Chia sẻ:

Có dễ với số đông?

86 Cty/ 700 Cty niêm yết trên hai sàn chứng khoán đã có kết quả lợi nhuận âm trong quý I/2016. Điều đó cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh đã chuyển động song việc làm ăn và cơ hội thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo thống kê của CTCK Maybank Kimeng Việt Nam, tính đến hết ngày 23/5/2016, cả hai sàn có 16 Cty chưa công bố báo cáo tài chính (BCTC) Q1/2016.

Lỗ nhiều, lãi khiêm tốn

Trong số các Cty đã công bố BCTC Q1/16, đáng chú ý có 86 Cty có lợi nhuận âm, chiếm khoảng 12,5% số lượng Cty niêm yết ở hai sàn. 128 Cty có lợi nhuận chưa tới 1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ở sàn HNX (83%).

Báo cáo của Maybank Kimeng cũng cho biết từ số liệu thống kê từ Bloomberg và báo cáo tài chính của các Cty, lợi nhuận của các Cty niêm yết năm nay tuy tăng, nhưng tựu trung vẫn rất khiêm tốn. Theo đó, tổng doanh thu Q1/2016 của các Cty niêm yết trên hai sàn tăng gần 10% so với Q1/2015, nhưng tổng lợi nhuận chỉ tăng gần 1% so với cùng kỳ.

“Chỉ có 6 doanh nghiệp có lợi nhuận Q1/16 trên 1000 tỷ đồng, trong đó một nửa là ngân hàng, có thể kể đến như: Vinamilk- VNM (2.157 tỷ đồng), Vietinbank-CTG (1.919 tỷ), Vietcombank-VCB (1.837 tỷ),BIDV- BID (1.659 tỷ), Tcty Khí – GAS (1.315 tỷ), Tập đoàn Hòa Phát – HPG (1.022 tỷ)”, báo cáo nhấn mạnh. Tình trạng tăng doanh thu, nhưng giảm tổng lợi nhuận này, đáng nói, đã diễn ra với các DN trong bảng thống kê chung toàn thị trường của HoSE ở quý IV và cả năm 2015.

Sau nhiều xáo trộn tái cấu trúc, có vẻ như lợi nhuận vẫn chưa thay đổi hướng chảy cũ: Tập trung vào nhóm các nhà kinh doanh tiền tệ? Điều đó khiến thị trường một lần nữa không còn e ngại với câu hỏi phải chăng các tổ chức tín dụng đang “ăn lãi lớn” trên đầu DN? Và nếu không như vậy thì điều gì đã dẫn đến kết quả kinh doanh khiêm tốn của các doanh nghiệp niêm yết – những đơn vị kinh doanh được cho là tập trung nhóm khối “vừa”, “lớn”, bởi để được niêm yết trên sàn, tất cả đều tuân theo các màng lọc quy định về vốn điều lệ tối thiểu và các quy định cấu trúc cổ đông đại chúng, công bố thông tin… khác?

Phân tích kết quả vượt không bất ngờ của 6 doanh nghiệp niêm yết có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng, một chuyên gia nhận xét thêm, ngoài BID, VCB, CTG là khối ngân hàng, việc lợi nhuận lớn được thể hiện ở ba còn lại là Vinamilk, Hòa Phát và Tcty Khí cũng cho thấy: Ngoại trừ Vinamilk là ngành sản xuất hàng hóa cơ bản (sữa ), Hòa Phát và GAS là doanh nghiệp công nghiệp nặng và công nghiệp khí.

