Chia sẻ:

Bản tin Toàn cảnh Thị trường tiền tệ – Gánh nặng của lãi suất cao

toan-canh-thi-truong-tien-te-ganh-nang-lai-suat-cao

FED giữ quan điểm cứng rắn trong việc tiếp tục tăng và tăng mạnh lãi suất. Tuy nhiên, tin tức về một trong những ngân hàng lớn nhất thung lũng Silicon tuyên bố phá sản vào cuối tuần qua đã làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu, thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư và đặt ra một bài toán mới cần giải quyết cho FED.

 

ĐIỂM TIN KINH TẾ – TÀI CHÍNH

1. Tin Quốc tế

Thông điệp tăng lãi suất tiếp tục được củng cố bởi FED

Trong buổi điều trần ngày 7/3, Chủ tịch Fed chỉ ra rằng hầu như không có dấu hiệu hạ nhiệt của lạm phát nào ở những nhóm hàng hoá và dịch vụ quan trọng khác, ngoài các nhóm nhà ở, thực phẩm và năng lượng. Điều này trái ngược với nhận định hồi đầu tháng 2. Do đó, lãi suất có thể phải tăng lên mức cao hơn so với những gì mà các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng trước đó. Tuy nhiên, với sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank bị giới chức yêu cầu ngừng hoạt động và số liệu thất nghiệp, giới đầu tư đang lo ngại rằng việc tiếp tục tăng lãi suất của FED sẽ gia tăng những lỗ hổng trong hệ thống tài chính.

Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) có thể tiếp tục tăng lãi suất

Ngày 8/3, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cam kết “làm bất cứ điều gì cần thiết” để hạ nhiệt lạm phát và khôi phục sự ổn định giá cả. Do đó, nhiều khả năng ECB sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Tuy nhiên, giới nhà đầu tư dự báo mức tăng lãi suất cao hơn do lạm phát vẫn ở mức cao.

Ngân hàng trung ương Australia (RBA) tăng lãi suất lần thứ 10

Ngày 7/3, Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương, RBA) đã công bố quyết định tăng lãi suất thêm 0.25 điểm phần trăm, từ 3.35% lên 3.6%. Đợt tăng lãi suất lần này cũng thể hiện chu kỳ tăng lãi suất nhanh nhất của RBA kể từ năm 1980.

2. Tin trong nước

Chính phủ ban hành Nghị định 08 ngày 5/3/2023 tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.

Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung, ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Nội dung Nghị định là căn cứ pháp lý để doanh nghiệp phát hành thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư về việc thanh toán gốc lãi bằng tài sản bảo đảm khác trên cơ sở tự nguyện. Đây cũng là cơ sở để doanh nghiệp tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế của xã hội.

NHNN triển khai công tác quản lý về hoạt động ngoại hối.

Ngày 9/3, NHNN chi nhánh TP.HCM có văn bản gửi UBND các quận huyện và thành phố về việc phối hợp trong công tác quản lý về hoạt động ngoại hối. Các cơ quan sẽ phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vàng, nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý kịp thời những hành vi mua bán ngoại tệ, sử dụng ngoại tệ trái phép. Nhằm chấm dứt tình trạng mua bán ngoại tệ tự do trái quy định pháp luật, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng sẽ phối hợp với chính quyền quận, huyện và thành phố thông tin về các chính sách mua bán ngoại tệ và sử dụng ngoại tệ đến tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

1. Thị trường tiền tệ liên ngân hàng

Lãi suất VND: Lãi suất giảm nhẹ ở tất cả kỳ hạn. Chốt ngày 10/3, lãi suất VND liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 6.20% (-0.08%); 1 tuần 6.42% (-0.08%); 2 tuần 6.63% (-0.09%); 1 tháng 7.1% (-0.05%) so với phiên ngày 03/03.

Lãi suất USD: Biến động nhỏ qua các phiên. Phiên cuối tuần ngày 10/3. lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4.48% (+0.02%); 1 tuần 4.62% (+0.01%); 2 tuần 4.70% (-0.01%) và 1 tháng 4.85% (-0.01%) so với ngày 03/03.

