Thanh khoản đang giảm dần, những thông tin hỗ trợ trong tháng 6 dự kiến sẽ yếu hơn nhiều so với tháng 5, và vùng kháng cự mạnh chưa vượt qua được có thể là những nguyên nhân kéo chân thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 6 này.
Thị trường cổ phiếu Việt Nam đã có một tháng 5 tương đối khả quan khi cứ 2 phiên tăng mới có 1 phiên giảm, giúp chỉ số VN-Index lọt vào top các thị trường hoạt động tốt nhất thế giới trong tháng bằng mức tăng 3,35%.
Không có “sell in May” như thường thấy, một số chuyên gia phân tích dự đoán khả năng thị trường Việt Nam có thể bị bán ra trong tháng 6 thay vì tháng 5.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc khối phân tích của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), cho rằngcác yếu tố tích cực hỗ trợ cho thị trường trong sóng tăng từ tháng 1 đến nay đã phản ánh đáng kể vào diễn biến thị trường, nên dư địa còn lại để tạo sóng tăng tiếp trên nền tảng hiện tại không còn lớn.
“Thị trường tháng 6 nghiêng về chiều hướng tiêu cực nhiều hơn, khả năng kéo dài hoặc mở rộng điều chỉnh được đánh giá cao hơn,” ông nhận định.
Một trong những yếu tố cơ bản nhất hỗ trợ thị trường từ đầu năm, theo ông Bình, là việc giá dầu thô và các hàng hóa khác trên thế giới tăng. Tuy nhiên, ông cho rằng giá dầu thô đang chạm ngưỡng cản khá nhạy cảm, đặc biệt là vùng cản mạnh 50-52 USD/thùng, nên việc giá dầu có thể “hỗ trợ thị trường đi lên thời gian tới là rất khó”.
Giá dầu Brent trong phiên chiều ngày 1/6 trên thị trường Châu Á đã giảm về quanh mức 49,1 USD/thùng, sau khi chạm mức đỉnh 50,51 USD/thùng vào ngày 26/5 – mức cao nhất kể từ đầu tháng 11/2015.
Một thông tin nữa đang hỗ trợ thị trường là Thông tư 06 mới ban hành của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có một số điểm nới lỏng quy định đối với việc quản lý dòng vốn cho vay của các ngân hàng. Thông tư này đang tạo hiệu ứng thúc đẩy cổ phiếu của các ngành liên quan như bất động sản và ngân hàng.
Tuy nhiên, vị chuyên gia của BVSC cho rằng Thông tư 06 này đã được đồn đoán và phản ánh vào thị trường trước đó rồi, nên sẽ chỉ tạo tác động tích cực trong ngắn hạn và khó có thể giúp chỉ số VN-Index vượt qua được đỉnh nội phiên gần đây là 628 điểm.
“Về mặt kỹ thuật, sau đợt tăng lần trước chỉ số VN-Index đã chạm ngưỡng cản khá mạnh ở vùng 630 điểm sau đó điều chỉnh, tạo đỉnh ngắn hạn tại đó. Giờ khả năng để thị trường vòng lên vượt ngưỡng cản đó được đánh giá là thấp tương đối, vì vùng 630 điểm hội tụ nhiều điểm cản trong cả ngắn hạn và trung hạn,” ông Bình đánh giá.
Đưa ra một số quan điểm khác, nhưng ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng – cũng nhận định thị trường tháng 6 sẽ gặp nhiều yếu tố bất lợi, nhất là khi so sánh với tháng 5.
Ngoài ra, những yếu tố đó cũng bắt nguồn từ chính giai đoạn trước đó như: 1) Thanh khoản trên thị trường đang giảm dần trong 2 tháng qua, nhiều ngày đạt mức thấp; 2) Vùng kháng cự 620-650 điểm chưa vượt qua được; 3) Tin về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã qua rồi; và 4) Nghị quyết 35 của Chính phủ về cởi trói cho doanh nghiệp được đưa ra cùng lúc với chuyến thăm của Tổng thống Obama đã không hỗ trợ được nhiều cho thị trường.
“Tháng 6 chưa thấy có tin gì mạnh hơn so với việc Tổng thống Omaba thăm Việt Nam và Nghị quyết 35,” ông Khánh so sánh, cho rằng tình trạng “sell in May” có thể chuyển sang tháng 6.
Đâu là yếu tố hỗ trợ?
Theo nhận định từ các chuyên gia phân tích, những yếu tố có thể thúc đẩy thị trường trong tháng 6 có vẻ khá mờ nhạt.
Ông Nguyễn Xuân Bình (BVSC) cho rằng tháng 6 nếu xuất hiện 2 yếu tố thì thị trường mới có thể tiếp tục tăng điểm.Thứ nhất là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái tăng hoạt động tái chiết khấu cho trái phiếu VAMC. Yếu tố này có thể tạo cú huých không chỉ với lợi nhuận của nhóm ngân hàng mà lan tỏa sang nhiều nhóm công ty khác.
Theo giới phân tích, NHNN có thể sẽ chọn cách giảm dự trữ bắt buộc hoặc tăng tái chiết khấu trái phiếu VAMC để hỗ trợ cho đà tăng trưởng của nền kinh tế. Phương án tăng tái chiết khấu cho trái phiếu VAMC đang được các nhà phân tích cho là khả quan hơn, vì nó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho nhóm ngân hàng cũng như không phát đi tín hiệu quá tích cực cho thị trường để gây ra lạm phát trở lại.
Ông Bình cho rằng khả năng đó được đánh giá cao, nhưng thông tin đó có thể nó xuất hiện vào cuối năm hoặc đầu năm tới thay vì thời điểm này.
Thứ hai là khả năng Việt Nam được MSCI đưa vào danh sách theo dõi (Watching list) để rà soát xem liệu chứng khoán Việt Nam có được nâng hạng lên thị trường mới nổi hay không. Khoản trung tuần tháng 6 MSCI sẽ công bố danh sách này.
Theo ông Bình, nếu Việt Nam được đưa vào danh sách ra soát hàng năm của MSCI, thị trường sẽ có một cú huých mạnh, nhưng khả năng đó khó có thể trong năm nay.
Đánh giá về khả năng tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp chính sách tháng này, ông Bình cho rằng nó sẽ không có tác động quá lớn, vì thị trường trước đó đã phản ánh vào giá rồi. Tuy nhiên, đây cũng là chủ đề cần theo dõi thêm, vì đồng USD đang phục hồi trong nhiều tuần nay.
Từ quan điểm riêng của mình, ông Phan Dũng Khánh (MBKE) cho rằng thị trường có chăng được hỗ trợ trong tháng này là việc đón đầu khả năng thị trường có thể được mua bán cổ phiếu trong phiên vào tháng 7. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ cho thanh khoản, nhưng chỉ là yếu tố mang tính kỹ thuật.
Theo một nhà môi giới thuộc chi nhánh Hà Nội của CTCP Chứng khoán TP.HCM, thị trường có thể sẽ điều chỉnh giảm và khả năng về quanh vùng 600 điểm, sau đó sẽ cân bằng hoặc bật ngược lên để chào đón kết quả kinh doanh quý II mà một số công ty sẽ công bố trong tháng 6.
Trung Nghĩa
Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.