“Những doanh nghiệp ngành công nghiệp như nguyên vật liệu xây dựng và nhiên liệu – những hàng hóa đầu vào cơ bản của các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ khác, dù có khó khăn thì vẫn dễ “ăn nên, làm ra” hơn những doanh nghiệp đứng ở khúc “giữa” hoặc gần chặng cuối gia công, sản xuất nhỏ trong chuỗi cung ứng sản xuất nội địa. Đây là tín hiệu cho thấy sản xuất nội địa vẫn chưa tăng cường được vị thế, càng chưa thấy cơ hội để có sức mạnh đồng đều, bật lên”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Dòng tiền vào doanh nghiệp: Tùy phía tiếp nhận

Một điểm đáng lưu ý, chi tiết bức tranh kinh doanh còn đượm màu tối của các doanh nghiệp niêm yết, chỉ có 4% doanh nghiệp đạt lợi nhuận từ 100-1000 tỷ đồng, 5% doanh nghiệp đạt từ 50-100 tỷ đồng, 21% doanh nghiệp đạt từ 10-50 tỷ đồng, 12% doanh nghiệp đạt từ 5-10 tỷ đồng; 23% doanh nghiệp đạt 1-5 tỷ đồng; 19% dưới 1 tỷ đồng, 2% còn lại chưa công bố BCTC.

Như vậy, lợi nhuận dương của phần lớn các doanh nghiệp tập trung ở mức dưới 1 – 5 tỷ đồng (chiếm 42%/ tổng các doanh nghiệp niêm yết). Với lợi nhuận khiêm tốn là tình trạng phổ biến, dòng tiền vào thị trường chứng khoán cũng sẽ gặp lực cản nhất định. Kéo theo, doanh nghiệp sẽ khó khăn trong các đợt phát hành thêm hoặc phát hành mới huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu trên thị trường chứng khoán. Không huy động được vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp lại sẽ bị hạn chế kinh doanh hoặc phải trả chi phí tài chính cao hơn cho các kênh tiếp cận vốn khác, hoặc không có vốn kinh doanh. Lợi nhuận sẽ tiếp tục khó tăng. Chỉ có 2 doanh nghiệp niêm yết mới trong quý ở HoSE là một minh chứng cụ thể.

Bị quẩn quanh kiểu vòng tròn giữa năng lực – huy động vốn – lợi nhuận – năng lực, bài toán ấy của đại đa số các doanh nghiệp niêm yết, cũng là bài toán chung của doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam hiện nay. Thực tế, với vai trò “hàn thử biểu” đi trước nền kinh tế, TTCK cũng đã có phản ánh gia giảm “nhiệt” từ nhà đầu tư đối với hoạt động kinh doanh qua mua bán các hàng hóa trên sàn.

Giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên sàn, bao gồm chứng chỉ quỹ, theo HOSE, đã có sự “bốc hơi” đáng kể so với Quý IV/2015: Từ 1.146.925 tỷ đồng giá trị vốn hóa, giảm xuống còn 1.121.860 tỷ đồng, tổng khối lượng giao dịch bình quân tăng nhưng tổng giá trị giao dịch giảm. Giá cổ phiếu đã rẻ hơn, chưa hẳn đã vì thế mà hấp dẫn hơn! Đây cũng là yếu tố tăng sức cản kinh doanh, cản chân mục tiêu CPH, niêm yết sàn chứng khoán của nhiều DN trong năm nay.

Chúng ta đang khá lạc quan với dòng vốn đầu tư tương lai kỳ vọng được đổ vào kinh tế Việt Nam, qua đầu tư FDI và FII, ngay sau chuyến thăm đánh dấu hợp tác chiến lược toàn diện của Tổng thống Mỹ Obama. Nhưng chúng ta cũng không quên “khẩu vị” đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư ngoại.

Ông Johan Nyvene, TGĐ Cty chứng khoán HSC, từng nói rằng: “Với các nhà đầu tư quốc tế, họ sẽ chỉ quan tâm đến doanh nghiệp vừa của Việt Nam và không chú ý hoặc có nhu cầu rót vốn vào các doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp vừa của Việt Nam được xem như doanh nghiệp nhỏ trong mắt họ, doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp siêu nhỏ và khó quan tâm”. Nếu lấy mốc lợi nhuận trên 10 tỷ đồng/Quý để đối chiếu lại số lượng các doanh nghiệp niêm yết có thể thu hút nguồn vốn “khổng lồ” đang chờ đợi chảy vào Việt Nam, có thể sẽ chỉ có chừng trên 10%, lạc quan thì khoảng 15-20% doanh nghiệp niêm yết là còn có cơ hội!

 

 Lê Mỹ

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.