Chia sẻ:

Cổ phiếu STB của Sacombank có thể phải đối mặt với áp lực bán ngắn hạn

Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thường Tín (Sacombank – STB) có kế hoạch hủy niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh để chuyển sang Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thay đổi mã chứng khoán. Nếu hủy niêm yết trên HoSE thành công, cổ phiếu STB sẽ bị loại bỏ khỏi giỏ chỉ số FTSE Vietnam và VN30, từ đó dẫn đến áp lực bán ngắn hạn ở cổ phiếu này.

 

Vài ngày trước, Sacombank đã công bố quyết định của Hội đồng quản trị xin ý kiến cổ đông về việc thay đổi mã chứng khoán từ STB sang SCM và hủy niêm yết trên HoSE để chuyển sang sàn HNX. Thời gian lấy ý kiến sẽ từ ngày 23/10 đến 22/11 với ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông lấy ý kiến là ngày 18/10.

 

Khi việc này được thông qua, ngân hàng Sacombank sẽ hủy đăng ký mã chứng khoán STB

 

tại Trung tâm lưu ký, hủy niêm yết mã STB trên HoSE, sau đó đăng ký mã chứng khoán SCM tại Trung tâm lưu ký và niêm yết trên HNX với mã chứng khoán SCM.

 

Mục đích chính của STB ở đây là thay đổi mã chứng khoán nhưng để làm được điều này, ngân hàng này cần đồng thời chuyển sàn. Động lực đằng sau ý định thay đổi mã chứng khoán có vẻ như đến từ Tân Chủ tịch Sacombank ông Dương Công Minh. Cho đến nay, thị trường đã có nhiều phản ứng tiêu cực trước thông tin này và giá cổ phiếu STB đã giảm gần sàn kể từ khi tin này mới được công bố.

 

Hiện giờ, về mặt phân tích kỹ thuật, giá cổ phiếu STB có vẻ đang gần phá vỡ hỗ trợ ngắn hạn sau khi tăng trước đó. Vấn đề chính ở đây là ngân hàng này không đưa ra lời giải thích thỏa đáng cho quyết định trên. Bởi với khả năng sáp nhập 2 sàn trong vài năm tới, thì việc chuyển sàn có vẻ như không cần thiết. Việc thay đổi mã chứng khoán có thể được nhìn nhận như là một nỗ lực trong việc tái định hình thương hiệu nhưng Sacombank đã có không có lời giải thích thật sự cụ thể cho việc này.

 

Theo HSC, việc hủy niêm yết trên sàn HoSE và chuyển sang niêm yết trên HNX về mặt lý thuyết được coi là một bước lùi về tính minh bạch và tính thanh khoản. Nhiều quỹ đầu tư nước ngoài lớn lựa chọn hoặc ưa chuộng cổ phiếu niêm yết trên HoSE hơn.

 

Ngoài ra, việc loại STB khỏi 2 giỏ chỉ số chủ chốt cũng sẽ dẫn đến áp lực bán từ khối ngoại. Cụ thể, hiện nay FTSE Vietnam có khoảng 14 triệu cổ phiếu STB trong danh mục (đóng góp 2,94% NAV tại thời điểm ngày 6/10/2017). Nếu STB hủy niêm yết trên sàn HoSE thì cổ phiếu này sẽ bị loại khỏi giỏ chỉ số FTSE trong tháng 12 tới. Đồng thời, STB cũng sẽ bị loại khỏi giỏ chỉ số VN30, từ đó các quỹ chỉ số dựa trên VN30 có thể cũng sẽ bán ra cổ phiếu STB.

 

Năm 2017, HSC dự báo lợi nhuận của ngân hàng Sacombank sẽ gần như bằng 0 là 4,23 tỷ đồng. Sacombank sẽ cố gắng ghi nhận lãi và HSC cho rằng nội dung khá thông thoáng của Quyết định xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện cho ngân hàng này làm như vậy.

 

Trang Lê


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.