Chia sẻ:

Đầu tư nhóm ngành nào trong tháng 6/2017?

CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố Báo cáo chiến lược tháng 6/2017, trong đó, VDSC cho rằng bây giờ là thời điểm để các nhà đầu tư tái cơ cấu lại danh mục đầu tư, sàng lọc các doanh nghiệp có nền tảng hoạt động kinh doanh tốt và có nhiều triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, hoặc có thể hưởng lợi từ định hướng điều hành mới của Chính phủ.

 

Ngành thép – tôn mạ màu

 

Nối tiếp thuế tự vệ thép dài, phôi thép (tháng 3/2016), việc áp dụng thuế tự vệ tôn mạ màu được coi như một mảnh ghép rất quan trọng trong “tấm chắn” cho ngành thép nội địa trước tình trạng dư cung, phá giá thép ồ ạt ở thị trường thép thế giới. Tuy nhiên, do mức thuế không cao như thị trường mong đợi nên VDSC cho rằng biện pháp tự vệ này sẽ đóng vai trò là tin tức hỗ trợ cho các mã về tôn mạ màu trong ngắn hạn. Về dài hạn, VDSC cho rằng tăng trưởng trong KQKD vẫn sẽ chủ yếu dựa vào việc đầu tư mở rộng công suất chứ không phải hưởng lợi từ giá thép nguyên liệu hay các biện pháp bảo hộ thương mại.

 

Hai doanh nghiệp niêm yết ngành tôn mạ tiêu biểu là HSG và NKG sẽ hưởng lợi trực tiếp từ quyết định này của Bộ Công Thương.

 

RongViet Research ước tính tôn mạ chiếm hơn 25% trong cơ cấu doanh thu của HSG (năm 2015 – 2016) và cũng đóng góp tới 14% trong doanh thu của NKG năm 2016. Một ứng viên nữa trong mảng tôn màu là Tôn Đông Á dự kiến sẽ niêm yết vào cuối năm nay. Doanh nghiệp này cũng là nhà sản xuất tôn mạ lớn thứ 3 trong nước và đang mở rộng công suất mạnh mẽ với nhà máy mới đang trong quá trình xây dựng. Cơ cấu sản phẩm của Tôn Đông Á tập trung vào tôn mạ chất lượng cao ở phân khúc khác với các nhà sản xuất thép tấm khác.

 

Ngành ngân hàng

 

Hiện tại, VDSC nhận thấy vẫn còn một số động lực tăng trưởng ở nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Cụ thể, trong năm tháng đầu năm 2017, tăng trưởng tín dụng đạt 6,53% (tính tới ngày 25/05) và là mức tăng mạnh nhất trong những năm gần đây. Hơn nữa, với chỉ thị điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm vừa được ban hành, tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2017 có thể sẽ lớn hơn rất nhiều mục tiêu 18% đặt ra từ đầu năm. Đáng lưu ý là tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng niêm yết như ACB hay VCB đã đạt 30 – 50% ngưỡng trần tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2017. Vì vậy, VDSC kỳ vọng rằng những ngân hàng này sẽ được cho phép nâng mức trần tăng trưởng tín dụng trong năm nay. Rõ ràng tăng trưởng tín dụng cao hơn cũng đồng nghĩa với việc thu nhập từ lãi vay sẽ tăng lên.

 

Về tiến độ giải quyết nợ xấu, hành lang pháp lý cũng đang từng bước được hoàn thiện. Trong tháng 5/2017, Quốc hội cũng đã họp bàn về dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu. VDSC kỳ vọng rằng Nghị quyết sẽ sớm được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/07/2017. Hơn nữa, ngay từ đầu tháng Sáu, thông tư 53/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực thi Nghị định 69/2016/NĐ- CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ cũng đã được ban hành. VDSC cho rằng mặc dù tỷ lệ thu hồi nợ xấu sẽ khó có bước tiến lớn trước năm 2018, quá trình hoàn thiện các quy định pháp lý sẽ mang lại tín hiệu tích cực về triển vọng giải quyết vấn đề này.

