Chia sẻ:

Cuộc chơi giữa nhà đầu tư và CTCK không phải “zero-sum game”

Cover warrants là gì?

 

CW sẽ do CTCKphát hành. Ban đầu nhà đầu tư sẽ mua trực tiếp CW từ CTCK (gọi là IPO), sau đó CW sẽ được niêm yết và giao dịch trên HOSE, các nhà đầu tư có thể giao dịch mua bán các loại chứng quyền tương tự như giao dịch cổ phiếu. CW sẽ có thời hạn nhất định (từ 3 đến 24 tháng), nếu nhà đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, và chứng quyền ở trạng thái có lãi , CTCK sẽ thanh toán cho nhà đầu tư khoản chênh lệch bằng tiền mặt (chứ không chuyển giao cổ phiếu) và trong quá trình nắm giữ CW nhà đầu tư sẽ không được hưởng bất kỳ quyền lợi gì liên quan đến cổ phiếu cơ sở như cổ tức, chia thưởng cổ phiếu hay quyền biểu quyết, quyền dự họp ĐHCĐ….

 

Việt Nam chỉ áp dụng đối với chứng quyền mua chứ chưa cho phép giao dịch chứng quyền bán bởi Việt Nam chưa áp dụng lệnh bán khống.

 

CW với tỷ lệ đòn bẩy cao và mức biến động rất lớn trong phiên sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho những NĐT giao dịch chủ động, thường xuyên bám sàn, khi họ có thể mua đi bán lại chứng quyền liên tục để tìm kiếm các cơ hội ngắn hạn dù chứng khoán cơ sở đi ngang.

 

NĐT có thể chốt lời khi giao dịch trên HOSE thay vì nắm giữ tới đáo hạn để nhận được chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện. CTCK có nghĩa vụ tạo lập thanh khoản và sẵn sàng mua bán với NĐT khi CW được niêm yết và giao dịch trên sàn.

 

Vậy tại sao CW lại hấp dẫn?

 

Theo Tổ dự án phái sinh CTCP Chứng khoán Sài Gòn SSI, có 5 lợi ích của việc tham gia sản phẩm chứng quyền có bảo đảm:

 

(i)Vốn đầu tư thấp so với chứng khoán cơ sở (giá quyền phí chỉ khoảng 10% so với giá chứng khoán cơ sở, thậm chí thấp hơn, ví dụ HPG có giá 60.000 đồng/cp, hiện tại SSI dự kiến áp dụng quyền phí với HPG kỳ hạn 3 tháng là 6000-8.000 tỷ lệ chuyển đổi dự kiến 1:1 (1 chứng quyền được mua 1 cổ phiếu cơ sở) trong khi VnDirect đang dự kiến giá chứng quyền từ 1.500 – 2.500 đồng tỷ lệ chuyển đổi dự kiến 4:1 (4 chứng quyền được mua 1 cổ phiếu)

 

(ii)Tỷ lệ đòn bẩy vượt trội: Thực chất của việc phát hành CW là CTCK cung cấp cho nhà đầu tư một sản phẩm có tính đòn bẩy cao hơn rất nhiều so với mua chứng khoán cơ sở. Sau khi niêm yết, biên độ dao động của chứng quyền được tính bằng giá trị tuyệt đối biên độ dao động của cổ phiếu cơ sở. Ví dụ cổ phiếu HPG có giá 60.000 đồng, biên động dao động trong phiên là 4.200 đồng/cp, giá chứng quyền 6.000 đồng/cp thì biên độ dao động trong phiên của chứng quyền có thể lên đến 70% chứ không phải 7% như trên sàn HOSE.