Thời hạn

Kết tuần 4 tháng 2 (24/2/23) Kết tuần 1 tháng 3 (3/3/23) Kết tuần 2 tháng 3 (10/3/23) Biến động so với tuần gần nhất

Qua đêm

6.02 6.28 6.2 -0.08

1 tuần

6.33 6.5 6.42

-0.08

2 tuần 6.55 6.72 6.63

-0.09

1 tháng 6.97 7.15 7.1

-0.05

 

Bảng: Lãi suất bình quân thị trường liên ngân hàng

Nguồn: Website Ngân hàng Nhà Nước

 

Dự báo thị trường tiền tệ

  • Thị trường ngoại hối Việt Nam tiếp tục chịu thêm áp lực từ FED. Công cụ mà NHNN ưu tiên để chống lạm phát và điều chỉnh tỷ giá là giá lãi suất. Trong bối cảnh hiện tại, NHNN đang khá thận trọng với vấn đề lạm phát, mức giảm lãi suất nhanh hay chậm phụ thuộc vào diễn biến lạm phát thực tế trong các quý tiếp theo. Ngoài ra, sau một năm bán ra USD để ổn định thị trường, NHNN có xu hướng dự trữ ngoại hối ở trở lại. Do đó, lãi suất vẫn phải được giữ ở mức hấp dẫn để thuận lợi cho việc hút ngoại tệ nhưng đồng thời cũng cân bằng với việc khôi phục kinh tế.
  • Mặt bằng lãi suất trong nước hiện đã giảm kể từ mức cao của tháng 1, tuy nhiên giới phân tích nhận định mức giảm của lãi suất sẽ chậm lại trong 2-3 tháng tới cho đến khi áp lực tỷ giá giảm bớt.

 

2. Thị trường Trái phiếu chính phủ

Trên thị trường sơ cấp:  Ngày 08/03, KBNN huy thành công 1,775 tỷ đồng (tỷ lệ trúng thầu đạt 22%). Trong đó, kỳ hạn 10 năm không huy động thành công; kỳ hạn 5 và 15 năm lần lượt là 87% và 25%. Lãi suất trúng thầu hai kỳ hạn 5 năm và 15 năm lần lượt tại 3.7%/năm và 4.36%/năm (lần lượt tăng 0.02% và 0.04% so với phiên trước).

Trên thị trường thứ cấp: Giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp tuần qua qua đạt trung bình 5,128 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 4,438 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ biến giảm nhẹ ở một số kỳ hạn. Chốt phiên 10/3, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 3.81%; 2 năm 3.82%; 3 năm 3.84%; 5 năm 3.87%; 7 năm 3.98% (-0.01%); 10 năm 4.32% (-0.11%); 15 năm 4.44% (-0.13%); 30 năm 4.93% (+0.02%).

Kỳ hạn

Lãi suất trúng thầu TPCP ngày 08/03 (KBNN) Biến động so với phiên gọi thầu gần nhất

5 năm

3.7%

+0.02%

15 năm 4.36%

+0.04%

 

Kỳ hạn

Khối lượng gọi thầu KBNN ngày 15/03 (tỷ VND)

5 năm

500

7 năm

500

10 năm

3,000

15 năm

3,000

 

Bảng: Kết quả trúng thầu và khối lượng gọi thầu trên thị trường sơ cấp

 

Dự báo thị trường TPCP

  • Lãi suất đấu thầu trái phiếu Chính phủ tăng nhẹ, với giá trị trúng thầu tiếp tục duy trì ở mức thấp, giá trị giảm so với phiên huy động trước đó.
  • Thị trường thứ cấp được dự báo tiếp tục diễn biến giằng co với tình hình thế giới có nhiều biến động và thị trường tài chính trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, các bên tham gia giao dịch với tâm lý thăm dò và thận trọng quan sát.

