Kết thúc tuần, VN-Index tăng 1,31 điểm lên mức 807,13 điểm tương ứng mức tăng 0,16%, HNX-Index tăng 2,03 điểm lên mức 106,52 điểm tăng ứng mức tăng 1,94%, UPCOM-Index giảm 0,06 điểm xuống mức 54,55 điểm tương ứng giảm 0,11%.
Thanh khoản trên cả hai sàn đồng loạt tăng trưởng. Theo đó, khối lượng khớp lệnh trung bình phiên trên sàn HOSE đạt 149,3 triệu đơn vị trên phiên, tăng trưởng 7,56% so với tuần giao dịch trước, trong khi trên sàn HNX đạt 64,7 triệu cổ phiếu trên phiên, tăng trưởng 44,14%.
Sau phiên bán ròng mạnh vào đầu tuần, khối ngoại mua ròng nhẹ lại ở các phiên tiếp theo nhưng vẫn không đáng kể, tính chung trên HOSE, khối ngoại bán ròng 37,86 tỷ đồng.
Về phía mua ròng, khối ngoại mua ròng mạnh ở HPG với giá trị 106 tỷ đồng, CTG được mua ròng 80,86 tỷ đồng, SSI được mua ròng 48,2 tỷ đồng…Trong khi đó, khối ngoại bán ròng mạnh ở MSN với giá trị 103,15 tỷ đồng, VCB bị bán ròng 103,13 tỷ đồng, DRC bị bán ròng 49 tỷ đồng.
Ở phía nhóm ngành, viễn thông tăng 2,06%, ngân hàng tăng 0,67%, công nghiệp tăng 3,68%, công nghệ thông tin tăng 2,22%…Chiều ngược lại, dầu khí giảm mạnh 4,47%, dược phẩm giảm 1,06%, hàng tiêu dùng giảm 0,64%.
Diễn biến giằng co chiếm ưu thế trên thị trường trong tuần qua. Dù thị trường đã bước qua kỳ review của các quỹ ETFs nhưng tâm lý lo lắng vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao. Hoạt động chốt lời mạnh không ngừng diễn ra qua các phiên khiến VN-Index thất bại trong nỗ lực chinh phục mốc 810 điểm.
Một vài cổ phiếu blue-chip trở thành tâm điểm của thị trường khi chi phối mạnh xu hướng tăng và giảm của các chỉ số như VNM, SAB, VCB… Ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu này lên thị trường là rất khó dự đoán khi giao dịch phân hóa và hoạt động tăng giảm đan xen liên tục diễn ra qua các phiên.
Nhóm blue-chip mang lại nhiều thất vọng nhất trong tuần qua. Nhóm blue-chip thường là nhóm đón đầu sớm nhất làn sóng kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III/2017 trên thị trường. Tuy vậy, sự suy yếu của dòng tiền khiến trạng thái giằng co đi ngang chiếm ưu thế trên phần lớn cổ phiếu. Bên cạnh đó, nguyên nhân cho sự suy yếu của nhóm cổ phiếu này còn đến từ sự gia tăng của áp lực bán khi VN-Index tiến vào vùng 800-805 điểm.
Trước diễn biến không khả quan của các cổ phiếu dẫn dắt, sức nóng của dòng tiền đầu cơ cũng hạ nhiệt nhanh ở các nhóm vừa và nhỏ. Dù vậy vẫn xuất hiện nhiều cổ phiếu như HAR, KLF, HU1, HAR, BHN… được dòng tiền đầu cơ hướng đến với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III tích cực, nhờ đó giúp thị trường không quá tiêu cực.
Điểm tiêu cực nhất trong tuần qua, đó việc khối ngoại tiếp tục rút ròng dù thị trường đã kết thúc kỳ review danh mục của các quỹ ETFs. Với lực bán tập trung ở blue-chip khiến giao dịch của khối ngoại đã tạo sức ép tiêu cực khá lớn lên thị trường.
Về các cổ phiếu đáng chú ý, cổ phiếu HU1 tăng 30,81% dù không có thông tin nào được đưa ra.
Cổ phiếu HAR tăng 17,52% sau thông tin mục tiêu doanh thu được điều chỉnh tăng thêm gần 26% trong khi lợi nhuận tăng mạnh thêm tới 40% dự kiến đạt 26,4 tỷ đồng lợi nhuận.
Cổ phiếu BHN tăng 13,64% có lẽ đến từ thông tin Carlsberg mong muốn nắm ít nhất 51% cổ phần của Habeco.
Cổ phiếu SCD giảm 26,67% sau thông tin năm 2017, CDBECO đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ 38,9 tỷ lít, doanh thu 494 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 37,95 tỷ đồng. Sau những gì đạt được trong 6 tháng đầu năm, CDbeco sẽ rất khó hoàn thành kế hoạch năm nay.
Cổ phiếu APG giảm 8,49% sau khi tăng mạnh trong vài tuần gần đây.
Cổ phiếu MSN giảm 7,31% sau thông tin công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan thông báo Nghị quyết hội đồng quản trị thông qua phương án mua lại cổ phiếu.
Xét theo nhóm vốn hóa, nhóm vốn hóa lớn với các cổ phiếu SAB, PLX, VNM, GAS,… là nguyên nhân chính khiến chỉ số chưa vượt qua được mốc 810 điểm. Mặc dù áp lực bán có dâng lên nhưng diễn biến này không có tính lan tỏa cao và chủ yếu tập trung ở các cổ phiếu đã có mức tăng khá trong giai đoạn vừa qua.
Hành động chốt lời của nhà đầu tư phần nào xác nhận mốc 810 điểm sẽ là thử thách thật sự trong các phiên tiếp theo, do mốc kháng cự này có sự hợp thành của các đường xu hướng trung hạn. Điểm tích cực hiện tại là khối ngoại đã quay trở lại mua ròng nhẹ trên sàn HOSE sau nhiều phiên liên tiếp bán ròng trước đó.
Nhà đầu tư ngắn hạn có thể áp dụng chiến lược “mua đỏ, bán xanh” trong giai đoạn thị trường đi ngang chưa rõ xu hướng này. Nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu có vị thế tốt và tận dụng những phiên giảm điểm của thị trường để mua vào những cổ phiếu cơ bản tốt ở vùng giá hấp dẫn hơn.
Hoài Nam
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.