 

(iii)Tỷ lệ sinh lời cao:

 

 

(iv)Xác định trước mức lỗ tối đa: Nếu như mua bán hợp đồng tương lai nếu không đóng được vị thế, nhà đầu tư vẫn phải nộp ký quỹ liên tục thì trong trường hợp của CW, trong trường hợp thị trường giảm sâu nhà đầu tư chỉ mất tối đa phí mua CW

 

(v)Không giới hạn tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài: NĐT nước ngoài có thể trading CW với cổ phiếu đã hết room

 

(vi)Giao dịch dễ dàng: CW niêm yết trên HoSE như chứng khoán cơ sở và có thể đặt lệnh dễ dàng từ tài khoản giao dịch chứng khoán mở tại CTCK

 

CTCK được gì và “mất” gì khi phát hành CW?

 

Điều đầu tiên, CTCK sẽ đa dạng hoá các sản phẩm tài chính cung cấp cho các nhà đầu tư với nhiều cấp độ rủi ro cũng như sinh lời khác nhau cho nhà đầu tư lựa chọn. Các CTCK cũng sẽ có một nguồn thu nhất định từ quyền phí phát hành cho nhà đầu tư. Giao dịch chứng quyền là giao dịch giữa CTCK và nhà đầu tư nhưng thực chất đây không phải là một cuộc chơi zero-sum game, tức là nếu nhà đầu tư thắng thì CTCK thua và ngược lại. Theo quy định của UBCK, CTCK phải ký quỹ bằng tiền tối thiểu 50% giá trị chứng quyền dự kiến phát hành tại một ngân hàng lưu ký trong suốt thời gian có hiệu lực của chứng quyền. Hàng ngày, CTCK phải thực hiện phòng ngừa rủi ro (hedging) cho số chứng quyền đang lưu hành. Trong trường hợp thị trường biến động mạnh, tỷ lệ chênh lệch giá trên thị trường vượt quá 5%, CTCK phải có nghĩa vụ tạo lập thị trường CW.

 

Điều này sẽ dẫn đến thanh khoản của cổ phiếu cơ sở sẽ tăng mạnh khi CW đưa vào giao dịch bởi hoạt động hedging liên tục của CTCK. Thời điểm hiện tại quy mô của thị trường CW khá nhỏ, và HOSE hiện đang giới hạn số lượng phát hành đối với mỗi cổ phiếu đủ điều kiện được làm cổ phiếu cơ sở của CW, tuy nhiên khi thị trường phát triển và sản phẩm này được giới đầu tư đón nhận thì bộ phận tự doanh và hedging CTCK đẩy mạnh mua bán cổ phiếu để hedging sẽ tác động đến thanh khoản của cổ phiếu cơ sở.

 

Đó cũng là lí do mặc dù danh sách của HOSE công bố có 23 cổ phiếu đủ điều kiện được làm cổ phiếu cơ sở phát hành CW nhưng thực tế các CTCK khá dè dặt trong việc chọn lựa cổ phiếu để làm sản phẩm này. Ở thời điểm hiện tại VNDirect dự kiến phát hành chứng quyền cho 4 cổ phiếu là MBB, FPT, HPG và SSI trong khi SSI dự kiến phát hành chứng quyền cho 3 cổ phiếu là MBB, FPT, HPG (do SSI không được phép phát hành CW trên cổ phiếu SSI). Việc lựa chọn sản phẩm tuỳ thuộc vào thanh khoản của cổ phiếu và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của cổ phiếu đó (do chưa có chứng quyền bán).

 

Một số nhà đầu tư lo ngại liệu có việc tự doanh CTCK tác động đến giá cổ phiếu cơ sở (làm giá) để có lợi cho việc phát hành chứng quyền, đại diện SSI cho rằng khối lượng giao dịch mỗi phiên của các cổ phiếu cơ sở phát hành chứng quyền rất lớn, cổ phiếu có thị giá cao, hàng triệu cổ phiếu/phiên đi kèm giá trị giao dịch lớn nên rất khó để một CTCK có thể thao túng giá.

 

Nhà đầu tư phải chú ý những điểm gì khi tham gia CW?

 

Thứ nhất, nhà đầu tư giao dịch CW không được dùng margin. Tài khoản giao dịch CW chính bằng tài khoản giao dịch cổ phiếu tại CTCK.