3. Thị trường mở

Thị trường mở tuần từ 6/3-10/3, NHNN chào thầu 28,000 tỷ đồng trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày; có 22,244.36 tỷ đồng trúng thầu với lãi suất 6%; có 24,384.18 tỷ đồng đáo hạn. NHNN chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 7 ngày và 91 ngày; có 83,599.80 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu ở kỳ hạn 7 ngày; có 16,900 tỷ đồng trúng thầu kỳ hạn 91 ngày; đều với lãi suất 60%; có 73,379.6 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn.

Như vậy, NHNN hút ròng 29,260.02 tỷ đồng từ thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 34,239.39 tỷ đồng, tín phiếu NHNN ở mức 194,299.6 tỷ đồng.

4. Thị trường ngoại hối

Trong tuần qua, tỷ giá có biến động giảm

  • Tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng giảm trong biên độ hẹp trong tuần vừa qua. Chốt ngày 10/3, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23,680 VND/USD, tăng 43 đồng so với cuối tuần trước đó.
  • Tỷ giá LNH giảm 40 đồng so với cuối tuần trước đó. Phiên cuối tuần 10/3, tỷ giá LNH đóng cửa tại 23,680 VND/USD.
  • Tỷ giá trên thị trường tự do giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào chiều bán ra so với tuần trước đó. Chốt phiên 10/3, tỷ giá tự do chiều mua vào giao dịch tại 23,715 VND/USD và 23,765 VND/USD ở chiều bán ra.

 

Tỷ giá ngày 06/03/2023 Tỷ giá ngày 13/03/2023

Ngoại tệ

Mua Bán Mua Bán Thay đổi

USD

23,450 24,780 23,450 24,780

EUR

23,880 26,394 23,988 26,513 +119

JPY

165 183 167 185

+2

GBP 27,024 29,868 27,111 29,965

+97

CHF 23,981 26,505 24,425 26,996

+491

AUD 15,171 16,768 14,851 16,415

-353

CAD 16,504 18,241 16,320 18,038

-203

 

Bảng: Tỷ giá giao dịch tham khảo tại Sở giao dịch NHNN

Nguồn: Website NHNN

 

Dự báo thị trường ngoại hối

  • Ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết: Mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp hiện nay vẫn được đáp ứng theo hai kênh: các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối. Theo đó, vào ngày 9/3, NHNN chi nhánh TP.HCM đã có văn bản cụ thể cùng với chính quyền địa bàn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn ngừa các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép, trục lợi bất chính.
  • Tuy nhiên, tình hình trên thế giới chưa có tín hiệu khởi sắc: nền kinh tế Trung Quốc chưa phục hồi như kỳ vọng, chủ tịch FED cảnh báo rằng sẽ tiếp tục tăng lãi suất nhiều hơn mức kỳ vọng của thị trường, các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục tăng lãi suất, … Những yếu tố này phần nào tác động xấu tới thị trường ngoại hối châu Á, trong đó có Việt Nam. Đồng đô có thể tiếp tục tăng trong bối cảnh hiện nay.
  • Một sự kiện đáng chú ý là sự đổ vỡ của hàng loạt các ngân hàng tại Mỹ trong tuần qua đã ảnh ảnh hưởng lớn đến tâm lý NĐT trên thị trường và nền kinh tế, thị trường đang dồn toàn bộ sự chú ý vào cuộc họp sắp diễn ra trong tuần tới của FED.

 

Quyền miễn trừ trách nhiệm:

Tất cả những thông tin nêu trong báo cáo phân tích đều đã được thu thập, đánh giá với mức cẩn trọng tối đa có thể. Tuy nhiên, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan từ các nguồn thông tin công bố, nhóm thực hiện báo cáo là Phòng Nguồn vốn và Đầu tư – Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình – không đảm bảo về tính xác thực của các thông tin được đề cập trong báo cáo phân tích cũng như không có nghĩa vụ phải cập nhật những thông tin trong báo cáo sau thời điểm báo cáo này được phát hành.