Chia sẻ:

Khối ngoại sẽ trở lại mua ròng nhiều trong tháng 4

Theo thống kê, trong 3 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng hơn 11.080 tỷ đồng trên HSX và bán ròng 647 tỷ đồng trên HNX. Bất động sản, Dịch vụ tài chính và Ngân hàng là 3 nhóm ngành được mua ròng mạnh nhất. Trong đó, khối ngoại cũng tập trung rất nhiều vào các mã vốn hóa lớn như VIC, VRE, nhóm ngân hàng, SSI, HCM, BVH…vốn dĩ đã là “đầu tàu” của dẫn dắt chỉ số VN-Index trong thời gian vừa qua.

 

 

 Giao dịch khối ngoại từ đầu năm.

 

Nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu mua ròng trong tháng Một và chuyển sang bán ròng trong 2 tháng tiếp theo.

 

 

Mua/bán ròng phân loại theo nhóm ngành. Nguồn: VDSC  

 

Theo VDSC, nguyên nhân chủ yếu là những quan ngại về rủi ro hệ thống chung khi (1) Fed nâng lãi suất và (2) khả năng diễn ra chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, xu hướng bán ròng dần xen kẽ với những phiên mua ròng và những ngày cuối cùng của tháng Ba đang chứng kiến sự quay trở lại của dòng vốn ngoại.

 

VDSC cho rằng khối ngoại khả năng sẽ quay trở lại mua ròng nhiều trong tháng Tư khi lịch sử giao dịch cho thấy tháng Tư thị trường thường diễn biến rất tốt với động lực chính là báo cáo kết quả kinh doanh quý I và mùa họp ĐHĐCĐ của các doanh nghiệp niêm yết.

 

Xu hướng giao dịch của 2 quỹ ETF ngoại (Market Vectors Vietnam và FTSE Việt Nam) cũng đang ủng hộ quan điểm này. Các quỹ ETFs vốn rất nhạy với “rủi ro hệ thống”, VDSC nhận định.

 

Trong tháng Một, khi thị trường tăng cực kỳ mạnh mẽ và hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào, tần suất “bơm vốn” của 2 quỹ ETFs rất dày đặc. Nhưng 2 quỹ ETFs đã chuyển sang rút ròng liên tiếp và chỉ xen bằng vài phiên mua ròng hiếm hoi trong 2 tháng tiếp theo. Tuần cuối cùng của tháng Ba, dòng vốn ETFs cũng đã có dấu hiệu quay trở lại sau giai đoạn 2 tuần tạm nghỉ ngơi trước đó.

MAI HƯƠNG


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.