 

Thứ hai, CW được niêm yết trên HOSE, mỗi cổ phiếu cơ sở có thể sẽ do nhiều CTCK phát hành và sẽ mang một mã khác nhau, nhà đầu tư khi chọn đầu tư CW sẽ chú ý đến các nội dung sau:

 

·Chọn chứng quyền của cổ phiếu cơ sở nào có tiềm năng tăng giá trong tương lai đối với chứng quyền mua

 

·So sánh giá chứng quyền và tỷ lệ chuyển đổi: ví dụ chứng quyền HPG do SSI phát hành có giá 6.000-8.000 đồng/cq tỷ lệ 1:1 thời hạn 3 tháng tức là 1 chứng quyền được quyền mua 1 cổ phiếu HPG, còn VNDirect phát hành chứng quyền HPG có giá 1.500 -2.500 đồng tỷ lệ 4:1 thời hạn 3 tháng thì quyền phí để mua 1 cổ phiếu HPG sẽ dao động từ 6.000 – 10.000 đồng.

 

·Giá thực hiện: là mức giá xác định trước của tổ chức phát hành và là mức giá mà nhà đầu tư đối chiếu với CTCK vào ngày đáo hạn về trạng thái lãi hay lỗ. Trong trường hợp trên, giá thực hiện của SSI có thể là 68.000 đồng. Tại thời điểm đáo hạn, nếu giá HPG là 70.000 đồng, CTCK sẽ phải trả khoản chênh lệch cho NĐT, nếu giá HPG là 60.000 đồng, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ quyền phí.

 

·Giá thanh toán: là mức giá được Sở giao dịch xác định và công bố trước ngày đáo hạn của chứng quyền, được tính bằng bình quân giá đóng cửa 5 ngày giao dịch liền trước ngày đáo hạn (không bao gồm ngày đáo hạn). Chênh lệch giữa giá thanh toán và giá thực hiện cho biết mức lãi/lỗ của nhà đầu tư vào thời điểm đáo hạn của chứng quyền, đây cũng là cơ sở để tổ chức phát hành thực hiện thanh toán khoản tiền chênh lệch khi nhà đầu tư thực hiện quyền.

 

·Trong trường hợp cổ phiếu cơ sở chia tách, phát hành, trả cổ tức…giá chứng quyền sẽ không đổi nhưng tỷ lệ chuyển đổi và giá thực hiện sẽ có thay đổi theo hướng giá thực hiện quyền mới = giá thực hiện quyền cũ x (giá tham chiếu đã điều chỉnh của cổ phiếu cơ sở tại ngày GDKHQ/giá tham chiếu chưa điều chỉnh của TSCS tại ngày GDKHQ). Tỷ lệ chuyển đổi mới = tỷ lệ chuyển đổi cũ x (giá tham chiếu đã điều chỉnh của TSCS tại ngày GDKHQ/giá tham chiếu chưa điều chỉnh của TSCS tại ngày GDKHQ).

 

Ví dụ: NĐT sở hữu chứng quyền VNM với quyền phí 1.000 đồng, tỷ lệ chuyển đổi 10:1, giá thực hiện 150.000 đồng, giá VNM đóng cửa ngày 15/6/2017 là 155.000 đồng. Thời hạn chứng quyền 6 tháng.

 

Ngày GDKHQ (16/6) cổ phiếu VNM chia cổ tức tiền mặt 40%, giá tham chiếu đã điều chỉnh của VNM là 151.000 đồng.

 

Giá thực hiện quyền mới = 150.000 x (151.000/155.000)=146.129 đồng

 

Tỷ lệ chuyển đổi mới: 10x(151.000/155.000)=9,74

 

Nhà đầu tư nên tìm hiểu rõ cơ chế giao dịch và các khái niệm về chứng quyền trước khi tham gia đầu tư để tránh rủi ro.

HOÀNG LY


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.