Chia sẻ:

Cổ phiếu ngân hàng đua nhau tăng trần, GTGD trên HOSE leo lên hơn 8.700 tỷ đồng

Dường như việc tâm lý được giải tỏa sau 2 phiên HOSE gặp sự cố đã giúp sự hưng phấn của thị trường được đẩy lên cao độ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt với việc bứt phá rất mạnh. Chốt phiên sáng, VPB và BID đều đã tăng kịch trần, VPB khớp lệnh 8 triệu cổ phiếu, còn BID khớp lệnh 6 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, MBB và VCB có thời điểm cũng được kéo lên mức giá trần. Tạm dừng phiên sáng, MBB tăng 1.900 đồng (6,79%) lên 29.900 đồng/CP và khớp lệnh 12,7 triệu cổ phiếu. VCB tăng 4.300 đồng (4,35%) lên 88.700 đồng/CP và khớp lệnh 2,9 triệu cổ phiếu.

 

Ngoài ra, các mã ngân hàng khác như STB, EIB, HDB, SHB… cũng đồng loạt tăng giá mạnh.

 

Các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PVS, PVC… vẫn duy trì được sắc xanh rất tốt. GAS được kéo lên mức giá trần 113.300 đồng/CP và khớp lệnh 1 triệu cổ phiếu. PVD tăng 1.850 đồng (3,95%) lên 29.550 đồng/CP.

 

Khi mà thị trường tăng trưởng mạnh mẽ như thời điểm hiện tại thì không thể không nhắc đến nhóm chứng khoán. Các mã như SSI, VND, HCM, VCI… cũng đua nhau tăng giá. SSI tăng 1.350 đồng (3,95%) lên 35.550 đồng/CP và khớp lệnh 8,3 triệu cổ phiếu.VND tăng 850 đồng (2,97%) lên 29.450 đồng/CP và khớp lệnh 1,9 triệu cổ phiếu.

 

Chiều ngược lại, SAB, ROS, MWG, VCG… là những cổ phiếu trụ cột trên thị trường còn giảm giá trong phiên sáng nay. Trong đó, SAB giảm 2.500 đồng xuống 258.500 đồng/CP. ROS giảm 7.300 đồng (-4,32%) xuống 161.700 đồng/CP.

 

Nhóm cổ phiếu may mặc như TCM, TNG, VGT… cũng giao dịch khá tích cực. TCM tăng trần còn VGT tăng đến 10,47%.

 

Thanh khoản thị trường phiên hôm nay leo lên mức rất cao, riêng sàn HOSE, giá trị giao dịch đã đạt đến trên 8,750 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 930 tỷ đồng.

 

Còn tính chung cả hai sàn niêm yết thì giá trị giao dịch đạt gần 9.800 tỷ đồng, trong đó có gần 1.000 tỷ đồng là của giao dịch thỏa thuận.

 

Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 27,59 điểm (2,47%) lên 1.115,01 điểm. Toàn sàn có 109 mã tăng, 158 mã giảm và 60 mã đứng giá.

 

HNX-Index tăng 1,07 điểm (0,85%) lên 127,33 điểm. Toàn sàn có 41 mã tăng, 109 mã giảm và 216 mã đứng giá.

Thị trường tiếp tục giao dịch khá hưng phấn, nhóm cổ phiếu ngân hàng bao gồm VCB, BID, MBB, CTG, VPB… đều bứt phá rất mạnh. BID tăng đến 1.850 đồng (6,5%) lên 30.300 đồng/CP và khớp lệnh 2,5 triệu cổ phiếu. VPB tăng 2.250 đồng (4,57%) lên 51.500 đồng/CP.

 

VN-Index hiện giờ đang tăng trên 20 điểm và vượt xa mốc 1.100 điểm.

 

Sự cố tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) đã được khắc phục và sàn này đã giao dịch trở lại bình thường kể từ hôm nay. Dường việc mở lại giao dịch sau 2 phiên ‘nghỉ ngơi’ đã khiến nhà đầu tư được giải tỏa tâm lý và ngày từ đầu phiên giao dịch, lực cầu đã dâng lên rất cao kéo hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá mạnh bất chấp việc hàng của 2 phiên 19 và 22/1 đã về tài khoản nhà đầu tư.

 

Đáng kể nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí, việc giá dầu thế giới liên tục tăng đã giúp các cổ phiếu như PVS, GAS, PVD, PVC… bứt phá. Trong đó, PVD đã được kéo lên mức giá trần. GAS tăng 6.300 đồng (5,95%) lên 112.200 đồng/CP. PVS cũng tăng 900 đồng (2,9%) lên 31.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu cổ phiếu.

 

Bên cạnh đó, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn như BID, BVH, CTG, VRE, VPB, VCB, MSN, … đều đang tăng giá mạnh. VJC đang được kéo lên mức giá trần và đứng ở 199.500 đồng/CP. VRE tăng 1.500 đồng (2,52%) lên 61.000 đồng/CP.

 

Chiều ngược lại, một số mã trụ cột như SAB, ROS, STB, VNM,… đang lùi xuống dưới mốc tham chiếu và tạo đôi chút áp lực lên hai chỉ số. VNM đang giảm 300 đồng (-0,14%) xuống 211.300 đồng/CP. Những thông tin ảnh hưởng đến VNM ở thời điểm hiện tại có lẽ đến từ việc giá sữa nguyên liệu trên thế giới tăng cao. Từ năm 2018 có thêm hàng ngàn dòng thuế từ Liên minh Kinh tế Á – Âu, ASEAN được điều chỉnh về 0%, trong đó có nhóm hàng sữa và sản phẩm từ sữa. Thông tin TPP có thể được ký kết chính thức cũng phần nào ảnh hưởng đến cổ phiếu này.

 

Sau khoảng 30 phút giao dịch, VN-Index tăng 15,94 điểm (1,44%) lên 1.103,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 55,4 triệu cổ phiếu, trị giá 1.700 tỷ đồng.

 

HNX-Index tăng 0,33 điểm (0,26%) lên 126,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 12,4 triệu cổ phiếu, trị giá 193,5 tỷ đồng.

 

SSI Retail Research cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp rung lắc và tâm lý thận trọng có thể sẽ diễn ra. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo kỹ thuật ngắn hạn của SSI Retail Research, rủi ro ngắn hạn vẫn có chiều hướng tăng dần. Đặc biệt, tỷ trọng cổ phiếu của SSI Retail Research tiếp tục giảm mạnh cho thấy thị trường có thể sẽ diễn ra tình trạng phân hóa và cơ hội tìm kiếm lợi nhuận vẫn còn rất thấp.

 

Hệ thống chỉ báo xu hướng của SSI Retail Research vẫn duy trì mức tăng xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và giữ mức cắt lỗ của chỉ số VN30 ở mức 1024.74 điểm và nâng mức cắt lỗ của chỉ số HNX-Index lên mức 121.45 điểm. Do đó, SSI Retail Research khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế mua mới khi rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng tăng dần.

BÌNH AN


Tuyên bố trách nhiệmBài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.