Chia sẻ:

Không phải lúc nào cũng đúng

Nhìn chung thị trường chưa hề xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm, mà ngược lại vẫn giữ đà tăng và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh.

Tháng 5 thường là tháng “vùng trũng” thông tin hỗ trợ chứng khoán. Lịch sử cũng ghi nhận, nhiều năm thời điểm này là giai đoạn thanh khoản thị trường “cạn” và giá khó lên. Chính vì vậy, đây là thời điểm của hiệu ứng “sell in May and go away”, nghĩa là bán chứng khoán vào tháng 5 và đi chơi. Cho nên, câu hỏi đặt ra với nhiều NĐT vào tháng 5 này là, thị trường sẽ ra sao?

Thống kê TTCK tháng 5 trong vòng 14 năm qua cho thấy, có tới 9 năm thị trường giảm điểm. Giải thích cho điều này, chuyên gia chứng khoán Hoàng Đình Kế nêu 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, tháng 5 thường là giai đoạn vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh khi các DN về cơ bản đã công bố kết quả kinh doanh vào tháng 4 trước đó; đồng thời các chỉ số vĩ mô quý I cũng đã lộ diện hoàn toàn. Thứ hai, hiệu ứng “sell in May” có thể sẽ tạo tâm lý thận trọng hơn cho NĐT.

Tuy nhiên, không phải tháng 5 nào cũng vậy, bởi dù xuất hiện nhịp điều chỉnh song vẫn có những năm thị trường tăng giá, chẳng hạn như tháng 5/2015 vừa qua là một ví dụ.

Vào năm ngoái, VN-Index điều chỉnh giảm trong những phiên đầu tháng, nhưng VN-Index chốt phiên cuối tháng 5 tăng lên được 7,16 điểm so với hồi đầu tháng; riêng HNX-Index tăng được 0,49 điểm. Kết quả đó là do ngoài nguồn vốn mạnh từ khối nội thì có “công” không nhỏ của các NĐT nước ngoài, khi khối này mua ròng lên tới gần 1.392 tỷ đồng trong giai đoạn đó.

Còn tháng 5/2016 này, thị trường sẽ tăng hay giảm là câu hỏi khó ngay cả với các chuyên gia nhiều năm theo dõi thị trường. Bởi câu trả lời đúng nhất phải chờ diễn biến thực tế.

Tuy nhiên, điểm đáng quan tâm là vào thời điểm này, nhìn chung thị trường chưa hề xuất hiện nhịp điều chỉnh giảm, mà ngược lại vẫn giữ đà tăng và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh. Đặc biệt hơn, trong khi một số nhận định tỏ ra lo ngại với mốc 600 điểm khó giữ vững thì VN-Index đã chính thức vượt qua “ngưỡng cản” trên ngay trong phiên ngày 5/5.

Ông Trần Minh Hoàng, chuyên gia đến từ Công ty TNHH Chứng khoán NHTMCP Ngoại thương Việt Nam cho hay, từ cuối tháng 4 vừa qua chúng tôi đã nhìn nhận ít nhất trong nửa đầu tháng 5 câu chuyện “bán chứng khoán và đi chơi” chưa xảy ra. “Có thể TTCK sẽ có sự điều chỉnh, bởi trên thực tế đã có chu kỳ tăng từ giữa tháng 4 và kéo dài đến nay. Điểm số VN-Index chạy từ 550 điểm lên đến 610 điểm. Chúng tôi kỳ vọng có thể điểm số sẽ lên khoảng 620 điểm, nhưng đến thời điểm này cũng khó tự tin là sẽ có bứt phá”, ông Hoàng cho biết.

Các chuyên gia chứng khoán khác thì cho rằng, đà tăng nếu có cũng rất khó vượt vùng đỉnh cũ 620 – 640 điểm, vì lực cản còn lớn từ động lực mới của nền kinh tế không rõ nét nhiều năm nay; các thông tin xấu tương đối nhiều. “Không có sự bứt phá nào từ cả chính sách kinh tế để vượt đỉnh cũ, còn khối ngoại thì ủng hộ khả năng đi tiếp một giai đoạn nữa và có thể tiệm cận vùng 620 – 640 điểm, sau đó sẽ có sự điều chỉnh. Nhưng dù sao TTCK tháng 5 năm nay cũng đã tốt hơn tháng 5 của mọi năm”, một chuyên gia nhận định.

Còn ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược đầu tư CTCP Chứng khoán Maritime (MSI) thì tin rằng, mốc mục tiêu của thị trường đối với nửa đầu năm 2016 phải ở vùng 610 – 615 điểm. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn còn một nhịp tăng lên vùng điểm nói trên và đây được coi là vùng siêu kháng cự đối với chứng khoán giai đoạn đầu năm.

“Giai đoạn này, các cổ phiếu cơ bản thuộc các nhóm ngành ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng… sẽ được quan tâm nhiều hơn. Các cổ phiếu bluechip của các ngành đó đang có đà hồi phục tốt, nhưng sẽ giảm nhiệt hơn khi VN-Index dao động quanh vùng 610 (+/- 5) điểm. Dòng tiền sẽ chuyển hướng phân hóa sang các cổ phiếu tầm trung, vừa, nhỏ và thậm chí lan tỏa sang các cổ phiếu đầu cơ”, ông Khánh nhận định.

Trong bối cảnh như thế, ông Trần Minh Hoàng cho rằng, khuyến nghị mua mới ngay có lẽ là hơi muộn. Cảm giác mua từng chắc chắn hơn vào thời gian cách đây khoảng 2 tuần, tức là hồi cuối tháng 4/2016, khi thị trường mới bứt phá khỏi 580 điểm – thời điểm tốt nhất và an toàn hơn thời điểm hiện tại. Tuy nhiên tại thời điểm này, NĐT vẫn có thể lưu ý đến 2 dòng cổ phiếu trụ cột và có tính dẫn dắt thị trường là nhóm ngân hàng và nhóm cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt.

 

Thái Hương

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.