Chia sẻ:

Kịch bản đồng USD và thị trường chứng khoán Việt Nam

Từ đầu tháng 4 trở lại đây, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD với 6 rổ tiền tệ đã tăng 3,98% sau khi giữ xu hướng giảm liên tục từ mức đỉnh 102,95 điểm thiết lập cuối năm 2016.

 

Tại Báo cáo tháng 6 của Vinacapital, ông Micheal Kokalari, kinh tế gia trưởng của quỹ này, nhận định có 4 nguyên nhân chính hỗ trợ đà tăng của đồng USD thế giới trong thời gian qua.

 

Lý do đầu tiên là sự trở về của các công ty đa quốc gia của Mỹ nhờ chính sách cắt giảm thuế của Tổng thống D. Trump đã làm tăng chi phí vay USD ở London và Hồng Kông. Người vay nước ngoài vay nợ bằng USD cần mua USD để trả nợ, tránh chịu các khoản vay USD cao hơn. Giá trị đồng USD cũng tăng lên khi các nhà đầu cơ đã đặt cược vào việc USD giảm giá và đã sai khi thị trường diễn biến ngược lại.

 

Ngoài nguyên nhân nội tại, EU và Nhật Bản cũng giảm tốc độ tăng trưởng GDP. Tình hình chính trị mới tại Italy gây lo ngại việc khi chính phủ mới dân túy chống EU lên nắm quyền. Nếu chính trị của quốc gia lớn thứ ba khu vực đồng tiền chung châu Âu này xấu đi, đồng Euro có thể chịu áp lực bán mới.

 

Theo Vinacapital, tình hình chính trị tại Italy có thể đẩy chỉ số DXY lên mức 95 điểm, ngưỡng kháng cự quan trọng về mặt kỹ thuật.

 

Ngoài câu chuyện trên, tương lai của đồng USD đang phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm cả tăng lẫn giảm.

 

USD sẽ chịu áp lực tăng giá bởi việc giảm nguồn cung tại các thị trường tiền tệ toàn cầu, do chương trình thu hẹp bảng cân đối tài chính của Fed. Cùng đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng tiền USD và EUR hay JPY và đồng tiền của các thị trường mới nổi đang mở rộng. NHTW Trung Quốc gần đây cũng đã bất ngờ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nước này.

 

Trong khi đó, kỳ vọng về một đường cong lợi suất trở nên phẳng hơn (lãi suất ngắn hạn tăng trong khi lợi suất dài hạn giữ nguyên hoặc giảm xuống) là những yếu tố đẩy USD xuống thấp hơn. Ngoài ra, Mỹ cũng đang với đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách tăng và đồng USD đang được đánh giá là cao hơn 15% giá trị thực dựa trên sức mua tương đương. Cùng đó, việc Trung Quốc đang nỗ lực phối hợp để thay thế vai trò của đồng USD ở châu Á cũng trở thành yếu tố gây áp lực giảm giá đối với đồng tiền này.

 

Với các yếu tố theo cả hai chiều hướng này, phân tích của Vinacapital cho rằng khả năng giá trị của đồng đô la sẽ không tăng nhiều so với mức hiện tại.

 

Tiền đồng có thể chỉ mất giá từ 1-2% trong năm 2018

 

Trái với việc nhiều đồng tiền tại thị trường mới nổi mất giá đáng kể so với đồng USD, biến động tỷ giá USD/VND vẫn được Vinacapital đánh giá là “ổn định”.

 

USD tăng giá thời gian qua là một trong các nguyên nhân khiến các nhà đầu tư rút tiền khỏi phần lớn các quốc gia nhóm thị trường mới nổi.

 

Nguyên nhân bởi theo tính toán của Vinacapital khối nợ bằng USD trong các nước thị trường mới nổi đã tăng vọt trong thập kỷ qua (gần 4.000 tỷ USD). Vay nợ bằng USD trở nên “đắt đỏ” hơn khi USD tăng giá. Thứ hai, việc đồng nội tệ mất giá cũng khiến giá nhập khẩu tăng, qua đó đẩy lạm phát tại các quốc gia thâm hụt thương mại đáng kể cao hơn.

 

Một lý do khác cũng được chỉ ra là việc rút vốn của các nhà đầu tư kinh doanh chênh lệch tỷ giá. Dòng tiền “nóng” đổ vào các thị trường mới nổi chủ yếu để thực hiện các “giao dịch”. Có thể nhằm đạt được mức tăng vốn cao trong trung và dài hạn ở các nước tăng trưởng cao hoặc để đầu tư trong ngắn hạn vào các nước khá ổn định như Ấn Độ và Indonesia.

 

Vinacapital nhận định các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm lợi nhuận lâu dài ở Việt Nam, hơn là thông qua các giao dịch đầu cơ vốn là động lực chính cho dòng tiền “nóng” từ các nhà đầu tư cá nhân.

 

Theo quan điểm của quỹ đầu tư này, ba rủi ro từ việc USD tăng giá đối với thị trường tiền tệ không phải là mối quan tâm lớn đối với Việt Nam. Thặng dư thương mại của Việt Nam dự kiến vượt trên mức 2% GDP trong năm nay. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng từ 2,3 tháng giá trị nhập khẩu vào cuối năm 2016 đến hơn 3 tháng nhập khẩu hiện nay.

