả năng thanh toán lãi vay càng cao và hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng thấp thì doanh nghiệp càng có khả năng vượt qua được giai đoạn suy thoái của nền kinh tế.  

– Hạn chế của việc sử dụng nợ có thể dễ dàng được nhìn thấy và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009 là một ví dụ sinh động cho các hạn chế này. Nhiều doanh nghiệp vay mượn quá nhiều (đặc biệt là ngân hàng và các công ty chứng khoán) phải hứng chịu cuộc khủng hoảng theo hướng tồi tệ nhất khi thị trường tín dụng đột ngột chững lại trong khi chi phí nợ tăng vọt. Tuy nhiên, vẫn có những lợi ích của việc vay nợ khi nó cho phép công ty tạo ra lợi nhuận lớn hơn từ lượng vốn chủ sở hữu thấp hơn đầu tư vào doanh nghiệp, điều này là rất tốt đối với các cổ đông. Lợi thế này đặc biệt đúng ở giai đoạn lãi suất thị trường đặc biệt thấp như năm 2020, 2021…Lãi suất thấp khiến vay nợ trở thành một công cụ giá rẻ để huy động vốn và doanh nghiệp có thể tận dụng điều đó để dễ dàng đầu tư vào thứ khác có lợi nhuận cao hơn (>chi phí vay nợ phải bỏ ra).  

– Điều cuối cùng cần nhấn mạnh lại đó là một doanh nghiệp không có nợ không có nghĩa là nó sẽ không bao giờ đi vay nợ. Không có chỉ số đơn lẻ nào nói với bạn rằng có nên mua một cổ phiếu hay không, nhưng một công ty không có nợ thì ít nhất không phải lo lắng về chủ nợ, trái chủ và chi phí lãi vay.  

 

 

  • Dòng tiền ổn định:

Nếu một doanh nghiệp đang trong thời kỳ kinh doanh ổn định và nhu cầu về sản phẩm của doanh nghiệp đó tương đối đáng tin cậy thì khả năng cao là nó có thể sản xuất ra đủ dòng tiền để tháo gỡ nhiều nút thắt, thách thức mà nó phải đối mặt. Thật không may là rất nhiều doanh nghiệp với dòng tiền ổn định lại có xu hướng đi vay quá đà để gia tăng lợi nhuận của mình. Đống nợ này có thể là nỗi ám ảnh của doanh nghiệp nếu tình hình kinh doanh đột nhiên chậm lại. Các nhà phân tích cơ bản sẽ phải tìm kiếm các công ty vừa có dòng tiền ổn định, vừa có kỷ luật để tránh xa khỏi các khoản nợ dư thừa.  

 

Có một thủ thuật mà nhiều nhà phân tích cơ bản sử dụng để có tầm nhìn tương đối tốt về nền tảng tài chính của một doanh nghiệp, đó là so sánh giá thị trường của cổ phiếu với tỷ số tiền mặt/cổ phần của doanh nghiệp đó. Thỉnh thoảng cổ phiếu bị vùi dập không thương tiếc và tiền mặt trong ngân hàng của doanh nghiệp còn nhiều hơn giá trị thị trường của cổ phiếu doanh nghiệp đó. Điều này cũng giống như chúng ta được mua hoá đơn 1 triệu với giá chỉ 900 nghìn đồng. Các bước để so sánh giá cổ phiếu với tỷ số tiền mặt trên mỗi cổ phần: 

  1. Thu thập số liệu về “Tiền và các khoản tương đương tiền” của doanh nghiệp: Số liệu này nằm trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp.
  2. Chia số liệu lấy được ở bước 1 cho số lượng cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp: Bạn cũng có thể lấy thông tin về số lượng cổ phiếu đang lưu hành của doanh nghiệp ở thuyết minh báo cáo tài chính doanh nghiệp. Kết quả chính là tiền mặt trên mỗi cổ phần của doanh nghiệp. 
  3. Chia giá cổ phiếu của doanh nghiệp cho kết quả thu được ở bước 2. Nếu kết quả nhỏ hơn 1 thì lượng tiền mặt mà công ty có còn nhiều hơn giá trị của nó trên thị trường cổ phiếu. Đây là dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy cổ phiếu đang bị định giá thấp. 

Tuy nhiên, cũng đừng vội vã mua những cổ phiếu như thế ngay. Đôi khi do doanh nghiệp vay nợ quá nhiều đẩy lượng tiền mặt của doanh nghiệp lên cao hơn mức vốn chủ sở hữu, khoản tiền dồi dào đó không thực sự thuộc về công ty, mà thuộc về các chủ nợ của nó. Giá trị cổ phiếu cũng có thể giảm xuống dưới mức tiền mặt của doanh nghiệp nếu các nhà đầu tư lo sợ rằng ban quản lý sẽ phung phí tiền theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc hứng lên mua lại các công ty khác.