Chia sẻ:

[Góc nhìn môi giới] Ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu

Ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu (Consumer Discretionary) đang trong chu kỳ tăng trưởng mới.

 “Consumer, Consumer, Consumer” – Thạch SSI

Dù thị trường có biến động dữ dội (thực tế là nó chỉ xảy ra trên con số điện tử và tài khoản tiền mà thôi) thì với đất nước có dân số trẻ trung bình 30,1 tuổi so với Trung Quốc là 37,1 và Thailand là 37,2 (theo số liệu của BCG, CIA World Factbook) tiêu dùng vẫn là động lực chính thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia mới nổi. Các nhà đầu tư nước ngoài luôn chọn lựa ngành hàng tiêu dùng dựa trên: (i) số đông, trẻ (Physical); (ii) xu hướng Internet Vạn Vật (Internet of Things) và (iii) tăng trưởng thu nhập là điểm đến đầu tiên trong việc phân bổ vốn đầu tư.

 


 * IoT là mạng lướt kết nối Internet đến mọi ngóc ngách của cuộc sống từ các thiết bị trong ngôi nhà cho đến những giải pháp phức tạp trong các nhà máy, chip theo dõi sức khỏe gia súc hay đến xe tự hành… Các hãng điện tử khổng lồ trên thế giới như Apple, Samsung, Huawei, Xiaomi,…đều nỗ lực xây dựng hệ sinh thái của riêng mình để giữ khách hàng kết nối từ thiết bị di động, thiết bị đeo trên người (wearable), tivi, drone đến xe tự hành trên nền tảng đám mây điện tử (Icloud) thông qua đó để các hãng thứ 3 như Google, Facebook, Amazon tạo nên các giá trị gia tăng cho người dùng.

E-commerce (bán hàng online) được tiên đoán sẽ bùng nổ với tốc độ bình quân năm +50% CARG từ năm 2016 đến 2020 với mức tập trung giao dịch thành công thông qua mobile cao gấp nhiều lần so với thiết bị máy tính truyền thống.

 


 Cho vay tiêu dùng bùng nổ: Hai hãng cho vay tiêu dùng hoạt động tích cực nhất tại Việt Nam là Home Credit VN và FE Credit có mức tăng trưởng gấp đôi sau 2 năm hoạt động và tỷ lệ mua hàng trả góp tại chuỗi cửa hàng bán lẻ FPT Shop đã tăng từ mức 0% cuối năm 2012 lên 30% trong năm 2016 cho thấy sức mua của người dân đối với ngành hàng tiêu dùng là rất lớn.


 Những luận cứ trên dẫn đến ngành hàng tiêu dùng thiết yếu (Consumer Discretionary) đang trong chu kỳ tăng trưởng mới với hai lựa chọn dẫn đầu là MWG (Thế giới Di Động) và DGW (Thế Giới Số).

MWG (Mua – Giá mục tiêu 212.500) – Chuỗi bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ

MWG là chuỗi bán lẻ thiết bị di động, điện tử gia dụng lớn nhất Việt Nam nhờ xây dựng thành công chiến lược tập trung vào khách hàng và hệ thống quản lý ERP hiện đại cùng với văn hóa công ty độc đáo đã đưa công ty có độ tuổi thiếu niên 13 tuổi thành một trong 10 công ty tư nhân có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. MWG đang tiến công vào lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh có doanh số cả năm 60 tỷ USD khi triển khai thành công “giai đoạn 1 – Thử nghiệm” trong năm 2016 và bước vào “giai đoạn 2 – Xây dựng hệ thống cung ứng – tổng kho – nhân sự” trong năm nay và bước đến “giai đoạn bùng nổ” vào năm 2018.

MWG vừa công bố trình ĐHCĐ thông qua: cổ tức bằng tiền mặt 15%, tăng vốn bằng cách thưởng 1:1 cho cổ đông hiện hữu, để phục vụ cho chiến lược tăng trưởng của chuỗi Thế giới di động, Điện máy Xanh, Bách Hóa Xanh và kế hoạch mua bán sáp nhập với công ty cùng ngành hoặc khác ngành với mức đầu tư không quá 500 tỷ.

MWG đang giao dịch tại PE 2017 ước tính thận trọng 11,4 lần và PE 2018 9,3 lần với giá trị kỳ vọng PE 15x lần, MWG xứng đáng giao dịch tại mức giá mục tiêu 212.500đ/cp (+10%). Thị trường cũng sẽ ưa thích cổ phiếu này nhờ thông tin chia thưởng cổ phiếu và triển vọng tăng trưởng mạnh của thiết bị số và thị trường hàng tiêu dùng nhanh.

DGW (Mua – Giá mục tiêu 23.000) – Từ 0 đến 1 ( Zero to One – Peter Thie)

Những ai đã nghiền ngẫm Zero to One đều nhận ra thông tin rằng một công ty sẽ trở nên giá trị nhất khi tạo nên được một giá trị từ 0 đến 1 thay vì tạo ra 1’, 2’. Trên phương diện kinh doanh, vào thời điểm một công ty bắt đầu có lại những hợp đồng công việc (tốt nhất là hợp đồng độc quyền) với các Khổng Tượng tức là chính nó đã tạo nên giá trị lại cho chính cổ đông.

Nhìn lại quá khứ, DGW từ rất thành công với Nokia nhờ hợp đồng phân phối cho thương hiệu khổng lồ này nhưng rồi thay đổi từ chính phía Nokia bị mua lại bởi Microsoft và phát triển theo hướng phần mềm, DGW đã mất đi hơn 50% doanh thu. DGW tự mình hoàn thiện và cấu trúc mình lại sau gần 2 năm với 5 định hướng mới

– Phân tích thị trường

– Triển khai Marketing

– Kho bãi, Hậu Cần

– Phân phối, quản lý tài chính

– Dịch vụ hậu mãi.

 


Công ty này lần lượt dành được các Hợp đồng độc quyền với Obi, Freetel, Intex và gần nhất là Xiaomi, hãng điện tử được xếp hạng thứ 35 Công ty sáng tạo nhất thế giới 2016 do The Boston Consulting Group bình chọn.


 Xiaomi (MI- mệnh danh là Apple của Trung Quốc) là hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 5 trên thế giới sau Samsung, Apple, Huawei, Oppo với chiến lược tập trung vào người dùng dựa trên hệ sinh thái đa dạng của hãng này. MI đã chính thức bước vào Việt Nam từ 15/3 với các sản phẩm “chất lượng cao nhất với chi phí thấp” bằng cách hợp tác độc quyền với DGW trong việc triển khai chuỗi giá trị từ thị trường đến bước cuối cùng là hậu mãi.

Thị trường vận động trên kỳ vọng tương lai thay vì số liệu quá khứ nên tại thời điểm này, DGW đang được ưa thích trở lại vì công ty này đã tự hoàn thiện mình sau thời gian khó khăn và liên tục dành được các hợp đồng mới với các hãng điện thoại lớn của thế giới.

DGW đang giao dịch tại P/E 4 quý gần nhất là 10,3 lần nhưng đây gần như chỉ là số liệu quá khứ và điều cần hơn hết là quan sát ước tính kết quả kinh doanh năm nay vào Đại hội cổ đông sắp tới.

 

Nguyễn Ngọc Thạch

Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân 6 CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI

 

Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.