 

Vinacapital kỳ vọng NHNN sẽ giảm giá tiền đồng từ 1-2% vào năm 2018 để đáp ứng được cả hai mục tiêu vừa duy trì tỷ giá hối đoái đủ sự ổn định để khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài vừa cải thiện khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Quỹ đầu tư này còn đặt phép so sánh giữa chiến lược của NHNN hiện này với chính sách từ chối giảm giá nội tệ mà Trung Quốc sử dụng hồi năm 1997 trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.

 

Viễn cảnh nào cho thị trường chứng khoán Việt Nam?

 

USD mạnh lên là nguyên nhân khiến chỉ số MSCI-EM Index giảm mạnh. Vị kinh tế gia trưởng của Vinacapital nhận định TTCK Việt Nam với hệ số beta đo lường độ tương quan ở mức cao với diễn biến chỉ số trên là một trong các nguyên nhân khiến thị trường Việt Nam giảm mạnh.

 

Thời gian tới, biến động của đồng USD trong năm 2018 được Vinacapital vạch ra 3 kịch bản. Kịch bản đồng tiền này giảm giá xuống dưới mức 92 điểm là giả thiết dễ thở nhất với các thị trường mới nổi và Việt Nam. Tuy nhiên, Vinacapital nhận định đây là trường hợp có khả năng xảy ra thấp nhất. Một giả định khác là đồng USD sẽ tiếp tục tăng trở lại và vượt trên 96 điểm.

 

Việc rút vốn từ các thị trường mới nổi có thể đẩy nhanh bởi theo Vinacapital khi đó cơ hội đầu tư bên ngoài nước Mỹ đã trở nên cạn kiệt đáng kể, đưa Mỹ trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.

 

Kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn cả, theo Vinacapital, là chỉ sổ DXY giao dịch quanh khoảng 92 – 96 điểm. Giá trị của đồng đô la sẽ không tăng nhiều so với mức hiện tại.

 

Trường hợp này xảy nhiều khả năng là nhờ các chương trình QE của các ngân hàng trung ương Nhật Bản và EU vẫn tiếp tục. EU từng có kế hoạch chấm dứt chương trình QE trong năm nay nhưng sẽ khó thành hiện thực bởi tình hình chính trị tại Italy và triển vọng tăng trưởng xấu của khu vực này. Các thị trường mới nổi khi đó sẽ giữ xu hướng tăng chủ đạo (bull market) và thanh khoản tiếp tục dồi dào.

 

Ở kịch bản chỉ số DXY quanh mức 92-96, khác biệt với các thị trường mới nổi phụ thuộc vào các nhà đầu tư cá nhân và hướng đến các giao dịch ngắn hạn sẽ tăng tính hấp dẫn cho thị trường Việt Nam. Thị trường tiền tệ Việt Nam cũng ổn định khi so sánh với các nước có thâm hụt thương mại.

 

Vinacapital dự báo ở kịch bản này thị trường Việt Nam sẽ phục hồi và tăng 15% vào thời điểm cuối năm.

 

Còn nếu DXY đạt đến mức 100, Vinacapital lo ngại đấy sẽ là sự khởi đầu của vòng tròn luẩn quẩn khi người vay tại thị trường mới nổi có khoản nợ lớn bằng USD tăng mua USD để trả nợ cho các khoản nợ chưa trả trước đó. Điều đó sẽ đẩy giá trị của đồng đô la lên nhiều hơn, khiến cho việc mua đồng USD của “con nợ” càng thêm hoảng loạn, tương tự “khủng hoảng nợ Mỹ Latinh” vào đầu những năm 1980. Các ngân hàng trung ương của nhóm 5 nước lớn sau đó phải ký một thỏa ước tài chính “Plaza Accord” để can thiệp vào thị trường ngoại hối, đảo ngược sự tăng giá của đồng USD.

 

Chỉ còn chưa đầy vài tiếng đồng hồ nữa, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố quyết định sau cuộc họp chính sách bàn về lãi suất kéo dài hai ngày qua.

 

96,3% các thành viên thị trường, chuyên gia kinh tế tin vào khả năng Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm từ 1,75% lên 2%. Lộ trình nâng lãi suất cũng là điều mà giới đầu tư chờ đợi. Nền kinh tế Mỹ đang ghi nhận những tín hiệu tích cực như tỷ lệ thấp nghiệp đang ở mức gần thấp nhất kể từ năm 1969 (3,8%), doanh số bán lẻ trong tháng 5 ghi nhận sự leo dốc của hoạt động bán hàng, lạm phát tăng lên gần tới mức 2%.

 

Đi kèm xu hướng tăng lãi suất của Fed, đồng tiền quốc gia này đã giảm mạnh từ đỉnh hồi cuối năm 2016. Tuy nhiên, USD đã tăng giá hồi phục lại gần đây.

 

 

Diễn biến lãi suất cơ bản do FOMC quyết định