Chia sẻ:

Cổ phiếu thủy sản có duy trì được “sóng”?

Riêng đối vói nhóm thủy sản, bên cạnh bức tranh khởi sắc của toàn ngành, đà tăng của cổ phiếu cũng được cho là đến từ tình hình kinh doanh nửa đầu năm khả quan.

 

Nước nổi, bèo nổi

 

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức thuế cuối cùng chống bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ của đợt xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) thuộc niên độ bán hàng 2016 là 4,58% áp dụng cho hơn 30 doanh nghiệp tôm Việt Nam.

 

Cùng thời điểm này, DOC cũng đã ban hành kết luận sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 14 (POR14) cho giai đoạn từ ngày 01/8/2016 đến 31/7/2017 đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

 

Theo đó, mức thuế sơ bộ cho hai bị đơn bắt buộc là 0 và 1,37 USD/kg, còn thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg và thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.

 

Những chính sách có lợi cho nhóm doanh nghiệp này đã kéo theo kỳ vọng của giới đầu tư về kết quả kinh doanh tươi sáng, từ đó tác động lớn đến thị giá cổ phiếu.

 

Có thể điểm qua một số cổ phiếu đầu ngành như cổ phiếu VHC của “nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn, cổ phiếu HVG của Thủy sản Hùng Vương, FMC của Thực phẩm Sao Ta, cổ phiếu MPC của “vua tôm” Minh Phú… đều ghi nhận đà tăng giá mạnh trong khoảng vài tuần trở lại đây.

 

Từ vùng đáy 50.000 đồng/cp, cổ phiếu VHC đã tăng mạnh lên hơn 90.000 đồng/cp chỉ sau hơn 3 tháng. Tính tới phiên giao dịch ngày 21/9, VHC đang giao dịch tại mức giá 93.500 đồng/cp, tăng mạnh 8,7% so với giá đóng cửa của phiên cuối tuần trước (14/9).

 

Sau khi giảm mạnh về mức 15.500 đồng/ cp hồi đầu tháng 8, cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt (Navico) cũng đã từng bước hồi phục mạnh, hiện đang giao dịch tại mức giá 21.450 đồng/cp, tăng 38,4% chỉ sau hơn 1 tháng.

 

Sau khoảng thời gian “đen tối”, cổ phiếu HVG của “vua cá tra” Hùng Vương đã tăng hơn 2,5 lần cùng nhiều phiên kịch trần liên tiếp chỉ sau 2 tháng. Hiện, cổ phiếu HVG đang giao dịch tại vùng 5.200 đồng/cp với thanh khoản cải thiện đáng kể.

 

Cổ phiếu FMC cũng ghi nhận mức tăng gần 22% trong vòng một tháng qua, hiện vẫn đang trên đà lên 27.000 đồng/ cp, dù gần đây FMC công bố doanh số xuất khẩu của tháng 7 và tháng 8 đều giảm so với cùng kỳ lần lượt ở mức 13,7 triệu USD và 14,2 triệu USD.

 

Chỉ trong vòng 2 tuần qua, cổ phiếu MPC đã tăng 28,7% từ mức 36.500 đồng/cp lên 47.000 đồng/ cp như hiện tại.

 

Khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh với bình quân gần 175.000 đơn vị/ phiên, đặc biệt, phiên ngày 11/9 ghi nhận cuộc sang tay thỏa thuận hơn 9 triệu cổ phiếu MPC. Nhiều khả năng đây là giao dịch của các con gái Chủ tịch Lê Văn Quang.

 

Rủi ro vẫn còn

 

Hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản được xem là có nhiều chuyển biến để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

 

Theo báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê, tổng giá trị xuất khẩu trong tháng là 861 triệu USD, tăng 12,6% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm ngành thủy sản trong 8 tháng đầu năm nay đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng thời gian năm trước.

 

Thị trường tăng trưởng kéo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng tăng mạnh. Đầu tiên phải kể đến Navico với lãi sau thuế đạt 189 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm cao gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái và 75,6% mục tiêu về lợi nhuận.

 

“Đại gia” Vĩnh Hoàn cũng có một tháng 8 bội thu với giá trị xuất khẩu đạt 41 triệu USD, phá vỡ lỷ lục của tháng 7 (37 triệu USD), tăng 85% so với cùng kỳ.

 

Trong 8 tháng đầu năm, “vua tôm” Minh Phú cũng thu về gần 442 triệu USD doanh thu xuất khẩu, đạt hơn 55% kế hoạch cả năm (800 triệu USD).

 

Thủy sản Hùng Vương cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ trong thời gian qua khi nợ vay, nợ phải trả đã có dấu hiệu giảm mạnh so với đầu năm.

 

Cụ thể, nợ phải trả giảm 43%, ở mức 6.158 tỷ đồng; vay nợ ngắn hạn giảm từ 7.069 tỷ đồng xuống còn 3.350 tỷ đồng; vay nợ dài hạn giảm từ 671 tỷ đồng xuống còn 335,3 tỷ đồng.

 

Đặc biệt, với mức thuế suất giảm đáng kể, khả năng HVG có lợi thế khi có đầu mối xuất mạnh cá tra vào thị trường Mỹ hơn các doanh nghiệp khác, từ đó nâng sản lượng xuất khẩu của doanh nghiệp này.

 

Việc nắm bắt được cơ hội từ những giải pháp hỗ trợ về xuất khẩu, thuế quan… sẽ là những yếu tố thuận lợi để những doanh nghiệp này bứt phá vươn lên.

 

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, ngành thủy sản là ngành có tiềm năng phát triển tốt vì thị trường rộng lớn nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu.

 

Trong khi đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam hầu hết đều gặp khó khăn trong việc đảm bảo được chất lượng đồng đều, sự ổn định về chất lượng của nguồn nguyên liệu và thành phẩm.

 

Đối với thị trường chứng khoán, khi thị trường đang thiếu vắng những lực đẩy thì một nhóm ngành nào đó trở nên hấp dẫn hơn nhờ vào những thông tin hỗ trợ nổi bật thì không chỉ có cổ phiếu tốt trong ngành mà những cổ phiếu của những doanh nghiệp yếu kém cũng có thể “ăn theo”.

 

Đầu tư theo “sóng” thông tin có thể là một lựa chọn cho các nhà đầu tư ngắn hạn nhưng lại chứa không ít rủi ro.

 

Trước đó, ngay sau khi có thông tin hỗ trợ là bán các bất động sản và cả “con cưng” để tái cơ cấu lại công ty, cổ phiếu HVG của Hùng Vương đã bật tăng mạnh nhưng lại nhanh chóng giảm sâu khiến không ít cổ đông “đau tim”.

 

Hồi đầu năm 2018, “đại gia” Vĩnh Hoàn cũng đã từng làm các cổ đông “lao đao” khi “vượt đỉnh mọi thời đại” lên mức 77.800 đồng/cp, nhưng với vài phiên giảm sàn ngay sau đó, thị giá VHC quay về về mốc giá 5x.

 

Linh Đan


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.