Chia sẻ:

Đã đến lúc lập sàn vàng quốc gia?

Gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin được nêu trong báo cáo kiến nghị của ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam – gửi Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng về việc hiện nay người dân đang găm giữ lượng vàng lên tới 500 tấn. Đáng chú ý, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề xuất NHNN nên sớm thành lập sở giao dịch vàng quốc gia, phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân.

Cần đúng thời điểm

Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 15.5, ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN – cho biết: “Đề án lập sàn vàng quốc gia nằm trong kế hoạch chiến lược quản lý của Vụ Quản lý ngoại hối. Tuy nhiên, chúng tôi phải triển khai đề án theo từng bước, từng giai đoạn. Điều quan trọng nhất là phải đúng thời điểm khi hội tụ đủ điều kiện cần và đủ”. Vậy lúc nào mới là thời điểm cần và đủ để lập sàn vàng quốc gia? Ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: “Hiện nay, Thông tư 22 của Bộ KHCN quy định về “quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường” chưa thực sự đi vào cuộc sống. Hiện việc quản lý đăng ký chất lượng, mẫu mã, quy trình thực hiện vàng trang sức, mỹ nghệ vẫn còn rất lỏng lẻo. Mạng lưới chống hàng giả, đảm bảo cam kết chất lượng vàng vẫn chưa đảm bảo”.

Rõ ràng lượng vàng găm giữ trong dân còn rất lớn, nhu cầu đầu tư vàng của người dân là có. Thời gian gần đây hàng loạt sàn vàng chui bị công an đánh sập mà không ít nhà đầu tư vì hám lợi vẫn “lao đầu” vào các sàn vàng ảo đầy rủi ro. Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết hiện nay trên thị trường vẫn còn xuất hiện vàng miếng giả, vàng trang sức không đủ chất lượng, trọng lượng khiến quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Thành Long cho biết: “Tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến. Hiện tượng “mua ở đâu, bán ở đó” vẫn đang diễn ra bởi việc đánh giá chất lượng vàng vẫn chưa thực sự đồng nhất. Chẳng hạn, một sản phẩm vàng trang sức tại TP. Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TPHCM chỉ còn 61%. Điều này cho thấy, chất lượng của thiết bị kiểm định tuổi vàng của phần lớn các doanh nghiệp đang có vấn đề”.

Thêm vào đó, do các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nên các doanh nghiệp buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ “chợ đen” phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng.

Xóa bỏ sàn giao dịch chui

 Lý giải cho đề xuất lập sàn vàng quốc gia, ông Nguyễn Thành Long cho rằng: “Hiện nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Bởi vậy, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay. Việc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia sẽ loại bỏ những loại hình giao dịch vàng chui, giảm thiểu tình trạng xuất, nhập lậu vàng qua biên giới, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc thu thuế; cơ quan chức năng có thể giám sát, quản lý được lượng giao dịch vàng để điều hành chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ. Đặc biệt, các doanh nghiệp có thể mua vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, thay vì nhập khẩu, góp phần tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước”.

Thực tế đây không phải lần đầu tiên đề xuất lập sàn vàng quốc gia được nêu lên. Cách đây 6 năm, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đã đề xuất với Chính phủ thành lập sở giao dịch vàng trong năm 2011. Thời điểm đó, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất sàn vàng này sẽ hoạt động như Sở Giao dịch chứng khoán, đặt tại TPHCM và Hà Nội. Nhà đầu tư sẽ mua bán vàng dưới dạng chứng chỉ vàng do NHNN cấp cho các Cty kinh doanh vàng có dự trữ vàng thật tại NHNN.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nên tính tới việc lập sàn vàng quốc gia để giao dịch vàng được minh bạch, các thành phần nhà kinh doanh, dân chúng đều được tiếp cận thông tin, tránh việc đầu cơ, lũng đoạn hoặc tung ra các thông tin bất lợi ảnh hưởng thị trường. TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá thị trường vàng hiện khá ổn định và chính sách chống vàng hóa của NHNN đang phát huy tốt. Tuy nhiên, giá vàng thế giới thay đổi từng giờ từng phút, trong khi đó ở Việt Nam việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn rất cao. Nếu có sàn vàng, các thông tin sẽ được minh bạch, dân chúng và nhà đầu tư được mua bán công khai, rõ ràng, lợi ích được đảm bảo.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Cấn Văn Lực cho biết: “Viện Nghiên cứu của BIDV đã đề xuất lập sàn vàng từ năm 2010. Đề xuất thành lập sở giao dịch vàng quốc gia sẽ giúp giải quyết vấn đề của thị trường vàng Việt Nam một cách tổng thể, từ giao dịch, thanh toán, lưu trữ, vận chuyển, kiểm định chất lượng. Đây là một mô hình tổng hợp để giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia cũng như huy động được một nguồn lực lớn của xã hội vào kinh doanh chính thức”.

 

LAN HƯƠNG

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc