Chia sẻ:

HAG tăng kịch trần, thị trường hồi phục

Thị trường trong phiên sáng nay có sự hồi phục nhưng mức độ không quá mạnh, do nhóm vốn hóa lớn đã có sự phân hóa tương đối rõ nét, bên cạnh đó, mức độ tăng giá của nhiều cổ phiếu là không quá mạnh.

 

Cụ thể, cả hai chỉ số chính duy trì được sắc xanh nhẹ là nhờ lực đỡ đến từ các cổ phiếu như BVH, GAS, FPT, VJC, VPB, ROS… Trong đó, BVH tăng 2,3% lên 91.900 đồng/CP. ROS tăng kịch trần lên 73.300 đồng/CP. GAS cũng tăng 1,8% lên 98.200 đồng/CP.

 

Đà hồi phục của thị trường là chưa bền vững, nhiều cổ phiếu trụ cột khác vẫn còn chìm trong sắc đỏ như HDB, VNM, KDC, CTG, BID… mặc dù vậy, mức giảm của các cổ phiếu này đều không quá mạnh nên áp lực gây ra là chưa đủ để kéo hai chỉ số VN-Index và HNX-Index xuống dưới mốc tham chiếu. HDB bất ngờ giảm trở lại 1,4% xuống 42.900 đồng/CP. VNM giảm 0,5% xuống 184.000 đồng/CP.

 

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HAG vẫn vững vàng ở mức giá trần 5.150 đồng/CP và trắng bên bán, trong khi khối lượng khớp lệnh đạt 6,7 triệu cổ phiếu. HNG tăng 4,4% lên 8.710 đồng/CP.

 

Thanh khoản thị trường vẫn chỉ duy trì ở mức trung bình với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 104 triệu cổ phiếu, trị giá trên 2.500 tỷ đồng.

 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 3,42 điểm (0,33%) lên 1.029,88 điểm. Toàn sàn có 149 mã tăng, 115 mã giảm và 55 mã đứng giá.

 

HNX-Index tăng 0,2 điểm (0,16%) lên 122,7 điểm. Toàn sàn có 66 mã tăng, 61 mã giảm và 68 mã đứng giá.

Mở cửa phiên giao dịch cuối tuần, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự hồi phục tương đối tốt. Sắc xanh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục chiếm ưu thế hơn và điều này kéo cả hai chỉ số lên trên mốc tham chiếu. Cụ thể, các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí sau nhiều phiên lao dốc không phanh đã hồi phục đáng kể trở lại. Trong đó, GAS sau 4 phiên sàn liên tiếp đã tăng ,8% lên 99.200 đồng/CP. PVD tăng 2% lên 15.100 đồng/CP. PVS tăng 2,4% lên 17.300 đồng/CP.

 

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch tương đối tích cực. Các mã như VCB, TPB, CTG, EIB… đều nhích lên trên mốc tham chiếu. Việc nhóm ngân hàng hồi phục là điều khá dễ hiểu khi các cổ phiếu thuộc nhóm này đều đã lao dốc mạnh trong thời gian qua.

 

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, ROS, FPT… cũng đồng loạt tăng. Trong đó, ROS bất ngờ được kéo lên mức giá trần 73.300 đồng/CP. FPT tăng 1% lên 58.600 đồng/CP. HĐQT của FPT đã thông qua phương án chi trả cổ tức còn lại năm 2017 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (tương đương 1.500 đồng/cp). Thời gian thanh toán tại ngày 08/06. 28/05 là ngày chốt danh sách cổ đồng.

 

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi HAG và HNG bất ngờ bứt phá. HAG tăng trần lên 5.150 đồng/CP, còn HNG tăng 4,3% lên 8.700 đồng/CP. Từ ngày 8/5 đến 6/6, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) đăng ký mua 20 triệu cp, dự kiến nâng tỷ lệ nắm giữ từ 35% lên 37,17% vốn tương đương hơn 345 triệu cp.

 

Sau khoảng 40 phút giao dịch, VN-Index tăng 5,08 điểm (0,49%) lên 1.031,54. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 31,3 triệu cổ phiếu, trị giá 801 tỷ đồng.

 

HNX-Index tăng 0,54 điểm (0,44%) lên 123,15 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 9 triệu cổ phiếu, trị giá 126 tỷ đồng.

 

VCBS cho biết, tâm lý nghi ngại của nhà đầu tư nhìn chung vẫn đang chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là sau ba tuần giảm liên tiếp trước đó của chỉ số chung. Mặc dù vậy, sự hồi phục của nhiều cổ phiếu “trụ” trong phiên hôm nay vẫn là diễn biến đáng lưu ý bởi nếu dòng tiền vẫn tiếp tục duy trì trong một số phiên tiếp theo thì thị trường sẽ có một nhịp hồi phục sau chuỗi những tuần giảm điểm trước đó. Theo đó, nhà đầu tư ngắn hạn cần theo dõi kỹ diễn biến của dòng tiền nhằm ra các quyết định giao dịch và tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, trong khi nhà đầu tư dài hạn có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục trong những phiên sắp tới với trọng tâm là bảo toàn vốn và tích lũy các cổ phiếu tăng trưởng ở những vùng giá chiết khấu.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.