 

Trong số các ngân hàng, VCB vẫn luôn được định giá ở mức cao nhờ vị thế trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, uy tín thương hiệu, mạng lưới hoạt động cũng như chất lượng tài sản. Đối với MBB, nhờ việc ngân hàng này đã giải quyết được vấn đề tăng trưởng thông qua việc mở rộng mảng cho vay tiêu dùng và bảo hiểm, VDSC nâng định giá của MBB lên. Bên cạnh đó, VDSC cho rằng mức giá hiện tại của ACB là hợp lý. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng tỷ lệ thu hồi nợ xấu của ACB hiện này đang tốt hơn so với tình hình chung của ngành. Vì vậy, ở một số thời điểm nhất định, thị trường có thể phản ứng quá mức với thông tin này và đó sẽ là cơ hội để nhà đầu tư chốt lời.

 

Doanh nghiệp thủy điện

 

Triển vọng của các doanh nghiệp thủy điện trong quý II/2017 cũng tích cực nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi tiếp tục duy trì ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ với lượng mưa cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 10 – 30%. Trong khi đó, việc miền Bắc và miền Trung đang trải qua những đợt nắng nóng cao điểm trong tháng Năm và tháng Sáu cũng khiến cho giá điện thị trường liên tục giữ ở mức cao trong quý II/2017. Diễn biến thuận lợi này sẽ giúp lợi nhuận của các doanh nghiệp thủy điện tiếp tục cải thiện đáng kể.

 

Ngoài ra, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời vừa cũng được Thủ tướng chính phủ ban hành trong đó có quy định mua điện mặt trời với giá 9,35 US cent/kWh (cao hơn cả giá bán lẻ điện của EVN).

 

Cùng với xu hướng ngày càng giảm trong chi phí đầu tư của các dự án điện mặt trời, VDSC cho rằng các dự án điện mặt trời hiện nay đang có suất sinh lợi rất tốt. Trong việc phát triển điện mặt trời, VDSC đánh giá cao SHP và CHP về triển vọng mở rộng công suất sản xuất điện thông qua những dự án cụ thể đang được triển khai khá thuận lợi.

 

Bên cạnh đó, REE cũng là cái tên sáng giá với danh mục đầu tư vào mảng tiện ích công cộng chiếm tỷ trọng tương đối lớn.

 

Nhóm xây dựng, tiêu dùng và các ngành liên quan tới đầu tư hạ tầng

 

VDSC tiếp tục giữ quan điểm tích cực đối với các lĩnh vực xây dựng, tiêu dùng và các ngành liên quan tới đầu tư hạ tầng. Các nhà phát triển khu công nghiệp sẽ nằm trong nhóm được hưởng lợi đầu tiên từ xu hướng tăng lên của dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam.

 

Với việc quỹ đất ở các đô thị loại 1 đang ngày càng hạn hẹp, các đô thị loại 2 như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh ở miền Bắc hay Bình Dương, Đồng Nai ở miền Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn cho các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất nhờ giá cả cạnh tranh, địa thế ở gần những khu vực thương mại phát triển và một số trường hợp còn nằm gần vùng nguyên liệu đầu vào.

 

Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp đầu tư cảng biển sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ về KQKD trong bối cảnh lượng hàng hóa thông quan tăng trưởng tích cực (10-12% mỗi năm). Sự phục hồi của xuất khẩu hàng may mặc và thủy sản trong 5 tháng đầu năm dường như không giúp các doanh nghiệp ngành cảng lấy lại lấy lại đà tăng trưởng. Điều này khiến cho giá cổ phiếu không có xu hướng biến động rõ ràng. Làn sóng mở rộng quy mô của các doanh nghiệp ngành cảng ở Hải Phòng gần đây cũng gây ra quan ngại về dư cung trong ngắn hạn nếu lượng hàng thông quan tăng trưởng chậm lại. Mức độ cạnh tranh trong 3 quý đầu năm nay sẽ chưa gay gắt, giúp cải thiện KQKD của các cảng ở Hải Phòng. Tới cuối năm 2017, khi cảng Nam Hải Đình Vũ (công suất 600 ngàn TEU/năm) đi vào hoạt động, dự kiến độ cạnh tranh sẽ lại tăng lên.

 

Bình An

 


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.