Chia sẻ:

Câu chuyện tăng mạnh của TTCK Việt Nam mới chỉ bắt đầu

Sau phiên giảm do tác động của sự kiện Brexit hôm 24/6, TTCK Việt Nam đã “trở lại và lợi hại hơn xưa” khi chỉ số VN-Index lần lượt vượt các đỉnh của năm 2014 và 2015 rồi lên mức cao nhất trong 8 năm qua. Tuy nhiên, câu chuyện tăng điểm được cho là mới chỉ bắt đầu.

Phóng viên NDH đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maritime (MSI) về triển vọng của thị trường sau khi chỉ số VN-Index chạm mức cao nhất kể từ năm 2008 trong phiên ngày 4/7.

 Chỉ số VN-Index đã có 1 chuỗi phiên tăng và vừa thiết lập mức cao nhất kể từ năm 2008. Theo ông, đâu là động lực thúc đẩy thị trường thời gian vừa qua?

Tính từ năm 2006 đến nay, chỉ số VN-Index có nhiều biến động và nhiều lần dao động quanh ngưỡng 610–640 điểm. Trong vòng 10 năm, quy mô thị trường đã lớn hơn, dòng tiền giải ngân từ phía nhà đầu tư nội và ngoại cũng gia tăng đáng kể, chưa kể đến các chỉ báo vĩ mô cũng được coi là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển về lượng cũng như về chất, với nhiều doanh nghiệp niêm yết có tỷ số P/E rất hấp dẫn là một trong những động lực đã và đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư. Câu hỏi đặt ra hiện nay phải là khi nào VN-Index lên mốc 700 điểm và thậm chí 800 điểm mới là câu hỏi thích hợp hơn cho giai đoạn hiện tại.

Có nhận định cho rằng có dòng vốn mạnh từ cả nhà đầu tư ngoại và nội đang tham gia vào thị trường để tận dụng các chính sách hỗ trợ được khai thông từ tháng 7. Ông có đồng ý với đánh giá này không?

Chúng ta thường rất khó có thể đánh giá thị trường hay từng cổ phiếu riêng lẻ tăng điểm vì lý do nào hơn hay là tác động của sự kiện Brexit đến thị trường chứng khoán như thế nào. Lý thuyết phản đối quan điểm “Thị trường hiệu quả” đã giải thích rằng nhiều khi thị trường tăng điểm ngoài những lý do có thể giải thích được như tăng trưởng GDP, thu hút FDI, hay tăng trưởng tín dụng… mà còn bởi nhiều lý do không thể giải thích được.

Cùng với dự báo diễn biến thị trường cuối năm trước cũng như qua phân tích thanh khoản của thị trường 6 tháng đầu năm, chúng ta phải thấy rằng niềm tin nhà đầu tư đã được cải thiện rất nhiều. Dòng tiền giải ngân vào nhiều cổ phiếu cơ bản như dược phẩm, bảo hiểm, công nghệ… ngày càng gia tăng, cho thấy thị trường đang ở giai đoạn hoàn toàn khác so với các năm trước đó. Điều này có thể giải thích rằng chu kỳ phát triển của thị trường chứng khoán của Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới – những cú sốc ngoại sinh đến từ dòng vốn ngoại, làn sóng IPO và thoái vốn ngoài ngành sẽ thu hút sự quan tâm từ cả 2 phía nhà đầu tư nội và ngoại. Do đó, dòng vốn mạnh từ phía nhà đầu tư ngoại và nội đã và đang phản ánh 1 quá trình thay đổi quy mô cũng sự hấp dẫn thể hiện qua các cơ hội đầu tư đến từ nền kinh tế và lý đo đưa ra phía trên chỉ có thể giải thích 1 phần nhỏ của câu chuyện.

Theo ông, đâu là những chủ đề cần theo dõi trong tháng 7 này?

Chủ đề quan tâm của tháng 7 đó là sự chuyển mình của nền kinh tế, quá trình chuyển mình mạnh mẽ cũng như sự triển khai các dự án lớn. Câu chuyện của thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh mới chỉ là bắt đầu.

Ông nhận định gì về xu hướng thị trường trong tương lai gần?

Trong ngắn hạn, VN-Index sẽ đối mặt với 2 mốc kháng cự mạnh là 660 điểm và 680 điểm, ít nhất là trong các tháng cuối năm 2016. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại rằng, biến động ngắn hạn của thị trường chỉ là nhất thời – tầm nhìn về đầu tư cũng như xu hướng của thị trường chứng khoán mới là điều quan trọng hơn.

Xin cảm ơn ông!

 

Trung Nghĩa

 


Tuyên bố trách nhiệm: Bài viết được lấy nguyên văn từ nguồn tin nêu trên. Mọi thắc mắc về nội dung bài viết xin liên hệ trực tiếp với tác giả. Chúng tôi sẽ sửa, hoặc xóa bài viết nếu nhận được yêu cầu từ phía tác giả hoặc nếu bài gốc được sửa, hoặc xóa, nhưng vẫn bảo đảm nội dung được lấy nguyên văn từ bản gốc.