Chia sẻ:

Con đường đến T+0 còn rất dài

Tại Hội nghị Triển khai phát triển thị trường chứng khoán năm 2018, ông Nguyễn Hoàng Giang – CEO CTCK VNDirect đã có những kiến nghị liên quan đến cơ chế giao dịch và việc mở cửa cho các quỹ đầu tư.

 

Theo ông Giang, hiện nay 75% giá trị giao dịch trên thị trường đến từ nhà đầu tư cá nhân, đây là một lực lượng lớn trên thị trường. Trong nước có rất ít nhà đầu tư nước ngoài.

 

Mặt khác, hiện nay đối với việc phát triển khối đầu tư gồm các quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ còn nhiều mặt hạn chế. Theo thống kê tại Việt Nam chỉ có 40 công ty quản lý quỹ tuy nhiên khá ít công ty hoạt động. Thực tế hiện nay có nhiều tổ chức muốn vào Việt Nam để thành lập mô hình quản lý quỹ nhưng việc cấp phép đang còn nhiều mặt hạn chế.

 

Từ năm 2012 đến nay sau khi thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán đã được 6 năm, ông Giang đề xuất UBCK nên hình thành một khuôn khổ cơ chế phù hợp để tạo điều kiện cấp phép cho các tổ chức nước ngoài mở quỹ đầu tư, cũng như công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp.

 

Trong thời gian tới sẽ có thêm rất nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường đến từ một nhóm những gia đình có khối tài sản lớn “family asset”. Chứng khoán sẽ là kênh đầu tư dài hạn tốt cho nhóm người này. Vì vậy, các quỹ đầu tư và các nhà quản lý tài sản sẽ là điểm đến đối với nguồn vốn nhàn rỗi trên, từ đó hình thành nên cơ cấu nhà đầu tư bền vững và dài hạn cho thị trường chứng khoán. Ông Giang đề xuất cần có một khung pháp lý cởi mở hơn đối với các công ty quản lý quỹ và công ty đầu tư, tạo điều kiện cho các quỹ nước ngoài vào Việt Nam, các quỹ quản lý tài sản chuyên nghiệp, đây hứa hẹn sẽ trở thành một trong những thành viên quan trọng của thị trường.

 

Một vấn đề quan trọng khác được ông Giang kiến nghị UBCK là cơ chế giao dịch thị trường (giao dịch trong ngày, cho vay chứng khoán, T+0…). Hiện nay các sản phẩm mới của thị trường như hợp đồng tương lai, chứng quyền có đảm bảo… là các sản phẩm phái sinh thích hợp đối với nhà đầu tư tổ chức, còn cơ chế giao dịch trong ngày, T+0 sẽ giúp các đơn vị cung cấp sản phẩm có bảo hiểm, kiểm soát giảm thiểu rủi ro. Điều này sẽ tạo nền tảng giao dịch tốt hơn và đây cũng là vấn đề quan trọng trong việc phát triển thị trường.

 

Đồng quan điểm với CEO VNDirect, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc, thành viên HĐQT CTCK Bảo Việt cho rằng cần hoàn thiện và có lộ trình triển khai sớm giao dịch trong ngày, T+0, cho vay chứng khoán…để thị trường tốt hơn.

 

Bên cạnh đó, ông Hòa cũng kiến nghị đẩy mạnh chủ trương đưa cổ phiếu của các công ty đại chúng lên giao dịch tại sàn chứng khoán tập trung. Theo ông Hòa, nhiều doanh nghiệp đại chúng đang có cổ phiếu giao dịch trên OTC và UBCK nên đưa ra lộ trình để các cổ phiếu này niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

 

Phản hồi những kiến nghị của đại diện CTCK, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCK NN cho biết, liên quan đến giao dịch trong ngày, T+0… UBCK kết hợp với Trung tâm lưu ký đang nghiên cứu triển khai. Hiện nay, việc rút ngắn quy trình thanh toán và lưu ký về mặt kỹ thuật là không dễ.

 

“Trước khi tôi nghỉ hưu, tôi mong rằng sẽ có thể áp dụng giao dịch T+0”, ông Dũng chia sẻ.

 

Quy chế chuẩn giao dịch trên thị trường thế giới vẫn là giao dịch T+3. Xung quanh Việt Nam những thị trường mạnh, đơn cử như Nhật Bản cũng đang áp dụng T+3. Điều này cho thấy việc rút ngắn thời gian xuống thêm một ngày là rất khó.

 

Hiện nay Việt Nam đang áp dụng gọi là T+2,5 chưa hẳn là T+2 vì vậy sắp tới nếu có thể cố gắng rút xuống còn T+2 thực sự thì đã là một bước tiến rất lớn, còn rút xuống T+1 và T+0 là rất khó khăn chủ yếu về mặt kỹ thuật.

 

Ông Dũng cũng kêu gọi các đơn vị thành viên thị trường, các tổ chức tham gia “hiến kế” cho UBCK, trong bối cảnh mà công nghệ đang ngày càng phát triển.

 

“Tương tự đối với giao dịch trong ngày và giao dịch chờ về, chúng ta đã có quy chế, xây dựng xong khuôn khổ pháp lý tuy nhiên để triển khai cần có sự đồng bộ từ UBCK đến trung tâm lưu ký chứng khoán, 2 sở giao dịch và các đơn vị thành viên. Sở HOSE đã cam kết triển khai trong 2018, tuy nhiên cũng cần phải phụ thuộc và chờ xem cơ chế thanh toán lưu ký có đáp ứng được việc này hay không”, ông Dũng chia sẻ tại hội thảo.

 

Theo quan điểm của ông Dũng, mặc dù cơ sở pháp lý đã có, trong năm 2018, UBCK sẽ nghiên cứu và đưa vào áp dụng 1 trong 2 cơ chế, điều này sẽ có tính khả thi hơn với việc áp dụng cả hai. Trong 2 mục tiêu này giao dịch chứng khoán trở về sẽ có tính khả thi cao hơn.

 

Liên quan đến vấn đề mở cửa cho công ty quản lý quỹ, quản lý tài sản, ông Dũng cho biết, tới đây UBCK sẽ tổ chức hội thảo gặp gỡ khối quản lý quỹ nhằm đưa ra những cơ sở pháp lý và cơ chế phù hợp, đưa vào dự thảo luật sửa đổi thị trường chứng khoán sắp tới. Đây là một bước tiến lớn và rất quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

LỆ HẢI


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.